Bảo vệ và phát triển rừng: Đâu là giải pháp?
Quảng Nam có độ che phủ rừng cao nhất nước và tranh thủ được nhiều dự án tài trợ trồng rừng. Tuy nhiên, không ít nơi trở thành “điểm nóng” phá rừng. Làm thế nào để giữ và phát triển tốt vốn rừng vẫn luôn là câu hỏi khó…
Kiểm lâm tuần tra trong khu vực đảo Su, thuộc rừng phòng hộ Phú Ninh. Ảnh: T.H |
Bất cập
Quảng Nam đã đóng cửa rừng hơn 10 năm trước. Mọi hoạt động khai thác gỗ rừng tự nhiên, đặc dụng, ngoại trừ diện tích rừng đã chuyển đổi mục đích sử dụng, đều là hành vi xâm hại bất hợp pháp. Song, thực tế, những dãy rừng già, khu bảo tồn thiên nhiên vốn còn nhiều loài cây có giá trị kinh tế cao trở thành “đất lành” cho dòng người tứ phương đổ về mở đường tận thu khoáng sản, gỗ. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, đại ngàn có vẻ yên ắng, lâm tặc ít “đại náo” hơn trước; song nhiều nơi, gỗ rừng vẫn tuồn về xuôi bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý. Thống kê 4 tháng đầu năm của ngành kiểm lâm, toàn tỉnh xảy ra gần 200 vụ vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài nguyên rừng, tịch thu gần 400m3 gỗ các loại, 25 xe ô tô tham gia vận chuyển gỗ lậu… Theo dõi các vụ xâm hại rừng gần đây cho thấy, nhiều đối tượng khai thác khoáng sản trái phép cũng đồng thời là “lâm tặc”; đường sá được mở dọc ngang trong rừng tạo thuận lợi cho xe cơ giới đưa gỗ ra ngoài. Gỗ bị đốn hạ tới đâu sẽ được chuyển ra ngoài ngay lập tức, nhằm xóa sổ hiện trường. Điều này lý giải vì sao số vụ chặn bắt tại chỗ của lực lượng chức năng gần đây rất hạn chế.
Thời gian qua, tình trạng xâm hại rừng luôn “nóng” trên các diễn đàn xuất phát từ câu chuyện “hậu thủy điện”. Những lợi - hại, được - mất của thủy điện đã tốn khá nhiều giấy mực của báo chí và các chuyên gia, các nhà quản lý. Không thể phủ nhận thực tế, thủy điện đã “nuốt” quá nhiều diện tích rừng, phá vỡ “không gian xanh” ở miền núi. Trong khi đó, quá trình rà soát quy hoạch 3 loại rừng (đặc dụng, tự nhiên và sản xuất) của ngành chức năng chậm chạp đã vô tình làm biến mất bao cánh rừng già, lẽ ra cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Việc bố trí người dân tái định cư ngay trong rừng, rồi phải chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 800ha rừng phòng hộ sông Tranh thành đất rừng sản xuất tại xã Trà Bui (Bắc Trà My) là bài học quá đắt. Những bất cập trong quy hoạch rừng nhiều năm vẫn chưa được giải quyết căn cơ. Điển hình, tại một số xã thuộc huyện Nông Sơn, diện tích quy hoạch cho rừng với chức năng phòng hộ quá lớn, trong khi kiểm tra thực địa trạng thái rừng nơi đây là dây leo bụi rậm, đất trống đồi trọc. Đó là chưa kể một số địa phương xảy ra tình trạng trồng cây cao su đã “lấn” sang đất rừng tự nhiên.
Đồng bộ các giải pháp
Theo Chi cục Lâm nghiệp, năm 2012, toàn tỉnh trồng 1.748ha/2.000ha (đạt 87% kế hoạch), khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung chuyển tiếp 1.140ha (đạt 90% kế hoạch). Ngành lâm nghiệp thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt 16 dự án trồng rừng thay thế với diện tích hơn 1.000ha, bù lại diện tích đã chuyển đổi mục đích không phải lâm nghiệp. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, chỉ mới trồng hơn 171ha/472ha (đạt 15,8% kế hoạch). |
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Thanh Quang nhận định, trên các cung đường Hồ Chí Minh, 14B, 14E, 14D… không còn cảnh lâm tặc trắng trợn, thách thức chở gỗ lậu giữa ban ngày như trước đây. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, cứng rắn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nên số vụ phá rừng giảm. Về những giải pháp, ông Quang kiến nghị nên dùng một phần nguồn vốn chi trả dịch vụ môi trường rừng để lập dự án, bổ sung thêm lực lượng kiểm lâm; điều chỉnh chế tài xử phạt vi phạm hành chính của Nghị định 99 trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và kiểm soát lâm sản theo hướng “mạnh tay” hơn. “Phải đưa kiểm lâm địa bàn xuống cơ sở, nắm mọi thông tin tham mưu kịp thời cho chính quyền xử lý ngay. Quan điểm của tôi là phải đầu tư nguồn lực cho kiểm lâm địa bàn hoàn thành sứ mệnh giữ rừng. Lực lượng này phải thay đổi địa bàn hoạt động liên tục, tuyệt đối không có tình trạng cắm bản lâu năm” – ông Quang nói.
Theo ngành lâm nghiệp, giải pháp đột phá để nâng cao độ che phủ rừng ở Quảng Nam là thực hiện đồng bộ các chính sách phát triển rừng. Chẳng hạn, việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, phát triển mô hình trồng cây phân tán, trồng rừng tập trung, phát triển cây cao su... đã góp phần đáng kể tạo công ăn việc ổn định cho người dân miền núi, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, hạn chế việc đốt nương làm rẫy của người dân địa phương. Còn theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, sẽ thực hiện xử phạt theo các điều khoản bổ sung của Nghị định 99 về lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng. Theo đó, chính quyền sở tại sẽ ban hành thông báo yêu cầu chủ sở hữu phương tiện di dời phương tiện ra khỏi rừng trong thời hạn từ 10-15 ngày, quá thời hạn trên sẽ xử lý tịch thu là phương tiện vô chủ.
Nhiệm vụ bảo vệ rừng năm 2013 được xác định là tiếp tục xác minh chủ sở hữu đất rừng cùng với đẩy mạnh công tác giao đất giao rừng, ngăn chặn nguy cơ đầu tư đất rừng, mua lại đất sản xuất của người dân; tăng cường lực lượng kiểm lâm theo mô hình hạt kiểm lâm theo vùng, tổ chức lại lực lượng kiểm lâm theo hướng tinh nhuệ, cơ động. Điểm mới là tỉnh giao trách nhiệm bảo vệ rừng cụ thể đối với các công ty cao su, thủy điện và trực tiếp xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn miền núi. Ngoài ra, tỉnh cũng có kế hoạch, chiến lược phát triển thương hiệu giá trị dược liệu của tỉnh như sâm, quế, ba kích...
TRẦN HỮU