Giữ rừng thời điểm "nóng"

HỮU PHÚC 11/01/2013 07:42

Một cuộc họp lực lượng kiểm lâm cả tỉnh diễn ra vào cuối tuần qua của Sở NN&PTNT đã thể hiện quyết tâm tuyên chiến với nạn phá rừng. Nhiều phương án, kịch bản trước đây đã tính toán chi tiết, song thực tế những vụ phá rừng “đình đám” nhất thường lại rơi vào thời điểm dịp tết.

Lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh bàn phương án giữ rừng dịp tết. Ảnh: H.PHÚC
Lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh bàn phương án giữ rừng dịp tết. Ảnh: H.PHÚC

Thiếu triệt để

Không phải đến thời điểm cận tết chuyện giữ rừng mới được đem ra mổ xẻ, phân tích mà cuối tháng 8.2012, UBND tỉnh đã ra “kỷ luật thép” bằng Chỉ thị số 20/2012/CT-UBND, ngày 21.8.2012 về tăng cường các biện pháp quản lý, phương tiện, dụng cụ đưa vào rừng (gọi tắt Chỉ thị 20). Theo đó, ngành nông nghiệp chỉ đạo kiểm lâm triển khai phương án cụ thể. Hàng loạt các điểm cấm người, phương tiện, dụng cụ vào rừng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép đã được triển khai. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đến nay đa số các địa phương đã tổ chức khảo sát, xác định các khu vực để đặt biển báo cấm phương tiện, dụng cụ trái phép vào rừng. Hiện 281 điểm cấm đã cắm xong biển báo. Nhiều nhất là Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh với 46 điểm, ít nhất là TP.Hội An với 6 điểm. Ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, phá rừng “nóng” nhất gần đây chính là phía thượng nguồn sông Thu Bồn, vùng giáp ranh các huyện Nông Sơn - Hiệp Đức - Phước Sơn, ở các khu tái định cư thủy điện. Đáng lo là tình trạng phá rừng tự nhiên để lấy đất trồng cao su, trồng keo. Hơn nữa, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép kéo theo việc mở đường phá rừng quy mô lớn ở xã Ba, xã Tư (Đông Giang), thôn 6 - xã Trà Bui (Bắc Trà My), vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. “Tồn tại là nhiều địa phương chưa thống kê đầy đủ các xưởng cưa đưa vào rừng” - ông Tuấn thừa nhận.

Tiêu hủy phương tiện - cái “thần” của Chỉ thị 20

“Chỉ thị đã ban hành, cuộc chiến giữ rừng có trách nhiệm của nhiều ngành và chính quyền các cấp, nhưng kiểm lâm phải là lực lượng nòng cốt. Chúng ta đã có kiểm lâm “cắm” địa bàn, không lý do gì không phát hiện sớm thông tin để tham mưu xử lý kịp thời. Cần linh hoạt vận dụng kịch bản giữ rừng, trong đó phải quyết liệt, xử lý triệt để, tiêu hủy phương tiện - là cái “thần” của Chị thị 20. Tôi nhấn mạnh, nhiệm vụ của kiểm lâm địa bàn là làm việc ở nơi xa xôi, chứ không phải quẩn quanh ở các huyện trung du, thời gian 2 năm là luân chuyển ngay”.
(Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Thanh Quang)

Báo cáo kết quả về thực hiện Chỉ thị 20, ông Nguyễn Trí - Phó Giám đốc (phụ trách) Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh cho rằng, “vòi bạch tuộc” phá rừng vẫn tàn phá nghiêm trọng Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, nhất là khu vực giáp ranh giữa Nam Giang với xã Phước Đức - huyện Phước Sơn, khai thác vàng sa khoáng ở Khe Vinh… “Trong cuộc truy quét mới đây, lực lượng chức năng đã phát hiện 20 máy múc làm vàng trong rừng, trong đó có 1 xe đang hoạt động, buộc lực lượng phải xử lý 3 thùng phuy với 6.400 lít dầu. Việc đập phá phương tiện xe múc thì phải chờ xin ý kiến” - ông Trí nói. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN&PTNT vặn lại: “Như vậy đồng chí không thuộc, không hiểu chi hết về tinh thần của Chỉ thị 20. Tại sao hủy được dầu lửa chạy máy nổ mà không tiêu hủy được phương tiện xe múc? Nếu hết cách nghĩa là bất lực, không hoàn thành nhiệm vụ”.
Ông Trần Lanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn cho biết, tình trạng phá rừng diễn ra không còn công khai, trắng trợn như trước. Gần 1.500 hộ dân có trâu đăng ký cam kết sẽ không thả rông vào rừng. Từ ngày 10.1, địa phương sẽ hoàn tất việc yêu cầu doanh nghiệp đăng ký phương tiện vào rừng. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỏ ra không đồng tình, cho rằng “máu” rừng vẫn tiếp tục chảy ở núi rừng Phước Sơn. Sự thiếu quyết tâm, lơ là trách nhiệm trong thực hiện Chỉ thị 20 là nguyên nhân dẫn đến hậu quả phá rừng.

