Lối đi cho cây dược liệu - Bài 1: Giữ nguồn gen

THIÊN NGA - VĂN HÀO 26/02/2014 08:49

Từ những cây dược liệu mọc hoang ở núi rừng, người dân vùng cao Quảng Nam đã biết tận dụng làm kế sinh nhai. Lập tổ dược liệu, mở vườn ươm…, người dân một số vùng không chỉ góp phần giữ gen nguồn thuốc quý mà còn qua đó vươn lên thoát nghèo.

Vườn ươm cây sâm ba kích của Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Tây Giang. Ảnh: V.HÀO
Vườn ươm cây sâm ba kích của Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Tây Giang. Ảnh: V.HÀO

Tổ dược liệu Phú Lâm

Làng Phú Lâm (Tiên Sơn, Tiên Phước) xưa nay vốn trồng các loại cây dược liệu hoắc hương, mạch môn, sa nhân… Nhiều người dân trong làng còn tập hợp thành lập Tổ dược liệu Phú Lâm nhằm bảo tồn các giống dược liệu và phát triển kinh tế gia đình. Khi tổ được thành lập, những thành viên đã tìm tòi và thử nghiệm thành công hướng trồng mới cho cây dược liệu chủ lực ở địa phương vốn chỉ trồng dưới bóng râm: đem hoắc hương trồng xen với cây keo trên đất rẫy. Hướng đi này đã đem lại hiệu quả cao.

Ông Trần Đình Hương - quản lý Tổ dược liệu Phú Lâm dẫn chúng tôi đi thăm 3 sào hoắc hương được ông trồng xen với cây keo trên đất rẫy của gia đình. Tuy mới trồng được 3 tháng nhưng những cây hoắc hương đã xanh tốt và cao gần nửa mét, tỏa hương thơm ngát. Ông Hương cho biết: “Chúng tôi thử nghiệm đem cây hoắc hương trồng xen với cây keo từ 1 đến 3 năm tuổi và thấy có hiệu quả. Cây hoắc hương 6 tháng cho thu hoạch, riêng với 3 sào hoắc hương trồng xen keo này mỗi năm tôi thu hơn 10 triệu đồng. Do có hiệu quả nên nhiều hộ ở ngoài tổ cũng đem cây hoắc hương trồng xen với rẫy keo để tận dụng đất trống tăng thu nhập”. Hiện nay, hoắc hương là loại cây dược liệu được trồng nhiều và cho hiệu quả kinh tế cao nhất trong các loại dược liệu tổ đang trồng. Không chỉ dễ chăm sóc, hoắc hương có thời gian thu hoạch ngắn hơn các loại dược liệu khác, như cây mạch môn 3 năm mới cho thu hoạch một lần. Mạch môn tuy lâu đến ngày thu hoạch nhưng lại nặng ký, một gốc có thể thu được hơn 1kg củ tươi. Năm 2013, gia đình ông Hương thu hoạch 1 sào mạch môn được hơn 150kg củ, bán với giá 27.000 đồng/kg. Ngoài hoắc hương, mạch môn, làng Phú Lâm còn trồng các loại dược liệu khác như thiên môn, sa nhân, nghệ, gừng… Theo người dân ở đây, việc tìm đầu ra đối với họ là không lo ngại, bởi đến mùa thu hoạch là các tiểu thương tới tận nhà thu mua để nhập cho các kho dược liệu tại Tam Kỳ, Đà Nẵng.

Làng Phú Lâm có 172 hộ thì đã có gần 100 hộ trồng dược liệu. Dù không trồng nhiều như những hộ trong tổ dược liệu nhưng đến mùa thu hoạch, những người ngoài tổ cũng có một khoản thu nhập kha khá. Bà Trần Thị Mỹ Duyên - Phó ban Nông nghiệp xã Tiên Sơn cho biết: “Tổ dược liệu Phú Lâm là nguồn chính cung cấp cây giống dược liệu cho nhiều người dân trong xã nhân rộng mô hình trồng thuốc nam. Các vườn cây dược liệu không chỉ góp phần bảo tồn giống dược liệu ở địa phương và còn giúp người dân vươn lên thoát nghèo”.

