Vất vả xử lý gỗ lậu
Việc truy tìm tận gốc các vụ phá rừng quy mô lớn gần đây vẫn là ẩn số, và thực tế lực lượng kiểm lâm rất vất vả xử lý gỗ lậu.
Tồn “kho gỗ” trong rừng
Vụ phá rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa (TP.Đà Nẵng) và rừng phòng hộ sông Kôn (huyện Đông Giang) đang được tích cực điều tra. Hơn 45m3 gỗ quý cất giấu trái phép trong vùng giáp ranh đã được lực lượng chức năng hai địa phương tịch thu, đưa về xử lý, song địa điểm đốn hạ rừng cho đến nay vẫn chưa được công khai đầy đủ. Trong khi phóng viên băng rừng vượt suối để truy tìm vị trí, hiện trường vụ phá rừng thì bất ngờ phát hiện thêm hàng chục khối gỗ còn lăn lóc trong rừng sâu. Nhiều phách gỗ do lâu ngày phơi nắng mưa đã có dấu hiệu hư hỏng.
Lực lượng chức năng vừa phát hiện thêm khối lượng gỗ lậu trong rừng phòng hộ sông Kôn chưa kịp chuyển đi tiêu thụ. Ảnh: T.HỮU |
Biết đi rừng vào mùa mưa thật vất vả, lối ra vào trơn trượt, nhưng lực lượng chức năng không thể dễ dàng bỏ cuộc khi sự thật vẫn chưa được phanh phui. Đường dẫn vào rừng phòng hộ sông Kôn (thuộc địa phận xã Tư, Đông Giang) chia rẽ nhiều lối. Nếu không có những cán bộ nằm vùng dài ngày chỉ dẫn rất dễ bị lạc đường. Sau hơn nửa ngày len lỏi dưới tán rừng đặc dụng sông Kôn, chúng tôi mới tiếp cận được công trường khai thác gỗ lậu thuộc lâm phận thôn Láy, xã Tư. Hàng trăm phách gỗ lớn, nhỏ gối đầu nằm ngổn ngang, rải rác trong rừng. Dọc lối mòn, thi thoảng gặp vài lán trại không một bóng người, chỉ dấu lâm tặc đã “định cư” dài ngày trong khu rừng này. Cách khu vực này vài cây số, từ lâu khu vực Máng Lao – Dốc Kiền luôn là “điểm nóng” phá rừng rầm rộ, vài năm trước đã từng xảy ra cuộc đụng độ giữa kiểm lâm và lâm tặc. Lúc phát hiện đội quân chở gỗ lậu trên xe minks, ông Phan Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm nổ súng chỉ thiên cảnh báo, bất thình lình đối tượng quay đầu xe, bỏ gỗ chạy lấy người. Một cuộc rượt đuổi, truy bắt lâm tặc bất thành của kiểm lâm.
Mấy năm gần đây, trong báo cáo của ngành kiểm lâm chỉ chú ý đến số gỗ đã tịch thu, còn khối lượng gỗ nằm trong rừng chưa chuyển ra ngoài thì hầu như chưa thống kê. Trong nhiều chuyến đi rừng, chúng tôi phát hiện gỗ sau khi xẻ dọc, xẻ ngang, vì để lâu trong rừng nên chất lượng xuống cấp. Còn nhớ năm 2012, từ khi phát hiện 117m3 gỗ lim xanh đốn hạ nằm la liệt tại khoảnh 9, tiểu khu 123 (vùng giáp ranh giữa Nam Giang và Tây Giang) đến lúc lực lượng chức năng thuê người vận chuyển số gỗ trái phép ra ngoài thì nhiều khối gỗ đã không còn giá trị. Một cán bộ kiểm lâm tỉnh tiết lộ, nhiều khi tuần tra rừng phát hiện cả trăm phách gỗ tại hiện trường nhưng không thể đưa ra ngoài do đường hẹp, lại thiếu nhân lực và phương tiện. Thực tế, tiền thuê nhân công đưa gỗ ra còn tốn kém gấp bội tiền bán thanh lý gỗ nên gỗ trái phép mặc nhiên “tồn kho” trong rừng.
Bán hay hủy?
Khởi tố vụ án phá rừng Bà Nà Ngày 24.11, Chi cục Kiểm lâm TP.Đà Nẵng ra quyết định khởi tố vụ án phá rừng Cà Nhông (thuộc khu vực Bà Nà – Núi Chúa) để điều tra, xử lý theo trình tự pháp luật. Sau khi khởi tố vụ án, ngành kiểm lâm sẽ chuyển hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát TP.Đà Nẵng phê chuẩn, rồi chuyển cho công an điều tra. Như Báo Quảng Nam phản ánh, đầu tháng 10, ngành chức năng của tỉnh và TP.Đà Nẵng phát hiện, tịch thu gần 45m3 gỗ trái phép tại rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa. |
Chính quyền địa phương đã nắm được thông tin số gỗ đốn hạ nằm rải rác ở nhiều tọa độ khác nhau trong rừng phòng hộ nhưng kế hoạch thu gom gỗ về thì chưa tính tới. Ông Đinh Văn Hươm - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang nói: “Chúng tôi lập hội đồng để hủy gỗ”. Tuy nhiên, nhiều người dân ở xã Tư lại cho rằng, hủy gỗ là phương án cuối cùng chứ phí của lắm vì gỗ bây giờ hiếm. Tại sao không cho người dân vận chuyển về làm nhà hay xây gươl truyền thống? lâm tặc vận chuyển được, còn chính quyền sao lại bó tay? Trong khi đó, các ngành chức năng huyện Nông Sơn đã áp dụng bán đấu giá gỗ ngay trong rừng để không lãng phí tài sản nhà nước. Thế nhưng, cách giải quyết này cũng gây tranh cãi, bởi người dân cho rằng chẳng khác gì hợp thức gỗ lậu cho lâm tặc.
Trong vụ phá rừng trọng điểm ở Nông Sơn hồi tháng 10, theo ông Phan Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, sự phức tạp của quá trình xử lý gỗ lậu, điển hình là vụ phá rừng ở thượng nguồn sông Thu (thuộc xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn) vừa qua là khâu vận chuyển toàn bộ gỗ tang vật ra trung tâm huyện, phải qua đoạn đường bộ gần 40km. Lâm tặc tập kết gỗ ở vị trí hiểm yếu này nhằm chờ nước lũ lên sẽ thả gỗ trôi theo khe Nấm ra sông Thu Bồn. Để phục vụ cho công tác điều tra vụ án, lực lượng kiểm lâm và công an mỗi ngày bố trí 6 cán bộ, chiến sĩ lập lán trại bảo vệ hiện trường và tang vật, đề phòng lâm tặc tổ chức tẩu tán gỗ. Ngoài ra, thuê nhân công vận chuyển với giá 1 triệu đồng/phách. Để đưa toàn bộ số gỗ trái phép về trung tâm huyện Nông Sơn, các ngành chức năng phải mất ròng rã một tháng trời.
Theo nguồn tin từ người dân, tại rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa giáp ranh với huyện Đông Giang vẫn còn một số bãi tập kết gỗ giấu trong rừng nhưng địa phương này mới chỉ phát hiện được 36 gốc cây bị triệt hạ. Rõ ràng, ngoài cuộc chiến chống lâm tặc rất gian nan, chính quyền các huyện miền núi trong tỉnh còn lúng túng xử lý một khối lượng lớn gỗ lậu còn nằm khuất lấp trong rừng.
TRẦN HỮU