Đóng phí dịch vụ môi trường rừng: Vẫn còn tình trạng né tránh
Năm 2012, nhiều nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh hoàn thành nghĩa vụ đóng phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) thông qua đơn vị ủy thác. Trong khi đó, một số doanh nghiệp lại né tránh, cố tình “không trả nợ” rừng xanh.
|
Các nhà máy thủy điện ở miền núi đã lấy đi diện tích rừng tương đối lớn. Ảnh: H.PHÚC |
“Nghĩa vụ” với rừng
Đến nay, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng (BV-PTR) của tỉnh đã chi gần 800 triệu đồng cho 111 hộ dân thuộc 2 thôn A Bông và A Sờ (xã Ma Cooih) nhận khoán bảo vệ 2.520ha rừng thuộc lưu vực thủy điện A Vương. Ngoài ra, từ nguồn tài trợ của dự án ADB, Quỹ BV-PTR phối hợp với Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, Ban Quản lý rừng phòng hộ A Vương… lập bản đồ rà soát hiện trạng rừng và hồ sơ giao khoán cho 276 hộ dân với diện tích gần 7.000ha rừng tại các thôn A Đền, A Dớ, A Zal, Trơ Gung, Tà Rèng (xã Ma Cooih) để thực hiện chính sách chi trả DVMTR trong đầu năm 2013. Bình quân mỗi hộ nhận khoán 25ha, đơn giá giao khoán bảo vệ là 300 nghìn đồng/ha. Số tiền mà Nhà máy thủy điện A Vương đã chi trả DVMTR qua đơn vị ủy thác trong hai năm (2011-2012) gần 25 tỷ đồng.
Tín hiệu vui là một số dự án thủy điện từng gây ra nỗi bất an cho người dân trong thời gian qua đã có nhiều động thái tích cực trong khắc phục môi trường. Điển hình, Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My) đã đóng gần 24 tỷ đồng (theo tỷ lệ 20 đồng/kWh điện thương phẩm) phí DVMTR để phục hồi rừng. Tại hội nghị triển khai chính sách chi trả DVMTR diễn ra tại huyện Bắc Trà My vừa qua, Giám đốc Quỹ BV-PTR – ông Huỳnh Đức khẳng định, trong số 3 dự án thủy điện đã đi vào hoạt động trên địa bàn Bắc Trà My và Nam Trà My (thủy điện Sông Tranh 2, Trà Linh 3, Tà Vi), chỉ duy nhất Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 đóng phí DVMTR đầy đủ theo quy định. Với số tiền này, Quỹ BV-PTR phối hợp với địa phương tổ chức chi trả cho các hộ, nhóm hộ dân trồng mới, khoanh nuôi bảo vệ, chăm sóc rừng, nhằm phục hồi lại diện tích rừng đã mất. “Trước mắt, quỹ sẽ phục hồi diện tích lưu vực sông Tranh 2 khoảng 16 nghìn héc ta. Ngoài tái tạo, phục hồi diện tích rừng, việc chi trả sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp giúp bà con ổn định sinh kế lâu dài, hạn chế áp lực vào rừng, từng bước thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương” - ông Đức nói. Cũng theo ông Đức, chủng loại cây trồng chủ yếu phủ xanh tại đây là loài sao đen, cây có chức năng phòng hộ và mang lại giá trị kinh tế cao.
Đến nay, Quỹ BV-PTR đã ký kết hợp đồng ủy thác với 9/14 nhà máy sản xuất thủy điện gồm Nhà máy thủy điện sông Tranh 2, Đắc Mi 4, A Vương, An Điềm, An Điềm 2, Sông Côn 2, Khe Diên, Phú Ninh và Đại Đồng. Tổng số tiền đã nộp ủy thác qua 2 năm (2011-2012) là hơn 83,4/90 tỷ đồng (đạt 92,7%). |
Ông Vũ Đức Toàn - Phó ban Quản lý dự án thủy điện 3 (chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2) khẳng định, thời điểm này, nhà máy đã đóng phí DVMTR đầy đủ. Phương án trồng rừng thay thế triển khai trong vòng 10 năm là 400ha. Trong 2 năm (2013-2014), đơn vị sẽ triển khai trồng mới rừng; thời gian còn lại sẽ khoanh nuôi, trồng bổ sung, bảo vệ, đảm bảo lấp đầy diện tích rừng bị nhấn chìm trong khu vực lòng hồ. Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My – ông Trần Anh Tuấn khẳng định, việc nhà máy thủy điện hoàn thành nghĩa vụ tài chính về DVMTR cũng là cách “chuộc lỗi” với rừng, với chính quyền, người dân. Từ đây, người dân bản địa sẽ cải thiện thêm thu nhập, có ý thức trách nhiệm hơn với khoảnh rừng do mình nhận khoán, bảo vệ.
Né tránh?
Theo Quỹ BV-PTR, hiện vẫn còn 5 nhà máy chưa ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR. Đó là các nhà máy thủy điện Tà Vi, Za Hung, Duy Sơn 2, Sông Cùng và Trà Linh 3. Trong đó, Nhà máy thủy điện Trà Linh 3 (chủ đầu tư là Công ty CP Xây dựng 699), dù đã đàm phán với Quỹ BV-PTR nhưng hai bên vẫn chưa thống nhất ký kết hợp đồng ủy thác. Nhà máy này hiện vẫn còn nợ phí DVMTR trong 2 năm qua. Đại diện chủ nhà máy nêu lý do: thời gian qua, giá bán điện của đơn vị chưa có cơ cấu tiền DVMTR và doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn về tài chính, do nợ vay quá hạn tại ngân hàng. Công ty cam kết từ năm 2013 trở đi sẽ nộp tiền ủy thác chi trả DVMTR theo đúng quy định. Trong khi đó, chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Za Hung là Công ty CP Za Hung giải thích, sở dĩ chậm chi trả vì công ty chưa có nguồn kinh phí DVMTR năm 2011-2012. Bởi, theo Quyết định số 18/2008/QĐ-BCT ngày 18.7.2008 của Bộ Công Thương, chưa cơ cấu phí DVMTR vào giá bán điện đối với các nhà máy thủy điện có công suất từ 30MW trở xuống.
Trong số 3 nhà máy thủy điện còn lại, chưa có đơn vị nào thực hiện việc đàm phán, ký kết hợp đồng ủy thác. “Chúng tôi đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị đàm phán ký kết hợp đồng nhưng 3 đơn vị trên luôn né tránh, không phối hợp thực hiện” - ông Đức cho biết.
HỮU PHÚC