[eMagazine] - Quảng Nam với nỗ lực gỡ "thẻ vàng" thủy sản

QUANG VIỆT – THÀNH CÔNG 15/10/2023 08:04

Đoàn công tác của Ủy ban Châu Âu (EC) đang ở Việt Nam kiểm tra về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Vì mục tiêu phát triển nghề cá có trách nhiệm, Quảng Nam đã quyết tâm thay đổi những hạn chế để làm theo các khuyến nghị của EC, nỗ lực gỡ thẻ vàng” thủy sản.

 
 

Nghề cá Quảng Nam còn nhiều hạn chế, khoảng trống từ kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu ra vào cảng và hoạt động trên biển..., đến truy xuất nguồn gốc hải sản từ khai thác.

Lúng túng cập cảng chỉ định

Ở các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh, số tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên là 648 chiếc. Theo quy định, nhóm tàu cá này bắt buộc phải cập cảng cá chỉ định để bán hải sản sau khai thác. Tuy nhiên, do hạ tầng nghề cá của tỉnh còn hạn chế nên việc thực hiện quy định này gặp vướng.

Quảng Nam từng bước khắc phục các hạn chế để cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Ảnh: Q.V - H.P
Quảng Nam từng bước khắc phục các hạn chế để cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Ảnh: Q.V - H.P

Theo ngư dân Trần Công Bảy (khối phố Phước Hải, phường Cửa Đại, TP.Hội An), ở phía bắc của tỉnh không có cảng cá chỉ định, nếu ngư dân phải đưa tàu và hải sản vào bán ở cảng cá Tam Quang (huyện Núi Thành) thì quá xa, tốn nhiều công sức, tiền bạc nên ngư dân buộc phải… bỏ qua quy định để bán hải sản sau khai thác ở bến cá Thanh Hà (Hội An) hoặc bến cá An Lương (xã Duy Hải, Duy Xuyên).

 

Trên địa bàn huyện Núi Thành đã có 2 cảng cá chỉ định, ngoài Tam Quang còn có cảng cá An Hòa (xã Tam Giang). Không thể viện lý do “cảng cá ở xa bất tiện” như trường hợp ngư dân ở Hội An nói trên, nhiều chủ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên ở Núi Thành vẫn cập tàu bán ở bến cá hoặc cầu cảng tư nhân.

Ông Phan Công Rân (ngư dân xã Tam Tiến) diễn giải, nghề đánh bắt hải sản của ngư dân địa phương đã định hình từ lâu và các quan hệ làm ăn vẫn duy trì. Bán hải sản sau khai thác bán không thể ngoài các bạn hàng truyền thống vì trước khi tàu vươn khơi đã được họ ứng tiền để chủ tàu chuẩn bị hậu cần cho chuyến biển.

“Để chuyển từ nghề cá truyền thống sang nghề cá có trách nhiệm, ngư dân cần ngành thủy sản trợ giúp tổ chức lại hậu cần nghề cá bài bản hơn” - ông Rân đề nghị.

Vẫn còn tàu cá không cập cảng chỉ định dẫn đến hạn chế trong kiểm soát sản lượng hải sản sau khai thác của tỉnh. Ngoài các phân tích ở trên, ông Ngô Văn Định - Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá & quản lý cảng cá tỉnh cho hay, hiện tại Luật Thủy sản chỉ quy định tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải cập cảng cá chỉ định; nên chủ tàu, thuyền trưởng có để đưa tàu vào cảng cá chỉ định ở bất cứ tỉnh, thành nào để bán. Theo đó, tàu cá của ngư dân Quảng Nam có thể bán hải sản ở cảng cá chỉ định thuộc TP.Đà Nẵng hay tỉnh Quảng Ngãi, do đó ngành chức năng không thống kê đầy đủ sản lượng hải sản bốc dỡ qua các cảng cá chỉ định của tỉnh.

