Chậm trồng rừng thay thế
UBND tỉnh nhiều lần buộc các chủ dự án nhà máy thủy điện phải trồng rừng thay thế (TRTT) theo đúng quy định. Thế nhưng, nghĩa vụ “trả nợ” rừng năm nay đạt rất thấp (3,4% kế hoạch trồng của năm). Tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành trong cả nước mới đây, Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đưa ra thông điệp xử lý cương quyết với những đơn vị cố tình chậm TRTT.
Chậm và ách tắc
Theo Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, tổng diện tích phải TRTT khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang thi công các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh là hơn 1.371ha. Kế hoạch trồng rừng năm 2014 hơn 700ha, nhưng diện tích sau khi điều chỉnh xuống còn hơn 451ha (giảm 251ha). Chi Cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp lý giải, nguyên nhân giảm là diện tích rừng bị ảnh hưởng với công trình thủy điện Đắc Mi 4 điều chỉnh từ 300ha theo kế hoạch xuống còn hơn 86ha; công trình thủy điện Geruco Sông Côn xin chậm TRTT đến năm 2015. Mặc dù đến thời điểm cuối năm, nhưng cả tỉnh mới chỉ thực hiện TRTT gần 24/700ha (đạt 3,4% kế hoạch năm). Ông Lê Minh Hưng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, công tác TRTT trong năm 2014 đạt tỷ lệ quá thấp so với kế hoạch đã duyệt. Các địa phương, đơn vị đã hoàn thành việc khảo sát, lập và phê duyệt dự án, tổ chức xử lý thực bì, tập kết cây giống đến hiện trường để trồng nên tốn khá nhiều thời gian. “Nguyên nhân TRTT chậm được xác định là nhiều dự án chưa lập phương án, trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Trong quá trình xây dựng dự án không đề cập việc bồi thường đất và tài sản trên đất, chủ yếu nương rẫy của người dân, ảnh hưởng không nhỏ đến thu hồi đất để trồng” – ông Hưng nói.
Thủy điện Đắc Mi 4. Ảnh: T.H |
Nhiều chủ dự án thủy điện chưa hoặc TRTT rất rề rà như thủy điện Sông Bung 4 còn 105ha rừng chưa trồng, Sông Tranh 2 còn hơn 78ha, Sông Bung 2 chưa trồng đến 426ha… Năm 2013, lãnh đạo Sở NN&PTNT thẳng thừng tuyên bố, nếu chủ đầu tư nào không trồng lại rừng mà còn dây dưa không chuyển tiền trồng lại rừng mới, tỉnh sẽ trích quỹ ký cược của các doanh nghiệp đó để trồng bù lại diện tích rừng bị lấy mất. Nếu địa bàn nào trong tỉnh không còn đất để trồng rừng thay thế có thể chuyển cho địa bàn khác trong tỉnh để trồng. Tuy nhiên, mọi việc đâu lại hoàn đấy, các cơ quan chức năng chỉ mới dừng lại ở hình thức nhắc nhở chủ dự án, chứ chưa có chế tài xử lý.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, nhiều tỉnh “nợ rừng” lớn nhưng triển khai ì ạch gồm Nghệ An, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Lạng Sơn và Quảng Nam. Trong số 27 đơn vị nợ hơn 100ha mỗi dự án, Bộ NN&PTNT chỉ ra Quảng Nam có 4 nhà máy thủy điện “nợ rừng” như thủy điện Sông Tranh 2 chưa trồng 314ha, Sông Bung 4 hơn 206ha, Sông Bung 5 là hơn 106ha và thủy điện Sông Bung 2 hơn 426ha. |
Theo quy định, chủ thủy điện có thể nộp tiền vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng địa phương nếu không TRTT. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, bất cập là một số địa phương chấp thuận cho chủ dự án nộp tiền TRTT vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh nhưng để vốn tồn đọng, thậm chí đề nghị trung ương cho sử dụng số tiền đã thu để chi cho các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng thay vì TRTT. Trong khi đó, Bộ Công Thương phân tích, TRTT chậm do nhiều tỉnh hiện không còn quỹ đất hoặc đất không phù hợp để trồng rừng. Một số địa phương chưa xác định được trách nhiệm trong việc bố trí đất trồng rừng hoặc đơn giá đền bù trồng rừng, chủ đầu tư gặp khó về tài chính...
Xử lý nghiêm
Nhiệm vụ năm 2015 của ngành nông nghiệp là chỉ đạo, giải quyết dứt điểm việc TRTT. Đối với các dự án thủy điện đã nộp tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh, phải trồng nhanh, tuyệt đối không để tồn tiền. Chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 24.1.2014 của Thủ tướng Chính phủ về TRTT. (Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát) |
Theo ông Lê Minh Hưng, một trong những vướng mắc cản trở việc TRTT là có địa phương xảy ra tranh chấp đất giữa người dân và đơn vị thi công. Do vậy, nơi nào trồng hơn 30ha mới lập hội đồng phê duyệt phương án. Ngành lâm nghiệp đề xuất, đối với các công trình thủy điện có diện tích rừng chuyển đổi mục đích ít hơn 10ha thì không cần thành lập hội đồng thẩm định phương án mà ngành sẽ tham mưu sở và UBND tỉnh phê duyệt phương án triển khai. Về lo ngại thiếu đất TRTT, theo các địa phương miền núi, các dự án thủy điện nêu ra lý do này là không thuyết phục, thiếu cơ sở. Chủ tịch UBND huyện Đông Giang – ông Đỗ Tài khẳng định, quỹ đất không thiếu, vấn đề nằm ở chỗ chủ dự án thủy điện có quyết tâm “trả nợ” hay không mà thôi. Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ngành có 13.850ha rừng cần phải trồng thay thế, với giá trị đầu tư trồng bù 800 tỷ đồng. Hiện EVN đã lập phương án trồng 3.850ha, trị giá 190 tỷ đồng. Cái khó là địa phương phải có đất, chủ đầu tư mới lên phương án để TRTT. Đơn giá các địa phương đưa ra với mỗi héc ta rừng cũng khác nhau nên rối rắm trong triển khai thực hiện.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định, nhiều chủ đầu tư không nghiêm túc thực hiện các quy định của luật pháp, chưa có phương án trồng, chứ chưa nói đến việc đi trồng cây gì, ở đâu, vốn ra sao… Do vậy, năm 2015, ngành sẽ xử lý nghiêm, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền rút giấy phép dự án nào không hoặc chậm TRTT. “Chủ dự án nào cố tình vi phạm, ngành sẽ chuyển qua cơ quan công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật” – Bộ trưởng Cao Đức Phát nói. Theo quy định, nếu đơn vị nào chậm TRTT trong 1 năm, diện tích trên 50ha sẽ bị phạt 400 - 500 triệu đồng, thực tế rất nhiều đơn vị sai phạm.
TRẦN HỮU