Bất nhất quy định xử lý động vật hoang dã

TRẦN HỮU 01/11/2013 13:39

Ngành chức năng đang nỗ lực để giải cứu, hỗ trợ các cơ sở và người dân gây nuôi các loại động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm sắp trên đà tuyệt chủng. Tuy nhiên, hành lang pháp lý bảo vệ, phát triển ĐVHD vẫn còn một số điểm bất nhất, bất cập.

Một vụ vận chuyển động vật hoang dã bị cơ quan chức năng bắt giữ. Ảnh: T.H
Một vụ vận chuyển động vật hoang dã bị cơ quan chức năng bắt giữ. Ảnh: T.H

Mười tháng đầu năm, ngành kiểm lâm tỉnh xử lý 13 vụ buôn bán, vận chuyển ĐVHD với hơn 557kg các loại. Trong số đó có nhiều loài nguy cấp, quý hiếm như rắn sọc dưa, rắn hổ mang... Hạt kiểm lâm các huyện tham mưu chính quyền tổ chức 588 cuộc họp dân với hàng chục nghìn lượt người tham dự về công tác quản lý, bảo vệ và gây nuôi ĐVHD đến tận thôn, bản xa xôi. Ngoài ra, còn bắt buộc 1.000 hộ dân sinh sống gần rừng và 50 nhà hàng, quán ăn cam kết không khai thác, mua bán, kinh doanh, chế biến động vật rừng và các sản phẩm của chúng khi không có nguồn gốc rõ ràng. Thêm nữa, kiểm lâm còn  hướng dẫn người dân gây nuôi bảo vệ nguồn gen quý của một số ĐVHD. Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, năm nay ngành cấp phép và hướng dẫn đăng ký gây nuôi cho 21 trại nuôi thú thông thường với 722 cá thể, gồm các loài nhím, trĩ đỏ, cầy vòi hương. Nhiều loại ĐVHD quý hiếm được gây nuôi thành công thời gian qua như cá sấu nước ngọt, kỳ đà, các loài rắn ráo trâu, sọc dưa, hổ mang, rùa núi vàng, rùa núi viền... ngày càng khẳng định trên thị trường.

Theo ông Từ Văn Khánh – Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh), số vụ buôn bán, vận chuyển ĐVHD có chiều hướng giảm, song tình trạng tiêu thụ sản phẩm thú rừng vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Chẳng hạn việc cung – cầu mật gấu phổ biến, vi phạm nghiêm trọng Nghị định 32/2006/NĐ-CP. “Hành vi vi phạm ĐVHD rất khó xử lý hình sự vì các văn bản pháp luật quy định còn chung chung, chưa thống nhất nên không đủ sức răn đe đối tượng” – ông Khánh nói. Theo Nghị định 29/2011/NĐ-CP ngày 18.4.2011, dự án xây dựng cơ sở chăn nuôi, chăm sóc ĐVHD nằm trong danh mục các dự án buộc phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Thế nhưng, thực tế hầu hết các trại nuôi ĐVHD trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ không tuân thủ quy định này. Trong khi đó, việc xác nhận của cơ quan thú y về tình trạng sức khỏe, dịch bệnh của các loài ĐVHD gây nuôi còn hạn chế, bởi hiện chưa có cơ sở thú y nghiên cứu chuyên ngành. Ngoài động vật gấu, hiện chưa ban hành quy định nào về tiêu chuẩn chuồng trại cho các loài ĐVHD, do đó khâu kiểm tra chuồng trại đối với các loài thú hung dữ của cơ quan quản lý nhà nước hầu như bỏ qua.

Ông Trần Văn Thu – Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh nêu điểm bất nhất trong quy định của pháp luật như, Nghị định số 99/2009/NĐ-CP không phân biệt động vật thuộc nhóm IIB có nguồn gốc nuôi sinh sản hay tự nhiên và không quy định xử lý hình sự đối với động vật thuộc nhóm IIB, trong khi đó Nghị định số 32/2006/NĐ-CP có xem xét đến việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm các quy định về quản lý động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU