Nghề cào don trên sông Trường Giang
(QNO) - Dòng sông Trường Giang không chỉ đẹp như tranh mà còn là nơi có nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng, nuôi sống nhiều thế hệ ngư dân làng chài. Đặc biệt, nghề cào don còn giúp nhiều gia đình ở các xã bãi ngang ven biển của Núi Thành, Tam Kỳ cải thiện thêm thu nhập.
Để cào don hiệu quả, ngư dân thường canh thủy triều xuống và hành nghề từ lúc sáng sớm đến khoảng 16 giờ chiều hằng ngày. Dụng cụ cào don cũng đơn giản gồm bình oxy, dây chì nặng hơn 10kg dùng quấn quanh người khi lặn, chiếc vợt, rổ để đãi lựa don trộn lẫn trong lớp bùn cát.
Cũng có ngư dân dùng loại dao cán ngắn và chiếc thau men theo các bờ sông để đục con don bu bám quanh các cửa thoát nước của hồ nuôi tôm, cá ven sông. Sau khi bắt được don, họ thường cho vào bao tời và cân bán cho thương lái với giá dao động 160 - 180 nghìn đồng/bao.
Bà Đặng Thị Sương (thôn Xuân Tân, xã Tam Hòa) cho biết, mùa khai thác don kéo dài từ tháng 2 đến 9 Âm lịch hằng năm. Mỗi ngày, bà bắt được khoảng 2 - 3 bao (loại 25kg) và đưa lên bờ để chờ thương lái tới thu mua. Bình quân mỗi ngày bà kiếm được khoảng 300 nghìn đồng.
Khi don còn nhỏ, thương lái thu mua về bán lại cho các chủ hồ ở Phú Yên xay nhỏ làm thức ăn cho tôm hùm, con don lớn bằng ngón tay thì chế biến thành món ăn phục vụ thực khách ở các nhà hàng, quán ăn.
"Nghề cào don không nặng nhọc nhưng đòi hỏi phải có sức khoẻ, biết bơi lặn vì don thường sống khu vực nước sâu. Mặc dù cào don đem lại thu nhập nhưng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, tôi ngâm mình hàng giờ đồng hồ trong dòng nước, dang nắng nên dễ bị cảm, chuột rút chân, hay mảnh vỡ của vỏ sò, ốc... cứa đứt chân tay gây chảy máu và rát lắm" - bà Sương chia sẻ.
Bà Đặng Thị Phương (xã Tam Hòa) nói: "Ở quê, mùa này cũng rảnh rỗi, tôi đi cào don để bán cho thương lái và làm thức ăn cho gia đình. Nhìn nghề này dễ vậy chứ không phải ai cào cũng được, tôi đi nhiều nên biết vùng nào con don sinh sống. Con don ở sông Trường Giang có thịt thơm ngon nên được nhiều người ưa chuộng, bán rất chạy".
Don là loài nhuyễn thể, vỏ có hai mảnh hình dẹt và dài chỉ khoảng 1cm, bên trong thịt có màu trắng sữa và tua xung quanh. Chúng cùng họ hến nhưng có ruột dài và thịt thơm ngon hơn. Don có màu vàng do sống và ăn sâu trong lớp cát.
Để chế biến don phải chà vỏ, rửa sạch, ngâm cho nhả hết cát, rồi luộc cho đến khi chúng há miệng. Don được các thương lái mua và chế biến làm thức ăn cho tôm hùm, ngoài ra, thịt don sau khi tách khỏi vỏ dùng để nấu canh, cháo, trộn gỏi, nước luộc don còn được tận dụng để nấu canh.
[VIDEO] - Ngư dân cào don trên sông Trường Giang: