Kiểm soát lòng hồ thủy điện
Trước hệ lụy phá rừng theo con nước, ngành kiểm lâm đưa ra phương án siết chặt công tác quản lý các phương tiện hoạt động đi lại trong lưu vực lòng hồ thủy điện.
Thủy điện tích nước ngăn dòng, khiến khu vực đầu nguồn lòng hồ thủy điện Đắc Mi 4, Sông Bung 4, Sông Bung 2, A Vương… càng trở nên nóng bỏng hơn bởi tình trạng phá rừng. Các bến bãi neo đậu ghe thuyền mở trái phép, các phương tiện hoạt động đường thủy bỗng xuất hiện nhiều vô kể. Ông Huỳnh Tấn Đức – Giám đốc Sở NN&PTNT từng quả quyết, ghe thuyền xuất hiện tăng đột biến ở lòng hồ thủy điện là hoạt động bất thường, chỉ tham gia vận chuyển gỗ lậu chứ không phải làm chức năng phục vụ du lịch hay đánh bắt cá. Cho nên, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm và đề nghị các ngành liên quan phối hợp rà soát thống kê toàn bộ các ghe thuyền, phương tiện vận tải đường thủy đang hoạt động trên các lòng hồ thủy điện thuộc địa bàn quản lý. Đồng thời kiểm tra thủ tục về đăng ký, đăng kiểm của các loại phương tiện này; trường hợp chưa có đăng ký, đăng kiểm hoặc hoạt động trái phép thì yêu cầu dừng hoạt động và trục xuất ra khỏi khu vực lòng hồ thủy điện.
Theo ông Phan Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thực hiện Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 2.2.22015 của UBND tỉnh, đơn vị đã rốt ráo vào cuộc, phân chia nhiệm vụ rõ ràng cho hạt kiểm lâm trực thuộc, chủ rừng phụ trách lâm phận. Đối với các lưu vực thủy điện do nhiều đơn vị quản lý, thì các cơ quan giữ rừng có trách nhiệm phối hợp. Chẳng hạn, Hạt Kiểm lâm Nam Giang chủ công trong kiểm tra giám sát hoạt động các ghe thuyền hoạt động trên các lòng hồ thủy điện trên địa bàn huyện. Khi tuần tra trên địa phận liên quan đến Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung hay Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Bắc Sông Bung thì liên hệ hạt kiểm lâm đó phối hợp thực hiện. Tương tự, Hạt Kiểm lâm các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My tổ chức kiểm tra giám sát hoạt động của các ghe thuyền hoạt động trên các lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 ở lưu vực thuộc ranh giới hành chính của huyện. Trong quá trình tổ chức thực hiện, cần phối hợp với Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Sông Tranh. Một phương án khác đưa ra, lòng hồ thuộc lưu vực rừng của đơn vị nào quản lý thì đơn vị đó tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động tại khu vực lòng hồ đó. Trong khi đó, đối với lòng hồ thủy điện Sông Bung 4, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh giám sát hoạt động của ghe thuyền ở khu vực ngã 3 khe Vinh đi vào phía trong khe Vinh; Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Bắc Sông Bung giám sát ghe thuyền ở lưu vực ngã ba Sông Lăng nước chảy vào lòng hồ thủy điện Sông Bung 4; Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung quản lý hầu hết các ghe, thuyền hoạt động trên lòng hồ thuộc lâm phận quản lý, trừ những khu vực được phân chia cho Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh và Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Bắc Sông Bung quản lý. “Khi đã chia từng lưu vực, lâm phận ra cho từng đơn vị kiểm lâm quản lý, chúng tôi có cơ sở pháp lý rõ ràng để xử lý nếu thiếu trách nhiệm, tránh công việc chồng chéo hoặc họ đổ lỗi cho nhau” – ông Tuấn cho biết.
TRẦN HỮU