Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Cần có chế tài xử lý mạnh

TRẦN HỮU 09/05/2014 08:33

Các doanh nghiệp vẫn cố tình dây dưa “trả nợ rừng”, càng làm cho việc phục hồi, bảo vệ “lá phổi xanh” ở khu vực miền núi thêm khó khăn.

Ở miền núi Quảng Nam, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) vừa giúp người dân xóa đói giảm nghèo, vừa buộc các đối tượng hưởng lợi có nghĩa vụ tái tạo diện tích rừng đã mất. Chính sách này đã tác động tích cực đến nhận thức về việc giữ rừng của đồng bào miền núi. Tại huyện Nam Giang, đến nay có gần 50 nhóm hộ thuộc 10 thôn trên địa bàn 2 xã Tà Pơ và Chà Vàl nhận quản lý, bảo vệ 13.789ha rừng. Ở địa bàn Phước Sơn, người dân thuộc 11 xã, thị trấn (trừ xã Phước Hiệp) đã nhận gần 1 tỷ đồng từ tiền khoán bảo vệ hơn 32.191ha rừng, thông qua DVMTR. Ngoài dự án Ngân hàng Phát triển châu Á hỗ trợ nguồn vốn phát triển sinh kế ban đầu, người dân trong vùng hưởng lợi còn nhận tiền giao khoán bảo vệ rừng hằng tháng. Chính quyền các huyện Đông Giang, Tây Giang, Bắc Trà My cho biết, DVMTR đã làm thay đổi nhận thức, hiểu biết bảo vệ rừng, giúp người dân sở tại tuân thủ nguyên tắc giữ rừng theo các quy định của pháp luật hiện hành mà không phá vỡ luật tục miền núi. Tiền chi trả DVMTR sẽ tạo ra nguồn sống thiết thực cho người dân an tâm giữ rừng bền vững. Thực tế, những lưu vực thủy điện mà người dân được nhận tiền khoán bảo vệ rừng thường xuyên, nơi đó ít xảy ra tình trạng phá rừng. Ngược lại, những nơi chưa được nhận giao khoán bảo vệ, ý thức giữ rừng của người dân chưa cao. Những năm qua, các nhà máy thủy điện, cơ sở sản xuất nước sạch (đối tượng có nghĩa vụ “trả nợ rừng”) luôn chậm chi trả tiền. Theo Quỹ phát triển - bảo vệ rừng, đến nay các doanh nghiệp vẫn còn nợ hơn 11 tỷ đồng tiền DVMTR. Có thể điểm qua danh sách các đơn vị “nợ” quen thuộc như Công ty CP Thủy điện A Vương (thủy điện A Vương), Công ty CP Tư vấn xây dựng điện số 1 (thủy điện Sông Bung 5), Công ty CP Cơ khí áp lực Mạnh Nam (thủy điện Tà Vi), Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam… Trong số đó, Công ty CP Thủy điện A Vương nợ 7,4 tỷ đồng.

Mặc dù các đơn vị nhiều lần né tránh, cố tình kéo dài thời gian hoàn thành nghĩa vụ đóng quỹ, nhưng các cơ quan chức năng của tỉnh vẫn chưa có biện pháp mạnh để xử lý triệt để. Trước thực trạng trên, Sở NN&PTNT vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thu hồi giấy phép đầu tư đối với các doanh nghiệp cố tình chậm nộp hoặc không nộp tiền ủy thác chi trả DVMTR. Đồng thời có văn bản kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam ngưng thu mua điện của những đơn vị không chấp hành việc nộp tiền chi trả DVMTR theo đúng quy định. Ngoài ra, UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ NN&PTNT đề nghị sớm xây dựng và tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định, chế tài xử lý vi phạm đối với các đơn vị không nộp hoặc chậm nộp tiền DVMTR để địa phương có cơ sở triển khai. Ông Huỳnh Đức - Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng khẳng định, ngoài việc đưa danh sách các doanh nghiệp “nợ” công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, đơn vị sẽ tiếp tục rà soát, đôn đốc các nhà máy thực hiện nghĩa vụ. Nếu doanh nghiệp nợ kéo dài, sẽ đề xuất UBND tỉnh có hình thức xử lý.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU