Nuôi cá đối mục kết hợp tôm sú ở vùng triều
Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế và phát triển nghề nuôi thủy sản vùng triều ổn định, năm 2023, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành thực hiện có hiệu quả mô hình “Nuôi cá đối mục trong ao kết hợp với tôm sú và các loài cá khác” tại xã Tam Tiến.
Mô hình được thực hiện tại thôn Long Thành (xã Tam Tiến) với 4 hộ dân tham gia. Trên tổng diện tích 10.000m2 mặt nước (mỗi hộ nuôi 2.500m2), các hộ dân thả nuôi 48.000 con giống tôm sú và 4.000 con cá đối mục (mật độ 40 con tôm sú/m2, 1 con cá đối mục/1m2) từ đầu tháng 3/2023.
Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành cử chuyên viên hướng dẫn kỹ thuật nuôi ghép tôm sú và cá đối mục phù hợp với điều kiện nuôi tại địa phương cho các hộ tham gia mô hình. Trong quá trình nuôi, các chuyên viên kỹ thuật luôn theo dõi, kiểm tra định kỳ và hướng dẫn các biện pháp xử lý kịp thời khi có hiện tượng bất thường xảy ra đối với tôm, cá nuôi và môi trường ao nuôi.
Ông Nguyễn Thành Quyên (người tham gia mô hình) chia sẻ, nuôi cá đối mục xen tôm sú đem lại hiệu quả kinh tế khá. Sau khoảng 6 tháng nuôi, đến cuối tháng 9/2023, mô hình cho thu hoạch. Tỷ lệ sống trung bình của tôm sú là 40%; trọng lượng đạt khoảng 50 con/kg. Tỷ lệ sống trung bình của cá đối mục là 50%, trọng lượng đạt khoảng 300g/con.
Kết quả, tổng trọng lượng thu được của tôm sú là 768kg, bán với giá 180 nghìn đồng/kg, doanh thu đạt 138,2 triệu đồng; tổng trọng lượng cá đối mục thu được 600kg, bán với giá 90 nghìn đồng/kg, doanh thu 54 triệu đồng. Như vậy, tổng doanh thu từ mô hình hơn 192,2 triệu đồng, trừ chi phí 155,4 triệu đồng, còn có lãi 36,8 triệu đồng.
Ông Trần Văn Vũ - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành cho biết, mô hình nuôi ghép cá đối mục - tôm sú phù hợp trong điều kiện ao nuôi hiện tại ở vùng triều, các đối tượng nuôi thích nghi, sinh trưởng, phát triển tốt khi nuôi ghép. Hình thức nuôi xen giúp người nuôi tiết kiệm chi phí thức ăn, hạn chế thức ăn thừa, làm sạch môi trường ao nuôi.
Qua mô hình cho thấy, có thể nuôi ghép tôm thẻ chân trắng hoặc tôm sú với cá đối mục trong những ao nuôi nước lợ ở vùng triều, nhất là những ao nuôi tôm thường xuyên bị dịch bệnh.
Giá trị kinh tế của cá đối lớn hơn so với các loại cá chẽm, cá măng… Việc tiêu thụ cá thương phẩm dễ dàng hơn, vì vậy, có thể thả nuôi cá sớm hơn và kéo dài thời gian nuôi để tăng trọng lượng cá và tăng hiệu quả kinh tế.
Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành đề nghị các địa phương tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển mô hình nuôi cá đối mục trong ao kết hợp với tôm sú nhằm tiếp tục sử dụng có hiệu quả diện tích mặt nước vùng triều, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường vùng triều ven sông, ven biển.