Sinh kế bền vững cho miền núi - Bài 1: giao khoán đất rừng

PHƯƠNG GIANG - NGUYÊN ĐOAN 02/10/2013 08:43

Thời gian qua, đã có rất nhiều chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế cho đồng bào miền núi được triển khai, tuy nhiên đời sống người dân nơi đây hiện vẫn còn khó khăn. Miền núi hiện rất cần những giải pháp sinh kế bền vững để phát triển; trong đó, việc nhân rộng, phát huy các mô hình đang khẳng định tính hiệu quả nên được chú trọng.

Lưu vực thủy điện sông Kôn, một trong những khu vực vừa được phê duyệt đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Lưu vực thủy điện sông Kôn, một trong những khu vực vừa được phê duyệt đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng.

BÀI 1: GIAO KHOÁN ĐẤT RỪNG

Chủ trương giao khoán đất rừng đang khẳng định tính hiệu quả trong việc giữ rừng, đồng thời tạo cơ chế hưởng lợi cho đồng bào miền núi.

Từ thất bại của một mô hình

Hai năm trở lại đây, Mạc Văn Nhớ (thành viên tổ bảo vệ rừng thôn Tống Cói, xã Ba, huyện Đông Giang) không còn vào rừng tuần tra nữa. Tổ bảo vệ rừng của anh cũng âm thầm giải tán bởi suốt 10 năm qua chưa hộ dân nào được nhận tiền công từ việc quản lý, bảo vệ rừng (BVR). Theo số liệu thống kê của UBND xã Ba, với hơn 583ha đất lâm nghiệp có rừng được giao cho cộng đồng và gần 100ha giao cho hộ gia đình, cá nhân trong thôn quản lý từ năm 2002, Tống Cói từng được xem là “mô hình điểm” của tỉnh trong công tác giao khoán rừng cho cộng đồng quản lý, bảo vệ. Phải nhìn nhận một thực tế, những năm đầu công tác này mang lại hiệu quả khá cao. Nhờ tuyên truyền, chỉ đạo tốt, người dân từ trực tiếp đi phá rừng trở thành người quản lý, BVR. Tổ quản lý BVR được thành lập với 26 thành viên là người trong thôn thường xuyên tổ chức tuần tra, đẩy đuổi các đối tượng khai thác trái phép; hương ước BVR được cộng đồng làng ban hành đã duy trì tốt hiệu quả của mô hình. Nhưng suốt một thời gian dài, những người trực tiếp tham gia quản lý, BVR như Mạc Văn Nhớ vẫn không được hưởng lợi như kỳ vọng vạch ra của chương trình. Thành viên tổ bảo vệ quá mỏng, lại quản lý một diện tích rừng khá lớn, nằm lọt thỏm giữa “địa bàn” hoạt động của lâm tặc các khu vực lân cận như Hòa Phú (Đà Nẵng), Đại Hưng (Đại Lộc). Có thời điểm, xã phải trích ngân sách để huy động thêm lực lượng xã đội, công an xã hỗ trợ nhưng cũng không thể duy trì thường xuyên. Đó là chưa kể, người dân nhận rừng, giữ rừng nhưng lại thiếu công cụ hỗ trợ, thiếu chế tài xử lý để ngăn chặn lâm tặc từ các vùng khác xâm lấn rừng.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Ba - ông Phan Thanh Bình nhìn nhận: “Hiệu quả của việc giao đất giao rừng ở Tống Cói từng được đánh giá cao, người dân trong thôn không những không phá rừng mà còn quay sang bảo vệ, quản lý. Nhưng hưởng lợi từ rừng thì không. Sống trong hũ gạo nhưng không được hạt gạo nào, dân từ nơi khác tới phá, tác động ngược lại khiến đồng bào không mặn mà với việc quản lý nữa”. Theo ông Bình, chính quyền xã cũng linh hoạt lồng ghép nguồn kinh phí để hỗ trợ, nhưng nguồn lực có hạn, dần dà việc duy trì tổ quản lý bảo vệ cũng đi vào ngõ cụt.

Tiếp tục rà soát, mở rộng diện tích giao khoán rừng

Ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, mô hình giao đất giao rừng cho các hộ, nhóm hộ từ việc thực hiện chi trả DVMTR bước đầu phát huy hiệu quả tích cực. Rừng có chủ trên thực địa, có quy chế bảo vệ, phối hợp rõ ràng, không chỉ giúp BVR tốt hơn, giảm áp lực giữ rừng cho chính quyền mà còn tạo ra sinh kế, phương án sản xuất bền vững cho người dân miền núi. Hiện tại Sở NN&PTNT tiếp tục rà soát, tiến tới mở rộng diện tích giao khoán trên tổng số đất rừng nằm trong lưu vực các dự án thủy điện còn lại. Trên cơ sở giao khoán thực địa, khảo sát ranh giới, mở rộng giao khoán đến từng hộ, nhóm hộ, sắp tới sẽ tiến hành “phủ sóng” mô hình cho toàn bộ diện tích rừng nằm trong lưu vực các dự án thủy điện. “Đối với diện tích rừng còn lại, sở đã có chủ trương tận dụng các nguồn dự án, nguồn tài trợ từ các tổ chức nước ngoài, các nguồn lực từ Chương trình 30a, chính sách phát triển rừng đặc dụng... để thực hiện tốt công tác này” - ông Hưng nói.

