Giao đất giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số: Tìm kế giữ rừng bền vững
Những bất hợp lý, khó khăn trong công tác giao đất giao rừng (GĐGR) cho đồng bào dân tộc thiểu số đã được chính quyền sở tại, các đơn vị nghiên cứu chuyên ngành mổ xẻ, phân tích nhằm đề xuất các giải pháp giữ rừng bền vững.
Cán bộ kiểm lâm hướng dẫn đồng bào vùng cao trồng lâm sản phụ trong rừng. |
Nhận diện
Không phải “vô cớ” mà Quảng Nam dừng công tác GĐGR cho cộng động dân cư từ năm 2007 đến nay. Còn nhớ giai đoạn 2004 - 2006, các huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước, Bắc Trà My và Nam Trà My đã triển khai GĐGR cho 249 cộng đồng dân cư thuộc 46 xã, với tổng diện tích 160.540ha. Có chủ trương của tỉnh, chính quyền các địa phương thành lập ban chỉ đạo giao đất lâm nghiệp với các phương án rất cụ thể. Tuy nhiên, những lổ hổng của GĐGR đã dần lộ diện, từ thực tiễn đã đặt ra nhiều vấn đề cần xem xét lại.
Ông Lê Quốc Bảo, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Tây Giang cho rằng, chính sách giao đất lâm nghiệp không đem lại hiệu quả như mong đợi. Tiềm năng đất đai chưa được khai phóng có hiệu quả, năng suất cây trồng thấp, cơ cấu cây trồng đơn điệu, diện tích đất chưa sử dụng còn lớn. Theo thống kê, 10 xã của huyện Tây Giang tiến hành đo đạc, lập hồ sơ thủ tục giao cho 56 cộng đồng làng với tổng diện tích hơn 41.923ha rừng để quản lý, bảo vệ. Trong khi đó, diện tích giao cho hộ chỉ gần 7.000ha (chiếm hơn 8,2% tổng diện tích đất lâm nghiệp của toàn huyện). Cũng theo ông Bảo, tuy đã giao đến từng cộng động dân cư, hộ gia đình nhưng vẫn chưa bảo vệ và phát triển được diện tích đất rừng. Thêm nữa, có nhiều trường hợp không xác định được phạm vi ranh giới đất lâm nghiệp được giao trên thực địa nên phát sinh tranh chấp chủ sử dụng ở vùng ranh giới. “Vì giao đất chưa gắn với giao rừng, kèm theo các điều kiện cụ thể về cơ chế hưởng lợi, hỗ trợ nên hiệu quả sử dụng đất rừng thấp, đời sống người dân không mấy được cải thiện” - ông Bảo cho biết.
Chính quyền các huyện miền núi đồng nhận định, sự “mơ hồ” thông tin về trạng thái rừng trong khi chúng ta lại “đốt cháy giai đoạn” quy trình, thủ tục hồ sơ lẫn khảo sát thực địa nên dẫn đến hệ lụy GĐGR… trên giấy. Đọc hồ sơ giao đất lâm nghiệp, chỉ thấy cập nhật các thông tin liên quan về đất đai, còn các dòng về trạng thái rừng giàu - nghèo thì… trống trải. Một số nơi, công tác giao đất khoán rừng chưa xuất phát từ nhu cầu thật của cộng đồng thôn bản, nên bỏ qua công đoạn khảo sát, giao trên thực địa. Thực tế đã xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, phát rừng làm rẫy trên diện tích đất rừng đã giao cho cộng động quản lý. Nhiều xã xây dựng quy ước bảo vệ rừng, thành lập tổ bảo vệ rừng thôn song còn mang tính hình thức.
Tại cuộc hội thảo về “Thực trạng và một số giải pháp hỗ trợ tiến trình GĐGR tại Quảng Nam và Thừa Thiên Huế” vừa diễn ra tại TP.Tam Kỳ, bà Hoàng Thanh Tâm – Giám đốc Trung tâm C&E nhấn mạnh, một trong những yếu tố quyết định sự thành công của quá trình GĐGR là cần thừa nhận quyền lợi lâu dài cho người dân; tổ chức quản lý rừng thích hợp với điều kiện đặc thù và có cơ chế phân chia quyền lợi bình đẳng về các sản phẩm thu được từ rừng. Do vậy, phải xác lập quyền hưởng lợi, quyền làm chủ rừng của cộng đồng dân cư; rà soát, điều chỉnh, bổ sung và thay đổi các văn bản pháp lý không còn phù hợp với thực tế cuộc sống. |
Trước những tồn tại trên, thời gian qua, được sự tài trợ của tổ chức Malteser International, chính quyền huyện Tây Giang triển khai dự án “Khuyến khích bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên rừng” đã giao thí điểm 1.300ha đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân tại xã Bha Lêê (Tây Giang). Hiệu ứng rõ nét là đồng bào phát huy hiệu quả sử dụng đất và rừng được giao.
Nâng cao vai trò của người dân
Nhiều năm nghiên cứu, khảo sát về thực trạng GĐGR ở miền núi Quảng Nam, Trung tâm Phát triển sáng kiến môi trường và cộng đồng - C&E (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) đã chỉ ra nhiều điểm không gặp nhau giữa văn bản pháp lý với thực tiễn. Chẳng hạn, Nhà nước quy định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của cộng đồng thôn, bản khi được giao đất rừng để quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh nhưng không thể triển khai do trước khi giao không xác định được trạng thái, trữ lượng rừng. Về pháp lý thì cộng đồng chưa được Nhà nước thừa nhận quyền sử dụng đất; các sản phẩm của rừng cộng đồng khi lưu thông, tiêu thụ chưa có hướng dẫn, xác nhận nguồn gốc hợp pháp. Kế nữa là phát triển rừng cộng đồng gặp trở lực lớn khi luật tục của đồng bào bị phá vỡ và chưa phù hợp với những quy định của pháp luật.
Để có sự tham gia đầy đủ của đồng bào khi giao đất giao rừng rất cần có những cuộc họp như thế này. Ảnh: HỮU PHÚC |
Kết quả khảo sát năm 2012 của Trung tâm C&E cho thấy, sự hiểu biết của người dân các huyện miền núi trong tỉnh về các văn bản pháp lý liên quan đến quản lý, sử dụng đất rừng, GĐGR còn rất hạn chế. Theo quy định, cộng đồng và hộ gia đình có quyền xử phạt đối với những người xâm hại khu rừng đã giao nhưng trên thực tế cộng đồng “quên” mất cái quyền này. Nghiên cứu của Trung tâm C&E cũng chỉ ra, hầu hết khâu đo đạc trên thực địa đều do cán bộ chuyên môn đảm trách, còn người dân gần như đứng ngoài cuộc. Bà Hoàng Thanh Tâm – Giám đốc Trung tâm C&E đề nghị, phải có sự tham gia, lên tiếng của đồng bào tại các cuộc họp. Với điều kiện kinh tế hiện nay, người dân miền núi cần được hỗ trợ vốn ban đầu để trồng, chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh, làm giàu rừng. Cần thiết xây dựng mô hình quản lý bảo vệ rừng tự nhiên có quy chế và luật tục phù hợp, theo nguyên tắc chủ rừng chịu trách nhiệm.
Trong khi đó, ngành kiểm lâm đã “thu lợi” ban đầu từ những câu lạc bộ sử dụng rừng thân thiện với môi trường. Điển hình, tại thôn Xà Nghìn 1, xã Zà Hung (Đông Giang) có 30 thành viên tham gia câu lạc bộ này. Nhờ hướng dẫn của Trung tâm C&E, người dân nắm được kỹ thuật trồng nhiều loại cây ăn quả, kết hợp với lâm sản phụ (tre lấy măng, mây) và cây dược liệu (ba kích tím)… Đáng nói, qua hoạt động của câu lạc bộ, người dân bảo vệ được vốn rừng, chấp hành các quy định của pháp luật hiện hành nhưng vẫn giữ được luật tục truyền thống.
TRẦN HỮU