Giao rừng cho cộng đồng làng

HOÀNG THỌ 31/07/2014 08:46

Thời gian qua, Nam Trà My đã chú trọng giao rừng cho người dân, cộng đồng làng quản lý, bảo vệ và hưởng lợi nên những cánh rừng ở đây đã được bảo vệ nghiêm ngặt.

Các tổ, nhóm thường xuyên tuần tra quản lý, bảo vệ rừng.
Các tổ, nhóm thường xuyên tuần tra quản lý, bảo vệ rừng.

Cách làm hay

Cứ định kỳ hàng tháng, nhóm cộng đồng quản lý rừng với hơn 50 hộ ở thôn 4 (xã Trà Nam, huyện Nam Trà My) lại tập trung tại Trạm Kiểm lâm xã Trà Nam để thực hiện công tác tuần tra rừng ở khu vực giáp ranh với địa phận tỉnh Kon Tum. Đây là nơi diện tích rừng tự nhiên còn khá lớn, hệ động thực vật khá phong phú. Từ ngày tuyến quốc lộ 40B mở ra đã tạo điều kiện cho lâm tặc phá rừng, khai thác gỗ lậu, đưa đi tiêu thụ trái phép và đe dọa nghiêm trọng đến những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn. Tuy nhiên, với sự kiểm soát chặt chẽ của lực lượng kiểm lâm địa bàn cùng với người dân địa phương đã ngăn chặn hiệu quả tình trạng này.

Công việc của nhóm bảo vệ rừng là tổ chức làm nhiều tốp để tiến hành vào rừng tuần tra, kiểm tra hiện trạng. Nếu phát hiện có sự xâm hại, đột nhập trái phép thì tiến hành tạm giữ người cùng tang vật để thông báo cho lực lượng kiểm lâm xử lý. Đã có không ít lâm tặc từ nơi khác vào đây hạ gỗ, dùng tời máy để vận chuyển lâm sản ra khỏi rừng bị các nhóm bảo vệ rừng phát hiện và bắt giữ. Qua gần 2 năm giao cho nhân dân quản lý, bảo vệ, giờ đây những cánh rừng ở thôn 4 (xã Trà Nam) đã được bình yên. Anh Đinh Văn Thanh, một người dân tham gia tổ bảo vệ rừng ở xã Trà Nam luôn thể hiện trách nhiệm cao đối với công tác giữ rừng. Ngoài thời gian thực hiện các chuyến tuần tra theo định kỳ với nhóm thì trong những lần đi làm nương rẫy hoặc đi thu hái lâm sản phụ, anh luôn theo dõi những đối tượng lạ mặt đột nhập trái phép vào rừng, kịp thời báo cáo lực lượng kiểm lâm. Anh Thanh tâm sự: “Mình thấy rừng rất quý, cho gỗ, cho mật ong, nấm, đót… Hồi tham gia bảo vệ rừng tới chừ thấy rừng tốt hơn trước. Rừng này chừ là của mình, tương lai sau này là của con cháu cho nên thấy mọi người chặt gỗ, phá rừng là mình phải ngăn cản ngay”.

Hiệu quả cao

Hiện ở các thôn trên địa bàn huyện Nam Trà My xây dựng được 43 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng với gần 300 người tham gia. Việc tổ chức tuần tra, kiểm soát rừng được lực lượng kiểm lâm phối hợp với các tổ đội thực hiện thường xuyên. Cạnh đó, nhờ được hỗ trợ kinh phí chi trả cho hoạt động quản lý bảo vệ rừng với mức bình quân 200 nghìn đồng/ha cũng như được hưởng lợi các nguồn lâm sản phụ từ rừng nên ý thức giữ gìn của người dân bản địa được nâng lên rõ rệt. Theo ông Hồ Ngọc Thảo, người tham gia bảo vệ rừng ở xã Trà Mai, từ khi được Nhà nước giao rừng, dân làng ông đã nêu cao ý thức quản lý, bảo vệ. Người dân không chặt hạ rừng già để lấy đất canh tác nương rẫy như trước đây nữa mà thay vào đó là cải tạo lại các rẫy cũ, rẫy dế để sản xuất. Không những vậy, khi được giao rừng, bà con làng nóc cũng có sự giám sát lẫn nhau trong việc bảo vệ rừng. Nhà nào phá rừng thì sẽ bị báo cáo lên cơ quan chức năng xử lý. Vì vậy ai nấy cũng rất e dè mỗi khi có ý định xâm hại rừng. “Chủ trương của làng chúng tôi là khi thấy lâm tặc phá rừng sẽ bắt giữ và báo lên huyện xử lý. Rừng này cha ông mình giữ từ xa xưa tới chừ mà bây giờ mình không giữ sẽ có lỗi với tổ tiên” - ông Thảo khẳng định.

Hiện trạng rừng ở Nam Trà My đến nay rất phong phú về hệ động, thực vật, trong đó phải kể đến vùng Ngọc Linh, vùng thác 5 tầng, vùng Trà Nam, Trà Leng, Trà Cang… Do diện tích rừng tự nhiên khá rộng, địa hình phức tạp, lực lượng kiểm lâm huyện vẫn còn mỏng nên việc kiểm soát, quản lý bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, huyện Nam Trà My đã giao cho 647 hộ nhận khoán bảo vệ với 12.184ha rừng tự nhiên; giao khoán 6.184ha rừng cho các hộ dân khoanh nuôi, bảo vệ; giao khoán 14.573ha rừng đặc dụng cho 37 nhóm hộ quản lý bảo vệ. Sau khi giao rừng cho người dân quản lý, bảo vệ đã tạo được bước chuyển biến rõ rệt trong công tác giữ rừng ở Nam Trà My. Ông Nguyễn Văn Trị - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nam Trà My khẳng định, từ khi tổ chức giao rừng cho cộng đồng dân cư và thành lập các nhóm tổ bảo vệ rừng trong nhân dân đã tạo được bước đột phá trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Lực lượng này đã phối hợp rất tốt với kiểm lâm địa bàn thực hiện nhiệm vụ giữ rừng. Theo đó, hàng trăm đối tượng cùng nhiều vụ phá rừng trái phép đã bị nhân dân phát hiện và kịp thời thông báo để lực lượng kiểm lâm vây bắt và đưa ra xử lý theo quy định của pháp luật. “Hiện nay lâm tặc có rất nhiều mánh khóe để vào rừng khai thác gỗ cũng như săn bắt động vật hoang dã. Nhờ lực lượng nhân dân đông đảo đã phối hợp với kiểm lâm địa bàn kịp thời phát hiện và đẩy đuổi các đối tượng ra khỏi rừng. Nhà nước cần có những cơ chế thu hút, đãi ngộ nhiều hơn cho các lực lượng này. Nếu không có họ tiếp sức thì kiểm lâm khó quản nổi gần 43.000ha rừng trên địa bàn huyện” - ông Trị kiến nghị.

HOÀNG THỌ

HOÀNG THỌ