Kiểm soát đường đi của tàu cá

Hiện nay hầu hết bến cá nằm ở vùng bãi ngang ven biển, không có trạm kiểm soát biên phòng ở bãi ngang nên có tình trạng tàu cá không thực hiện các thủ tục xuất - nhập bến. Do không được kiểm soát chặt chẽ nên có tàu cá “3 không” vẫn đánh bắt hải sản, tức là không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác hải sản.

Ngư dân chuẩn bị cho chuyến câu mực kéo dài hàng tháng ở ngư trường Trường Sa. Ảnh: Q.V
Ngư dân chuẩn bị cho chuyến câu mực kéo dài hàng tháng ở ngư trường Trường Sa. Ảnh: Q.V

Mặt khác, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên theo Luật Thủy sản chỉ được đánh bắt hải sản ở tuyến xa bờ nhưng có phương tiện hoạt động ở tuyến lộng và vùng ven bờ, nhất là các tàu lưới kéo và chụp mực. Về điều này, một ngư dân ở thôn An Hải Tây, xã Tam Quang (Núi Thành) nêu lý do: “Các loại mực chủ yếu ở tuyến lộng. Tàu dài hơn 15m theo quy định phải hoạt động ở tuyến xa bờ. Nhưng nhiều tàu hành nghề chụp mực nên buộc phải vào tuyến lộng khai thác mới có sản phẩm”.

Cũng theo quy định, nhóm tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên bắt buộc phải lắp đặt, vận hành giám sát hành trình (GSHT). Nhưng  qua thực tế kiểm tra có nhiều tàu cá của Quảng Nam mất tín hiệu, không kết nối GSHT. Mà nguyên nhân ngư dân đưa ra cũng không phải là vô lý. Nói như ông Trần Hải Bản (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang), thời tiết mùa này ở vùng biển xa biến động liên tục khiến mạng chập chờn, mất kết nối GSHT. Hoặc có thể cơ sở, điều kiện hạ tầng của các nhà mạng cung cấp dịch vụ GSHT không đảm bảo nên tàu cá bị ngắt mạng vào nhiều thời điểm.

Ông Nguyễn Hữu Trường - Trưởng phòng Thanh tra - kiểm ngư (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho biết, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm để khắc phục IUU, từ đầu năm đến nay ngành và lực lượng biên phòng đã xử phạt các trường hợp mất kết nối GSHT quá 10 ngày trên biển với số tiền lên đến hơn 1 tỷ đồng.

 

Ông Hùng cũng chia sẻ, thông tin nhật ký thu mua, chuyển tải của tàu hậu cần thu mua hải sản trên biển cũng phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc hải sản, ghi đúng theo thời điểm thu mua.

Quảng Nam hiện có 2.715 tàu thuyền đánh bắt hải sản. Trong đó có 1.338 phương tiện chiều dài từ 6m đến dưới 12m (sản xuất ở vùng bờ) và 1.377 tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên. Thực hiện IUU, ngành thủy sản Quảng Nam đề nghị các cơ sở đăng kiểm gửi danh sách các tàu cá hết hạn đăng kiểm để yêu cầu các chủ tàu thực hiện đăng kiểm theo quy định; đồng thời đề xuất các trạm kiểm soát biên phòng, cảng cá giám sát, không cho các tàu cá hết hạn đăng kiểm xuất cảng.

Về hoạt động của Văn phòng Kiểm soát nghề cá Quảng Nam (gồm 3 lực lượng thủy sản, biên phòng và quản lý cảng cá), Bộ NN&PTNT khuyến cáo, sổ sách ghi chép thông tin tàu cá thông báo ra vào cảng, biên bản kiểm tra, giám sát tàu cá phải khớp số liệu. Công tác xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác thực hiện cần đảm bảo theo quy định; sổ theo dõi sản lượng bốc dỡ phân theo loài để bảo đảm chứng minh được thực hiện trên thực tế. Công tác lưu trữ hồ sơ, sổ sách bằng bản giấy và trên phần mềm điện tử để có thể kịp thời truy xuất phục vụ kiểm tra khi có yêu cầu. 

[VIDEO] - Quảng Nam đang nỗ lực gỡ "thẻ vàng" thủy sản:

CLIP: Q.VIỆT

 

Nhiều tàu cá Quảng Nam vươn khơi bám biển tuân thủ chặt các quy định về IUU, nỗ lực cùng ngành chức năng gỡ “thẻ vàng” thủy sản.

Anh Lê Đức Nam (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) hơn 30 tuổi đã làm chủ tàu câu mực khơi QNa-94545 dài 24m, công suất 750CV. Chuẩn bị cho chuyến biển thứ 3 trong năm nay, anh cùng 48 bạn biển hối hả các công đoạn sửa sang, khiêng vác, sắp xếp thuyền thúng câu mực; vận chuyển lương thực, thực phẩm, nước uống...

“Từ khi được các ngành chức năng tuyên truyền về việc gỡ “thẻ vàng” thủy sản, tôi tuân thủ đúng quy định khi ra khơi bám biển. Máy định vị, định dạng luôn vận hành nên tôi biết ranh giới biển, không đưa tàu vượt khỏi vùng biển Việt Nam. Khi gần đến cảng cá Tam Quang, tôi gọi điện thoại thông báo trước 1 giờ cập cảng cho ngành chức năng theo quy định. Đánh bắt trên biển tôi cũng ghi kỹ càng thông tin vào nhật ký khai thác hải sản và nộp cho Văn phòng kiểm soát nghề cá khi lên bờ” - anh Nam nói.

Đánh bắt hải sản đi đôi với bảo vệ nguồn lợi. Ảnh: Q.V
Đánh bắt hải sản đi đôi với bảo vệ nguồn lợi. Ảnh: Q.V

Anh Lê Đức Nam cũng như nhiều ngư dân Quảng Nam khác quyết tâm bám biển, bảo vệ ngư trường, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc và còn vì lẽ mưu sinh, giải quyết việc làm cho bạn biển. Cho nên anh hiểu rõ, gỡ "thẻ vàng" thủy sản đồng nghĩa với bảo đảm cho cuộc sống của gia đình mình và thuyền viên.

Anh Nam kể, chuyến câu mực trước  tàu anh thu được 40 tấn mực khô, bán 6 tỷ đồng, trừ chi phí xong còn lại gần 4 tỷ đồng, trung bình mỗi bạn biển có thu nhập hơn 80 triệu đồng.

“Tàu cá của tôi có đầy đủ giấy phép và còn hạn đăng kiểm. Tôi cập cảng và xuất cảng đều được ngành chức năng quản lý cấp phép. Máy giám sát hành trình của tôi vận hành 24/24h” - anh Nam nói.

Trong các khuyến nghị của EC về gỡ “thẻ vàng” thủy sản, tiêu chí đầu tiên là không có tàu cá sang vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản. Yêu cầu này đã được ngư dân Quảng Nam thực hiện tốt, khi từ năm 2022 đến nay toàn tỉnh không có tàu cá vi phạm.

 

Nhiều chủ tàu mong muốn chính quyền tỉnh Quảng Nam kiến nghị Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ hỗ trợ đầu tư thiết bị ghi chép nhật ký điện tử giúp ngư dân ghi nhật ký khai thác hải sản thuận lợi hơn, là cơ sở để cả nước số hóa hệ thống phần mềm quản lý, tạo thuận tiện trong gỡ “thẻ vàng” thủy sản.

 

Các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, biên phòng đóng chân trên địa bàn tỉnh trở thành điểm tựa đồng hành cùng ngư dân chung tay ngăn chặn, chấm dứt hành vi IUU cả ở khơi xa lẫn trên bờ.

Tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Kỳ Hà (đóng tại xã Tam Quang, Núi Thành), lực lượng biên phòng đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương đẩy mạnh nhiều giải pháp để ngư dân chấm dứt vi phạm IUU. Ở các khu neo đậu lẫn trong bờ, cán bộ, chiến sĩ biên phòng đến với ngư dân và gia đình, cùng hiện diện tại các cuộc hội họp, các sự kiện có đông người dân để truyền thông chính sách, cung cấp các quy định về Luật Biển Việt Nam, Luật Thủy sản 2017, Nghị định 42 của Chính phủ khi đánh bắt trên biển.

Truy xuất nguồn gốc hải sản ở Quảng Nam còn gặp khó. Ảnh: Q.V
Truy xuất nguồn gốc hải sản ở Quảng Nam còn gặp khó. Ảnh: Q.V

 Thượng tá Trần Văn Hóa - Chính trị viên Đồn biên phòng Cửa khẩu cảng Kỳ Hà cho hay, các xã có đông ngư dân hoạt động trên biển như Tam Quang, Tam Tiến, Tam Hải, Tam Giang đều được chú trọng tuyên truyền tập trung, kết hợp thông qua các hệ thống truyền thanh.

 

Cùng với biên phòng, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 thường xuyên duy trì các tàu tuần tra, thực thi pháp luật trên biển. Sự xuất hiện của những con “tàu trắng” giúp ngư dân vững tin trong những chuyến hải trình. Hỗ trợ ngư dân đánh bắt hợp pháp trên vùng biển chủ quyền, nhưng Cảnh sát biển cũng kiên quyết xử lý đối với các hành vi trục lợi chính sách, đánh bắt vi phạm IUU.

Đại tá Trần Hồng Quế - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 cho hay,  Cảnh sát biển cùng với nhiều đơn vị tăng cường ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm như gửi thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá khác, ngắt kết nối có chủ ý thiết bị giám sát hành trình tàu cá; thường xuyên phối hợp các đơn vị bạn, lực lượng chức năng địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát đấu tranh, ngăn chặn tình trạng vi phạm IUU trên các vùng biển miền Trung.

Kiểm ngư thường xuyên hoạt động trên biển, hỗ trợ cho ngư dân, hướng dẫn ngư dân đánh bắt đúng quy định. Trong ảnh: Cán bộ Chi đội kiểm ngư số 3 tặng áo phao cho ngư dân đang hoạt động trên biển. Ảnh: T.C
Kiểm ngư thường xuyên hoạt động trên biển, hỗ trợ cho ngư dân, hướng dẫn ngư dân đánh bắt đúng quy định. Trong ảnh: Cán bộ Chi đội kiểm ngư số 3 tặng áo phao cho ngư dân đang hoạt động trên biển. Ảnh: T.C

Ngoài cảnh sát biển, biên phòng, Chi đội Kiểm ngư số 3 (đóng tại xã Tam Giang, Núi Thành) cũng là một trong những lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong việc ngăn chặn vi phạm IUU.

Theo ông Phạm Hồng Thái - Trưởng ban Nghiệp vụ Chi đội Kiểm ngư số 3, ngư dân có ý thức chấp hành pháp luật, khai thác thủy sản có trách nhiệm hơn, tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp hoạt động sai vùng, tuyến, thiếu giấy tờ quy định, chưa đảm bảo điều kiện an toàn hàng hải. Để tăng cường kiểm soát, Chi đội Kiểm ngư số 3 đã tổ chức hơn 40 đợt tàu tham gia thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên biển, tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật cho gần 2.000 lượt tàu, phát hơn 7.000 tài liệu tuyên truyền, tặng nhiều cờ Tổ quốc, nhu yếu phẩm thiết yếu cho ngư dân khai thác trên vùng biển.

Ông Vũ Đức Giang - Chi đội trưởng Chi đội Kiểm ngư số 3 cho hay, thời gian qua đơn vị đã bám sát ngư trường, sát ngư dân, phối hợp chặt chẽ trong tuyên truyền, quán triệt các quy định, kiên quyết xử lý tàu cá không lắp hoặc lắp thiết bị giám sát hành trình sai quy định. Ngoài ra, đơn vị duy trì các tàu tuần tra để vừa quản lý, vừa kịp thời nhắc nhở ngăn chặn ngư dân vi phạm pháp luật khi khai thác thủy sản, tránh đi vào vùng biển nước ngoài.

 
 

Từ ngày 11-18/10, đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) đi kiểm tra thực hiện các khuyến nghị chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại Việt Nam và chọn ngẫu nhiên các tỉnh, thành phố có nghề cá ở nước ta để kiểm tra.

Cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản, Quảng Nam đang từng bước kiện toàn hoạt động ở cảng cá và Văn phòng kiểm soát nghề cá. Bà Nguyễn Thị Trang Nhung - Trưởng phòng Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế (Cục Kiểm ngư, Bộ NN&PTNT) nói, các lực lượng chức năng tại cảng cá của tỉnh cần khắc phục triệt để những thiếu sót trong thực hiện và hoàn thiện hồ sơ. Thủ tục xác nhận nguyên liệu hải sản khai thác và chứng nhận nguồn gốc hải sản khai thác đảm bảo khớp nối giữa hồ sơ với thực tiễn. Số liệu giám sát sản lượng hải sản qua cảng đảm bảo tính xác thực, hợp lệ và tin cậy.

Gần đây, Quảng Nam quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá, nhất là các cảng cá, nơi neo đậu tàu thuyền. Ảnh: H.P
Gần đây, Quảng Nam quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá, nhất là các cảng cá, nơi neo đậu tàu thuyền. Ảnh: H.P

Về quản lý, Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong kiểm tra, xác minh thông tin, nguồn gốc sản phẩm đảm bảo được khai thác từ tàu cá không vi phạm khai thác IUU, sản lượng và chủng loại hải sản phải chính xác.

 Đối với tàu cá từ 15m trở lên hoàn thành lắp đặt và vận hành giám sát hành trình mới được vươn khơi đánh bắt hải sản ở các vùng biển xa. Đối với các tàu từ 6m đến dưới 15m hoàn thành đăng ký, cấp phép, đăng kiểm và cập nhật vào cơ sở dữ liệu nghề cá Vnfishbase.

 

Trong chuyến kiểm tra tại Quảng Nam mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các sở, ngành, địa phương của tỉnh lập danh sách, theo dõi toàn bộ tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU để nắm được hiện trạng, giao chính quyền cơ sở theo dõi, giám sát. Lực lượng biên phòng đảm bảo kiểm tra, kiểm soát tất cả tàu cá xuất, nhập qua các trạm biên phòng. Ban quản lý cảng cá xử lý nghiêm các tàu cá không đủ điều kiện xuất, nhập cảng cá bốc dỡ hải sản khai thác. Ngành thủy sản kiên quyết không để tàu cá địa phương vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. 

 

Chiều ngày 7/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương ven biển trong nước về thúc đẩy giải pháp chống khai thác IUU và kế hoạch làm việc với đoàn thanh tra của EC lần thứ 4.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến gỡ “thẻ vàng” thủy sản thông qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo; kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh tuyên truyền ngư dân; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân; phối hợp với các nước, tổ chức có liên quan xử lý các hành vi khai thác hải sản không đúng quy định trên biển.

Quảng Nam hướng đến khai thác nghề cá có trách nhiệm. Ảnh: V.T
Quảng Nam hướng đến khai thác nghề cá có trách nhiệm. Ảnh: V.T

Về chống khai thác IUU ở Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đánh giá, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nhờ hỗ trợ của Trung ương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, chính quyền và các hội đoàn thể, chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân.

Thời gian tới, Sở NN&PTNT, các lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, các địa phương ven biển của tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kiểm tra, rà soát thực trạng tàu cá về đăng ký, đăng kiểm, cấp phép, giám sát hành trình để giám sát, xử lý. Ngành thủy sản tiến đến hoàn thành đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tất cả tàu cá của tình; cấp giấy phép khai thác, cập nhật đủ dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNfishbase.

 

 Dù đoàn thanh tra EC có đến hay không, Quảng Nam cũng quyết tâm giải quyết dứt điểm công tác triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU tại chuyến thanh tra lần 3 vào tháng 10/2022, gồm: quản lý tàu cá, kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; theo dõi, kiểm soát hoạt động theo dõi, kiểm tra, giám sát nghề cá; truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; thực thi pháp luật và các vấn đề khác có liên quan.

 

QUANG VIỆT – THÀNH CÔNG