Khai thác già hay non rừng dự án?
Dự án khôi phục và quản lý rừng bền vững (gọi tắt KFW6) sau gần 10 năm triển khai đã chấm dứt nguồn vốn viện trợ. Quản lý hậu dự án ra sao, trồng bao lâu thì thu hoạch, cơ chế chính sách hưởng lợi như thế nào... là những câu hỏi cần được giải quyết.
Dân hưởng lợi
Khác với các chương trình trồng rừng trước đây, dự án KFW6 bắt đầu thực hiện tại 3 huyện Nông Sơn, Hiệp Đức và Đại Lộc giai đoạn 2005 - 2014. Nguồn vốn tài trợ của Chính phủ Đức khá lớn, các khâu quy hoạch đất, tái thiết rừng, hạn mức giao cho từng hộ, thôn, xã rất chặt chẽ nên không rơi vào tình trạng chồng lấn diện tích, bỏ hoang. Ở các khu rừng sản xuất kết hợp chức năng phòng hộ, cái được lớn nhất là bảo vệ đất và nguồn nước vùng bị đe dọa về sinh thái. Người dân địa phương có công ăn việc làm, có thể tìm kế sinh nhai dưới mảnh rừng của mình. Gần 16 tỷ đồng được chuyển cho người tham gia trồng rừng dự án. Tại huyện Nông Sơn, người tham gia dự án còn phát sinh lãi hơn 1,1 tỷ đồng. Nhiều năm người dân hưởng lợi dự án vô cùng phấn khởi trước tiền công trồng, chăm sóc rừng được chi trả tương xứng. Vì nhìn thấy được đa lợi ích, nhiều mục đích nên dự án ban đầu chỉ thiết kế trồng 1.600ha tại Nông Sơn nhưng đến nay người dân hưởng ứng phủ xanh gần 2.000ha.
Thị trường tiêu thụ gỗ ổn định nên người dân an tâm phủ xanh đất trống đồi trọc. TRONG ẢNH: Thu hoạch keo ở xã Quế Bình (Hiệp Đức). Ảnh: T.H |
Ông Nguyễn Cử - Giám đốc Ban quản lý dự án KFW6 cho biết, việc khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên ở lưu vực đầu nguồn sông có ý nghĩa sống còn trong điều hòa tiểu khí hậu vùng và tăng đa dạng sinh học, qua đó đóng góp vào sự ổn định trong khâu sử dụng đất lâm nghiệp lâu dài, tránh tình trạng xâm lấn đất rừng. Thực tế, ở những vùng trồng rừng chưa ổn định, thường xảy ra việc tranh chấp đất rừng dai dẳng. Phần lớn khoảnh rừng của người dân trồng đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khảo sát trạng thái rừng dự án, nhà tài trợ rất hài lòng về mặt che phủ, hợp lý trong bố trí cây trồng bản địa với chức năng phòng hộ và cây kinh tế. Hầu hết người dân làm chủ được đất rừng nên cách chăm sóc, khôi phục tuân thủ theo quy trình lâm sinh. Thời điểm này, nhiều rừng cây đã 10 năm tuổi, đang chờ thu hoạch và nguồn lợi đem lại không nhỏ.
Hậu dự án
Theo Ban Quản lý dự án KFW6, từ năm 2005 đến nay, hơn 3.000 hộ thuộc 11 xã của 3 huyện Nông Sơn, Hiệp Đức và Đại Lộc được cấp 3.425 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trồng mới và khoanh nuôi tái sinh hơn 4.977ha rừng (kế hoạch 4.600ha), giải quyết việc làm cho 7.000 lao động. Dự án KFW6 được triển khai tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Trong đó, vốn đầu tư tại Quảng Nam gần 52 tỷ đồng (viện trợ của Chính phủ Đức hơn 35,2 tỷ đồng, vốn đối ứng Trung ương hơn 16,6 tỷ đồng). |
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Nông Sơn, thành viên của ban điều hành dự án KFW6 cho biết, bất cập lớn nhất là rừng trồng từ năm 2005 đến nay quá lớn, rất nhiều đơn xin khai thác của người dân chưa giải quyết do tỉnh chưa có chủ trương thu hoạch. Vùng đất màu mỡ chỉ cần trồng keo 5 - 6 năm là có thể khai thác. “Trên địa bàn phủ xanh gần 2.000ha rừng, không ít diện tích trong số đó đã già cỗi không còn phát triển thêm nhưng vẫn chưa biết có được khai thác hay không. Cơ chế hưởng lợi như thế nào về rừng vẫn chưa cụ thể. Cho nên cần đảm bảo lợi ích cho người tham gia trồng rừng và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” – ông Lanh nói.