Theo ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, việc người dân chưa thực sự làm chủ rừng là do cơ chế hưởng lợi chưa rõ ràng, thiếu đồng bộ trong thời gian qua. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc giao khoán đất rừng chưa phát huy hiệu quả tích cực. Thất bại của mô hình giao khoán rừng cho cộng đồng ở Tống Cói là bài học trong việc điều tra, khảo sát, lập dự án, đặt ra những yêu cầu mới cho công tác giao đất giao rừng ở miền núi.

Tìm lối thoát

Từ một mô hình cấp tỉnh rơi vào ngõ cụt, lối thoát cho bài toán giao đất giao rừng ở miền núi lại nhen nhóm những tín hiệu đáng mừng khi mới đây, việc áp dụng thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) ở xã Ma Cooih (Đông Giang) đạt được những thành công bước đầu. Đang được xem là sinh kế hiệu quả cho người dân vùng tái định cư thủy điện trước vấn đề thiếu đất sản xuất, mô hình này đã mở ra hướng đi mới và đang được nhân rộng tại nhiều địa phương. “Cứ khoảng 6 tháng là được chi trả một lần tiền giao khoán BVR, bình quân mỗi hộ nhận khoán khoảng 20ha rừng được nhận gần 7 triệu đồng/năm để đầu tư sản xuất. Ngoài ra, dân còn được khai thác một số sản vật như măng rừng, các loại thảo dược... ” - ông Zơrâm Đêl (xã Ma Coih) cho biết.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng đã mở ra lối thoát trong việc giao đất, giao rừng cho miền núi. Ảnh:  P. NGUYÊN
Chi trả dịch vụ môi trường rừng đã mở ra lối thoát trong việc giao đất, giao rừng cho miền núi. Ảnh: P. NGUYÊN

Trách nhiệm của những người dân như ông Đêl là theo dõi, giám sát và bảo vệ diện tích rừng được giao khoán theo hợp đồng. Với cách làm này, Tổ công tác chi trả DVMTR của xã sẽ làm nòng cốt trong việc thực hiện và vận động các hộ dân thực hiện tốt chính sách chi trả như: tham gia việc kiểm tra, giám sát công tác BVR của các hộ dân đã ký hợp đồng nhận khoán BVR; tích cực tham gia và vận động nhân dân tham gia thảo luận các biện pháp, quy chế thực hiện tuần tra BVR; tổ chức cho nhân dân sử dụng có hiệu quả nguồn tiền nhận được từ chi trả DVMTR để cải thiện sinh kế. Lúc đầu, có 111 hộ được nhận khoán BVR của hai thôn A Bông và A Sờ được chọn làm thí điểm với đơn giá chi trả bình quân 274.050 đồng/ha. Từ hiệu quả mang lại của mô hình, hiện tại 5 thôn của xã Ma Cooih và nhiều xã khác trên địa bàn Đông Giang, Nam Giang, Đại Lộc... nằm trong lưu vực các thủy điện A vương - Za Hung, An Điềm I - An Điềm II, Sông Kôn... cũng bắt đầu được phê duyệt đề án chi trả DVMTR.

Theo thống kê, diện tích rừng nằm ở lưu vực các sông có dự án thủy điện trên toàn tỉnh hiện nay khoảng 270.000ha trong tổng số xấp xỉ 400.000ha rừng tự nhiên. Từ mô hình giao khoán 2.242ha đất rừng cho 11 hộ tại xã Ma Cooih (Đông Giang), đến nay Sở NN&PTNT đã phối hợp giao hơn 6.882ha rừng trên thực địa cho 25 nhóm hộ tại các lưu vực sông theo hình thức chi trả DVMTR. Mới đây, UBND tỉnh cũng phê duyệt thêm 7 đề án chi trả DVMTR cho hơn 181.000ha đất có rừng trên diện tích lưu vực các thủy điện Sông Tranh 2, Đắc Mi 4, A Vương, Sông Kôn, An Điềm..., cơ bản đã giao hơn 60.000ha trong tổng số này.

 PHƯƠNG GIANG - NGUYÊN ĐOAN

PHƯƠNG GIANG - NGUYÊN ĐOAN