Tạo vùng dược liệu mới

Trước đây, cây ba kích chủ yếu được người dân khai thác tự nhiên, không đi đôi việc trồng mới nên loại cây này hiếm dần ở huyện Tây Giang. Ông Bhríu Pố (thôn A Rớh, xã Lăng), một trong những người đầu tiên phát hiện ra loại cây này cho biết: “Người dân Cơ Tu lấy sâm ba kích từ rừng về làm rượu, nhưng do khai thác quá mức, loại cây này dần trở nên cạn kiệt. Những năm gần đây, nhiều gia đình mạnh dạn trông cây ba kích làm hướng đi để phát triển kinh tế, vì thế mà nhu cầu cây con giống rất cao”.

Năm 2013, dưới sự chỉ đạo của huyện Tây Giang, Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện xây dựng vườn ươm giống cây sâm ba kích tím nhằm cung cấp cho các dự án phát triển sinh kế của huyện. Ông Trần Công Ta - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện cho biết, đã tiến hành tuyển chọn giống chất lượng để cung cấp cho người dân 6 xã vùng thấp của huyện gồm Lăng, A Tiêng, A Nông, Bha Lêê, A Vương, Dang. “Xác định đây là cây xóa đói giảm nghèo cũng như để bảo tồn giống sâm ba kích tím này, nhiều kỹ thuật trồng mới được chúng tôi phổ biến đến người dân bản địa. Trong năm qua, trạm đã ươm hơn 32.000 cây giống để cung cấp cho bà con. Loại cây này, sau thời gian 3 năm thì có thể thu hoạch được” - ông Ta cho hay. Huyện Tây Giang cũng đã ra Nghị quyết 23 về bảo tồn và phát triển cây bản địa trong đó có cây sâm ba kích. Hiện nay, toàn huyện trồng được 9ha loại cây này. Ông Phạm A - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, địa phương có chính sách hỗ trợ để người dân thay đổi nhận thức, trồng cây theo hướng hàng hóa. Cụ thể là người dân trồng, chính quyền nghiệm thu, nếu thu hoạch đảm bảo yêu cầu sẽ trợ thêm 5 triệu đồng/ha để khuyến khích sản xuất.

Ngoài ra, để phát triển và nhân rộng giống cây sâm Ngọc Linh, năm 2004, Công ty Dược - vật tư y tế Quảng Nam (nay là Công ty CP Thương mại dược - sâm Ngọc Linh Quảng Nam) đã di thực trồng thử nghiệm tại 2 xã Ch’Ơm và Ga Ry của huyện Tây Giang với số lượng 10.000 cây. Qua gần 10 năm trồng thử nghiệm, số lượng giảm đáng kể, chỉ còn 1.700 cây (Ga Ry 300, Ch’Ơm 1.400) nhưng về hoạt chất sâm Ngọc Linh trồng tại Tây Giang tương đương với sâm Ngọc Linh tại Trà Linh (Nam Trà My). Ông Phạm A cho biết: “Huyện sẽ tiếp tục gửi mẫu sâm Ngọc Linh tại vườn Ch’Ơm để kiểm nghiệm chất lượng, sau đó  tổ chức hội thảo khoa học công bố kết quả, làm cơ sở cho việc xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh di thực về Tây Giang. Địa phương cũng đang lên kế hoạch giao lại hai vườn sâm trên cho hộ hoặc nhóm hộ có điều kiện quản lý, bảo vệ hưởng lợi từ việc thu hái hạt để nhân giống cây con”. Tây Giang cũng đang ươm thử nghiệm 10.000 hạt giống sâm Cao Ly (Hàn Quốc). Theo ông Phạm A, nếu loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu Tây Giang sẽ góp phần hình thành vùng cây dược liệu mới trong tương lai và bà con vùng cao có thêm điều kiện để phát triển sinh kế, xóa đói giảm nghèo.

-------
Bài 2: Nam dược trị nam nhân

THIÊN NGA - VĂN HÀO

THIÊN NGA - VĂN HÀO