Dự án KFW6 chỉ ưu tiên phát triển rừng sản xuất, giúp dân ổn định đời sống nhưng nhiều cây trồng vừa có giá trị kinh tế vừa mang chức năng phòng hộ. Tại các huyện Đại Lộc, Hiệp Đức, ngoài cây keo còn trồng sao đen, xoan ta, lim xanh, dầu rái… Đại diện ngành tài nguyên – môi trường huyện Hiệp Đức cho rằng, địa phương cấp 1.143 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trồng rừng KFW6, nếu kéo dài chu kỳ trồng đến 10 năm trở lên mới khai thác thì người dân lấy gì để sinh nhai, có vốn để tái đầu tư rừng nên Ban quản lý dự án KFW6 phải bàn giao sớm rừng cho địa phương quản lý, khuyến khích người dân cắt tỉa, khai thác đúng chu kỳ. Theo ông Đoàn Văn Được – cán bộ hiện trường dự án KFW6 huyện Đại Lộc, diện tích rừng phủ xanh trên đất nương rẫy là chính, phương pháp trồng hỗn giao sao đen, thầu đâu, keo. Khi trồng khoanh nuôi tái sinh chủ yếu bảo vệ sinh thái môi trường chứ không vì mục đích sinh thái, song diện tích keo đã lớn cần thu hoạch ngay.
Trả lời câu hỏi sao không cho người dân khai thác keo già trong vùng dự án, ông Nguyễn Cử - Giám đốc Ban Quản lý dự án KFW6 cho rằng, đang thời kỳ cuối chờ nghiệm thu hiện trường nên ở Trung ương chưa cho phép khai thác. Sau khi được cho phép khai thác gỗ, người dân sẽ được hưởng lợi 100%, chỉ đóng góp một ít chi phí cho địa phương và dĩ nhiên có phương án phát triển vốn rừng tiếp theo. Đến nay, sau gần 10 năm trồng vẫn chưa có địa phương nào khai thác rừng KFW6. Trong khi đó, Giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Tấn Đức lại bảo, chưa có quy định pháp luật nào không cho phép người dân khai thác rừng hưởng lợi cả, nhưng quan điểm chung là kéo dài chu kỳ thu hoạch, có thể hơn 10 năm trồng để nâng cao giá trị kinh tế. Chủ trương của tỉnh không khuyến khích đầu tư nhà máy dăm gỗ là vì không muốn rừng nguyên liệu bị bán non, rẻ. Gỗ rừng trồng có thể phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ mỹ nghệ... Chủ dự án phải khẩn trương bàn giao rừng cho địa phương quản lý và đầu mối quản lý rừng tốt nhất nên giao cho kiểm lâm. “Dự án kết thúc nên vấn đề quan trọng là xây dựng cho được cơ chế chính sách hưởng lợi; có giải pháp quản lý hiệu quả sau đầu tư để đạt được mục tiêu cuối cùng của dự án là khôi phục và quản lý rừng bền vững” – ông Đức nói. Ngành nông nghiệp chỉ đạo chủ dự án và các ngành lâm nghiệp, kiểm lâm tham mưu cơ chế quản lý sau đầu tư vừa đảm bảo quyền lợi cho người tham gia trồng rừng vừa phát triển bền vững vốn rừng.
TRẦN HỮU