Chuyển biến hệ sinh thái rừng

TRẦN HỮU 06/12/2013 08:59

Năm 2013 số vụ phá rừng giảm mạnh, ít xuất hiện “điểm nóng” như mọi năm. Nhiều cánh rừng đã có chủ và người dân trở thành lực lượng “gác cổng rừng” đáng tin cậy. Mặc dù vẫn còn lo ngại về thực trạng tàn phá vùng sinh cảnh, song đáng mừng ở dãy Trung Trường Sơn trùng điệp còn sự hiện diện của nhiều loài cá thể quý hiếm.

Cá thể sao la vừa phát hiện tại Quảng Nam vào tháng 9.2013. (Ảnh do Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cung cấp).
Cá thể sao la vừa phát hiện tại Quảng Nam vào tháng 9.2013. (Ảnh do Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cung cấp).

Sự kiện sao la

Nhìn trên bản đồ hệ sinh thái khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Quảng Nam là một trong số ít địa phương còn giữ được sự đa dạng của rừng trên đại ngàn Trường Sơn, với sự có mặt của các loài cây có giá trị cao như pơ mu, lim xanh, gõ, giổi; thế giới của nhiều loài sao la, voọc chà vá, voi, báo, chồn… Thời gian qua, được sự giúp đỡ của dự án Dự trữ các bon và bảo tồn đa dạng sinh học của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), lực lượng kiểm lâm của Ban Quản lý Khu Bảo tồn sao la tỉnh thường xuyên tổ chức việc tháo dỡ bẫy và xử lý các vụ việc về săn bắt thú rừng bất hợp pháp. Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay, kiểm lâm tháo dỡ được hơn 30 nghìn bẫy trong khu sinh cảnh của sao la và phá hủy hơn 600 lều trại bất hợp pháp của thợ săn. Sự kiện bẫy ảnh cá thể sao la còn sống sót trong rừng mới đây là minh chứng cho những nỗ lực không mệt mỏi của các cán bộ kiểm lâm.

Tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Nguyễn Ngọc Quang đánh giá cao những nỗ lực giữ rừng của lực lượng kiểm lâm năm 2013, nhất là giảm đáng kể số vụ phá rừng và sản lượng gỗ khai thác, vận chuyển trái phép. Đồng thời yêu cầu các địa phương rà soát, kiểm tra lại quản lý 3 loại rừng và có kế hoạch giao khoán, bảo vệ rừng cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình quản lý theo đúng quy định. Triển khai kiểm tra lại những diện tích đất được quy hoạch rừng phòng hộ nhưng thực tế không có rừng hoặc xét thấy không đảm bảo các tiêu chí để trồng rừng phòng hộ thì đề nghị bố trí đất sản xuất cho các hộ dân tại các khu tái định cư thủy điện.

Ông William Robichaud - Điều phối viên nhóm bảo tồn sao la (thuộc Ủy ban Bảo tồn loài - tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế) cho biết, ảnh bẫy sao la là những bức ảnh chụp loài hoang dã quan trọng nhất của châu Á, có thể là của thế giới trong vòng 10 năm qua, là bằng chứng đáng khích lệ về hiệu quả của mô hình tuần tra rừng để bảo vệ sao la khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng. Tuy nhiên, sắp đến cần phải có thêm ngân sách để WWF và các đối tác của tổ chức có thể mở rộng sáng kiến này đến các khu sinh cảnh của sao la tại Việt Nam và Lào. Còn ông Đặng Đình Nguyên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiêm Giám đốc Khu Bảo tồn sao la thông tin, năm 1998, một cá thể sao la được nhìn thấy trong tự nhiên và tháng 11 vừa qua bẫy chụp đã ghi lại sự tồn tại của loài động vật quý hiếm này. Đây là thời khắc quan trọng đối với những nỗ lực của Việt Nam để bảo vệ sự đa dạng sinh học đặc biệt của quốc gia. Trong khi đó, tại vùng cao Tây Giang, người dân bản địa rất có ý thức giữ gìn loài cây pơ mu – cây di sản. Hiện có hàng chục nghìn cây pơ mu với tuổi đời hàng trăm năm tuổi đã được đánh dấu thứ tự, bảo vệ nghiêm ngặt. Chính quyền sở tại còn xây dựng hương ước bảo vệ rừng cây.

