Cấp thiết chuyển đổi nghề cho ngư dân

NGUYỄN QUANG 02/10/2023 08:24

Nghề cá nhỏ ven bờ thu nhập kém lại tận diệt hải sản khiến đa dạng sinh thái biển, nguồn lợi trên địa bàn tỉnh suy giảm mạnh thời gian qua. Giải pháp nào chuyển đổi nghề cho ngư dân tham gia nghề cá nhỏ?

Quảng Nam cần thực hiện đề án chuyển đổi nghề, giúp ngư dân đánh bắt hải sản thân thiện với môi trường, sinh thái biển. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Quảng Nam cần thực hiện đề án chuyển đổi nghề, giúp ngư dân đánh bắt hải sản thân thiện với môi trường, sinh thái biển. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Cần chuyển nghề

Giá dầu tăng kéo theo chi phí lương thực, thực phẩm, các vật dụng cần thiết khác cho chuyến biển tăng, trong khi đó, sản lượng thu được ít ỏi khiến ngư dân có thu nhập thấp trong những chuyến đánh bắt hải sản gần bờ.

Ngư dân Nguyễn Văn Trung (thôn An Lương, xã Duy Hải, Duy Xuyên) cho biết, với nghề lưới thanh ba ven bờ từ đêm đến sáng chỉ thu được chừng 8kg cá cơm, cá hố, bán được hơn 200 nghìn đồng, sau khi trừ chi phí còn lại chỉ đắp đổi qua ngày.

“Theo thời gian, các loại cá mực ngày càng giảm, đánh bắt không được bao nhiêu. Mong Nhà nước hỗ trợ chúng tôi chuyển đổi nghề, kỳ vọng kế sinh nhai đỡ vất vả” - ông Trung bày tỏ.

Chuyển đổi nghề cho ngư dân kỳ vọng giúp cộng đồng ngư dân có sinh kế ổn định; ngư dân yên tâm sản xuất, tránh được thiệt hại về kinh tế do bị xử phạt khai thác sai nghề so với quy định. Chuyển đổi nghề giúp ngành thủy sản thuận lợi trong theo dõi, quản lý, giám sát đội tàu khai thác ở vùng bờ và vùng lộng, đặc biệt là quản lý trong mùa mưa bão, cứu hộ, cứu nạn. Về môi trường, sinh thái biển, sẽ góp phần bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi, đa dạng sinh thái biển.

Theo ông Trần Văn Siêm - Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Duy Hải, nguồn lợi hải sản ở cả tuyến ven bờ và lộng đều suy giảm nghiêm trọng, các chuyến biến của ngư dân trên địa bàn thất thu, thua lỗ liên tục. Ngư dân hiện nay chỉ hoạt động cầm chừng. Nhiều chủ phương tiện nhỏ bắt buộc phải tiếp tục đi khai thác hải sản vì chưa có sinh kế thay thế.

“Trên địa bàn có 123/133 phương tiện hoạt động ở ven bờ và tuyến lộng gây áp lực lên nguồn lợi hải sản. Để bảo vệ môi trường sinh thái biển và giúp ngư dân có kế sinh nhai ổn định hơn, rất cần chuyển nghề. Nhà nước có thể giúp ngư dân đánh bắt hải sản thân thiện hoặc sang làm nghề khác” - ông Siêm nói.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, số lượng tàu thuyền có chiều dài dưới 15m toàn tỉnh là 2.067 chiếc (hơn 76% tổng số phương tiện đánh bắt hải sản), trong đó phần lớn hành nghề lưới kéo, pha xúc hủy diệt nguồn lợi.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện nay các nước trên thế giới đang có xu hướng giảm cường lực khai thác hải sản, đặc biệt rất nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia cấm hẳn nghề lưới kéo khai thác ở vùng ven bờ.

Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và đang tiến hành thực hiện “Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Trong chiến lược và quy hoạch tổng thể đều hướng tới giảm số lượng tàu khai thác nên Quảng Nam đang xây dựng đề án để trình UBND tỉnh tham mưu HĐND tỉnh thông qua, qua đó tập trung chuyển nghề cho đội tàu khai thác ven bờ, nhất là nghề lưới kéo và pha xúc.

Hỗ trợ chuyển nghề thế nào?

Trong số các nghề đánh bắt hải sản ven bờ của Quảng Nam, có 2 nghề khá thân thiện với môi trường biển là nghề câu và lồng bẫy. Theo ông Ngô Tấn, cần hỗ trợ một lần cho ngư dân theo nghề lưới kéo, pha xúc để đầu tư ngư lưới cụ chuyển sang 2 nghề không gây áp lực cho vùng bờ như đã nêu.

Đối với phương tiện có chiều dài từ 12m đến dưới 15m, hỗ trợ chuyển sang nghề câu không quá 50 triệu đồng/ phương tiện; chuyển sang nghề lồng bẫy với mức không quá 100 triệu đồng/phương tiện.

Đối với tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m, hỗ trợ chuyển sang nghề câu tối đa không quá 30 triệu đồng/ phương tiện; hỗ trợ chuyển sang nghề lồng bẫy không quá 50 triệu đồng/phương tiện.

Một cách thức khác là hỗ trợ ngư dân chuyển từ nghề khai thác hải sản tác động xấu đến môi trường sang nghề cá giải trí hay phục vụ du lịch. Ngư dân được hỗ trợ cải hoán cho phương tiện có chiều dài từ 12m đến dưới 15m với mức không quá 50 triệu đồng/ phương tiện và mức hỗ trợ tối đa không quá 30 triệu đồng/ phương tiện có chiều dài từ 6m đến dưới 12m.

Đề án cũng quy định điều kiện để ngư dân được hỗ trợ. Đó là phương tiện đã đăng ký tại tỉnh; được cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận phương án chuyển nghề; đã hoàn thành thanh lý hoặc tiêu hủy các loại ngư cụ, trang thiết bị trước khi chuyển đổi nghề; các loại ngư cụ chuyển đổi mới phải đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật theo quy định; chủ phương tiện phải cam kết sử dụng ngư cụ chuyển đổi được lắp đặt trên phương tiện kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ theo quy định.

Chủ phương tiện phải hoàn thành thủ tục liên quan đến cấp phép khai thác hải sản khi chuyển đổi nghề. Riêng đối với các phương tiện chuyển sang nghề cá giải trí phải là thành viên và hoạt động trong khu bảo tồn biển hoặc khu bảo vệ nguồn lợi, khu vực được công nhận và giao quyền quản lý bảo vệ nguồn lợi.

NGUYỄN QUANG