Kịch bản giữ rừng dịp tết

Dịp trước, trong và sau tết năm nay, ngành kiểm lâm bố trí cán bộ, kiểm lâm cơ động túc trực ở các “điểm nóng”, cửa ngõ vận chuyển lâm sản trái phép. Khác với trước đây, năm nay, ngành dồn lực lượng tuyên truyền sâu rộng những nội dung của Chị thị 20 như nghiêm cấm các hành vi đưa người, phương tiện, dụng cụ vào rừng khi chưa được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền.

Giám đốc Sở NN&PTNT tại hiện trường phá rừng ở thượng nguồn thủy điện Đắc My 4, huyện Phước Sơn.Ảnh: H.PHÚC
Giám đốc Sở NN&PTNT tại hiện trường phá rừng ở thượng nguồn thủy điện Đắc My 4, huyện Phước Sơn.Ảnh: H.PHÚC

Hướng dẫn các doanh nghiệp, công ty có dự án, công trình được phép hoạt động trong rừng khi đưa người, phương tiện vào rừng phải đăng ký. Ngoài kiểm tra tuần tra, mỗi hạt kiểm lâm, ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng phải tổ chức truy quét ít nhất 2 lần/tháng. Theo phương án của ngành kiểm lâm, kịch bản giữ rừng dịp tết năm nay vẫn tổ chức truy quét ở các vùng giáp ranh, các khu rừng trọng điểm thường xuyên bị phá. Xử lý nghiêm minh các chủ rừng được Nhà nước giao rừng tự nhiên, hoặc rừng trồng bằng vốn ngân sách, vốn viện trợ không hoàn lại nếu để xảy ra phá rừng. Sẽ phá các rào chắn ba-ri-e tại các Trạm Kiểm lâm Thạnh Mỹ, Đèo Mộc, Phước Hiệp... để tăng cường lực lượng truy quét, giữ rừng tại gốc.

Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, quan điểm của ngành là hạn chế lực lượng chốt chặn ở các trạm mà tăng cường truy quét. Cứ công khai kế hoạch truy quét cho lâm tặc “nhờn thuốc”, rồi bất ngờ kéo thêm lực lượng quân đội, công an mở chiến dịch đánh trọng điểm. “Nguồn lực tài chính không thiếu, các đơn vị đặt quyết tâm cao bằng chế tài xử lý triệt để, tuyệt đối không thỏa hiệp thì tôi tin rằng, rừng sẽ bình yên trong dịp tết” - ông Quang nói.

HỮU PHÚC

  • Ngang nhiên phá rừng Hóc Độ
  • Lập làng, giữ rừng
  • Kiểm điểm 27 hộ dân phá rừng phòng hộ tại thủy điện A Vương
  • Giữ rừng tại gốc
  • Vụ phá rừng phòng hộ đầu nguồn Đông Tiển: Củng cố hồ sơ khởi tố vụ án
  • Nâng cao năng lực giữ rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số
  • Vụ phá rừng phòng hộ đầu nguồn Đông Tiển: Yêu cầu sớm điều tra đối tượng vi phạm
  • Vụ ngang nhiên phá rừng ở xã Phước Gia và Phước Trà (Hiệp Đức): Củng cố hồ sơ, xử lý đơn vị khai thác gỗ trái phép
  • Ai giữ rừng phòng hộ Quế Lưu?
  • Điều tra 2 vụ phá rừng tự nhiên ở Tam Trà
  • Phá rừng làm nhà tái định cư
  • Kiểm tra các vụ phá rừng tại Quảng Nam

HỮU PHÚC