Kiểm lâm không đơn độc

Chuyển biến rõ nét nhất thời gian qua là kiểm lâm đã không còn đơn độc giữ rừng, mà sát cánh bên họ có nhiều lực lượng nông dân, phụ nữ, thanh niên và cả hệ thống chính trị vào cuộc. Hai năm trở lại đây, với vai trò là lực lượng xung kích bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã tham mưu cho ngành nông nghiệp nỗ lực kiện toàn lại bộ máy, siết chặt quản lý nhà nước và mạnh dạn giải thể, sắp xếp lại các chủ rừng hoạt động kém hiệu quả. Điển hình, tổ chức lại, thành lập mới các ban quản lý rừng phòng hộ. Theo thống kê, hiện nay các khu rừng phòng hộ A Vương, Sông Kôn, Sông Tranh, Đăk Mi, Phú Ninh, Nam Sông Bung, Bắc Sông Bung; các khu bảo tồn Sông Thanh, sao la quản lý, sử dụng 351.523ha, chiếm 48,82% diện tích đất lâm nghiệp và 33,67% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Điểm lưu ý, các chủ rừng trên đã được gắn quyền lợi với trách nhiệm rõ ràng trong lâm phận được giao, được Nhà nước tạo điều kiện để thực hiện các hoạt động quản lý bảo vệ rừng, đầu tư phát triển rừng trên diện tích rừng được giao. Đồng thời đáp ứng yêu cầu tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ kỹ thuật ở vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ người dân, cộng đồng địa phương khai thác, sử dụng vốn rừng hiệu quả.

Tình trạng phá rừng trái phép như thế này giảm rõ rệt trong năm 2013. TRONG ẢNH: Phá rừng khu vực lòng hồ thủy điện Đăk Mi (Phước Sơn) năm 2011. Ảnh: T.H
Tình trạng phá rừng trái phép như thế này giảm rõ rệt trong năm 2013. TRONG ẢNH: Phá rừng khu vực lòng hồ thủy điện Đăk Mi (Phước Sơn) năm 2011. Ảnh: T.H

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trước đây tình trạng phá rừng phòng hộ, đặc dụng quy mô lớn thường tập trung vào các đơn vị quản lý rừng với diện tích “khủng”. Nguyên nhân có phần do sắp xếp bộ máy chưa khoa học, trách nhiệm và quyền lợi còn chung chung nên không quản lý, bảo vệ tốt rừng. Ông Phan Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định: “Kết thúc năm 2013, công tác giữ rừng của toàn lực lượng có rất nhiều điểm sáng. Tình trạng phá rừng, vận chuyển và tiêu thụ gỗ trái phép tuy còn tái diễn nhưng không còn trắng trợn như trước đây. So với năm 2012, số vụ vi phạm lâm luật giảm 223 vụ, thiệt hại tài nguyên rừng giảm hơn 830m3 gỗ tròn. Độ che phủ của rừng tăng từ 43,1% năm 2008 lên 48,6% năm 2012 và 49% năm 2013”. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành kiểm lâm tỉnh cũng cảnh báo, tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép để sản xuất xảy ra phức tạp tại một số địa phương nhưng chưa được ngăn chặn và xử lý triệt để. Thách thức đặt ra ở đây là đời sống người dân vùng cao còn nghèo, phụ thuộc lớn vào rừng. Mặt khác, giá nguyên liệu gỗ rừng trồng tăng cao làm cho người dân thấy lợi nhuận từ việc trồng rừng lớn nên đã phá rừng, lấn chiếm đất trồng rừng.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU