Thế mạnh kinh tế rừng
Những năm qua, trồng rừng sản xuất tại Quế Hiệp (Quế Sơn) được tập trung phát triển, cây keo nguyên liệu trở thành cây sản xuất hàng hóa, có giá trị kinh tế cao, giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Cuộc sống của người dân thôn Nghi Sơn ngày càng khấm khá nhờ phát triển kinh tế rừng. Ảnh: N.ĐOAN |
Hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng rừng, đến nay, hộ ông Trần Văn Hùng (thôn Nghi Sơn) không chỉ có của ăn của để, xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều vật dụng đắt tiền mà còn sắm xe tải lớn để vận chuyển cây keo, hàng hóa cho nhân dân trong xã. Hiện nay, hộ ông Hùng trồng hơn 20ha keo nguyên liệu, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ít ai biết rằng, khi mới bước vào nghề trồng rừng, hộ ông rất nghèo khó, nhận trồng rừng của Dự án 4304 để lấy số gạo khoán nuôi sống gia đình. Ông Hùng tâm sự: “Sau khi dự án kết thúc, gia đình tôi quyết định tự bỏ vốn liếng để tiếp tục đầu tư trồng rừng. Một quyết định khá táo bạo đối với nhiều người dân địa phương khi đó, nhưng lúc ấy vợ chồng tôi tin trong một ngày không xa rừng sẽ mang lại cuộc sống khấm khá, ấm no. Và nay điều đó đã thành hiện thực”.
Ông Đinh Hữu Hoàng - Trưởng thôn Nghi Sơn cho hay, toàn thôn hiện có 260ha rừng trồng keo nguyên liệu và địa phương đang xét cấp khoảng 31ha đất rừng từ quỹ đất dự phòng của xã cho các hộ mới tách khẩu. Nhờ có giá trị kinh tế cao, lại phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nên cây keo đang trở thành cây giảm nghèo của người dân địa phương; nhiều hộ nhờ trồng rừng mà có kinh tế ngày càng khá giả. “Ở đây, trừ hộ già yếu, các hộ khác đều tham gia trồng rừng. Nhiều người đi làm ăn tha phương nay cũng quay về gắn bó với cây keo. Người dân chọn cây giống chất lượng ở những vườn ươm uy tín, mạnh dạn đầu tư chăm trồng theo đúng hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ lâm nghiệp, chu kỳ sinh trưởng của cây keo rút ngắn, cho giá trị kinh tế rất cao” - ông Hoàng bày tỏ.
Theo ông Trần Anh Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Hiệp, với diện tích hơn 3.130ha đất rừng, những năm qua, địa phương luôn xác định trồng rừng sản xuất là thế mạnh trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong thời gian đến, Quế Hiệp vẫn xác định keo nguyên liệu là cây sản xuất hàng hóa chủ lực, góp phần giảm nghèo bền vững. “Để thúc đẩy phát triển kinh tế rừng, thời gian đến địa phương sẽ làm việc với các ngành chuyên môn mở thêm nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng cho nhân dân. Tiến hành khảo sát để xây dựng các vườn ươm tại chỗ nhằm chủ động cung cấp cây giống chất lượng. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các thủ tục hồ sơ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân, giúp họ yên tâm đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế rừng” - ông Toàn nói.
N.ĐOAN