Liên quan đến vụ "phá rừng ở vùng giáp ranh": Di dời trạm Cà Nhông, xác định lại ranh giới
Trước nhiều thông tin mới từ phía Quảng Nam đưa ra tại buổi làm việc vào cuối tuần qua, chính quyền TP.Đà Nẵng đã có những động thái quyết liệt, cùng phối hợp để “dẹp loạn” ở vùng rừng giáp ranh.
|
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đã có buổi làm việc nhằm giải quyết vụ việc nảy sinh ở vùng rừng giáp ranh Đông Giang (Quảng Nam) và Hòa Vang (Đà Nẵng).Ảnh: NGỌC NGUYÊN |
Buổi làm việc giữa lãnh đạo TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam được xem là động thái cần thiết và kịp thời để tìm tiếng nói chung giải quyết những phức tạp nảy sinh ở vùng rừng giáp ranh Đông Giang (Quảng Nam) và Hòa Vang (Đà Nẵng). Cuộc họp ngay lập tức nóng lên khi việc di dời Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông (gọi tắt là trạm Cà Nhông; thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa) được đặt ra và những thông tin về dấu hiệu thiếu trách nhiệm, bảo kê cho lâm tặc của trạm này được lãnh đạo huyện Đông Giang cung cấp. Trước đó, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng - Trần Viết Phương nêu ý kiến việc di dời trạm này phải cần thời gian để chọn địa điểm, tiến hành di dời và dự kiến phải đến nửa năm sau mới có thể hoàn thành.
Nguyên nhân của mọi nguyên nhân
Bí thư Huyện ủy Đông Giang - Nguyễn Bằng khẳng định, trách nhiệm giữ rừng là trách nhiệm chung của hai địa phương, nhưng cũng thẳng thắn nêu quan điểm kiên quyết di dời trạm Cà Nhông ra khỏi vị trí mượn tạm đất của xã Tư, Đông Giang, là bởi việc ngăn chặn lâm tặc lộng hành của trạm này không hiệu quả. Theo ông Bằng, từ thực tế cũng như nguồn tin người dân cung cấp, số lượng hơn 40m3 gỗ kiền kiền phát hiện trong khu rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa được lâm tặc khai thác suốt thời gian dài. Việc vận chuyển gỗ cũng chỉ qua con đường độc đạo, nơi có trạm Cà Nhông quản lý. Đây không phải đường dân sinh nên có thể sẽ bị phá. Theo thông tin từ lãnh đạo huyện Đông Giang, đã nhiều lần lâm tặc trú nhờ ngay tại trạm Cà Nhông khi bị cơ quan chức năng phía Đông Giang đẩy đuổi, và hiện tại đã dạt qua lập lán trại bên phía Đà Nẵng. Ông Đỗ Tài - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang khẳng định: “Ngay cả người dân chúng tôi cũng đã làm đơn kiến nghị di dời trạm Cà Nhông. Dân đi bứt mây trong rừng cũng bị cán bộ kiểm lâm hỏi thăm, còn lâm tặc vận chuyển gỗ lậu thì không bắt”.
Trước hàng loạt thông tin từ phía Quảng Nam, ông Trần Viết Phương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho rằng, trạm Cà Nhông được thành lập từ năm 1988, cán bộ trạm gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn trụ bám, nhờ họ mới giữ được rừng. Tuy nhiên, trong năm 2014, một số cán bộ nhân viên thiếu trách nhiệm mới để xảy ra sự việc đáng tiếc vừa qua. “Nếu thực hiện theo ý kiến của huyện Đông Giang, di dời trạm ra cách đó 10km, liệu rừng có giữ nổi không?” - ông Phương đặt vấn đề. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Huỳnh Khánh Toàn khẳng định, trạm Cà Nhông ở vị trí như hiện nay là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, tình trạng khai thác vàng, khoáng sản, lâm sản phức tạp vì có sự “chống lưng”. “Người dân cũng tố giác rằng bị lâm tặc dằn mặt. Sắp tới chúng tôi giao công an xử lý và sẽ khởi tố vụ án liên quan đến việc phát hiện hơn 40m3 gỗ quý trong rừng đặc dụng” - ông Toàn nói.
Xác định lại ranh giới đất rừng
Bí thư Huyện ủy Đông Giang - Nguyễn Bằng cho biết, hiện có hơn 6,57ha rừng lấn sang đất của Đông Giang mà Đà Nẵng giao cho 4 hộ vốn là cán bộ, nhân viên của Lâm trường Sông Nam. Theo dẫn chứng của ông Nguyễn Bằng, thực tế 4 hộ này đã giao khoán lại cho 2 hộ dân khác, và đây là 2 hộ trực tiếp tham gia, cung cấp nhu yếu phẩm cho lâm tặc, làm tình hình thêm phức tạp, kéo dài lâu nay. (Báo Quảng Nam đã phản ánh trong bài “Ngang nhiên chiếm dụng rừng phòng hộ” ngày 17.10.2014). Theo lãnh đạo huyện Đông Giang, phải xác định lại ranh giới chính xác để giao trách nhiệm cho từng địa phương quản lý. Việc 2 hộ dân được cấp phép trồng cao su (trên diện tích giao khoán được xác định là chồng lấn) thay vì cây keo ở rừng đầu nguồn thủy điện sông Vàng là sai với quy định. Để giải quyết dứt điểm, cần có sự phối hợp giữa các Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa và rừng đặc dụng Sông Kôn. “Việc giao nhầm rừng là không ai mong muốn, nhưng phải làm rõ và giao lại số đất chồng lấn này cho ban quản lý chứ không thể giao cho cá nhân” - ông Đỗ Tài, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang nói. Về việc cấp phép cho dân trồng cao su ở rừng đầu nguồn của Quảng Nam, ông Trần Viết Phương nói quan điểm của Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng là không cho phép; lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa giải trình. Tuy nhiên, vị giám đốc này cho biết sau khi rà soát lại toàn bộ vụ việc mới có thể báo cáo cụ thể với lãnh đạo thành phố.
Sau quá trình thảo luận, kết thúc buổi làm việc, ông Phùng Tấn Viết - Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã thống nhất những giải pháp để giải quyết phức tạp nảy sinh ở khu vực rừng giáp ranh. Liên quan đến việc hơn 40m3 gỗ quý được phát hiện trong rừng đặc dụng, phía Đà Nẵng đã tạm đình chỉ 7 kiểm lâm để phục vụ điều tra. Về trạm Cà Nhông, Đà Nẵng sẽ chuyển sang đất của thành phố để quản lý lâu dài, di dời dứt điểm trước ngày 30.6.2015. Chính quyền TP.Đà Nẵng và các Sở Nội vụ, Tài nguyên - môi trường, huyện Hòa Vang sẽ phối hợp với Quảng Nam để đo đạc lại, hoàn thành phân định ranh giới trước ngày 30.3.2015. “Về 6,57ha diện tích rừng trồng cao su khu vực đầu nguồn, Đà Nẵng sẽ bàn giao nguyên trạng đất cho Quảng Nam quản lý về mặt nhà nước đúng theo ranh giới giữa hai địa phương. Về phía Đà Nẵng, cán bộ giao sai quy định phải chịu trách nhiệm. Đến ngày 30.12.2014 Sở NN&PTNT thành phố phải xử lý xong vụ việc này để báo cáo Chủ tịch UBND thành phố” - ông Viết khẳng định.
PHƯƠNG GIANG - NGỌC NGUYÊN