Nuôi tôm cỡ lớn, lợi nhuận cao
Tôm nuôi thu hoạch cỡ lớn có giá cao hơn gấp 1,5 - 2 lần so với tôm cỡ nhỏ. Cùng số lượng tôm giống thả nuôi, tôm cỡ lớn khi thu hoạch còn tăng sản lượng nên người nuôi có lãi cao hơn gấp nhiều lần.
Thắng lợi với tôm cỡ lớn
Một số hộ nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn huyện Núi Thành nghe tin ông Trần Công Thành (thôn Hòa An, xã Tam Hòa, Núi Thành) thắng lớn với tôm cỡ 20 con/kg đã đến tham quan, học hỏi.
Đến tham quan mô hình, ông Trương Công Nhị (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa) cho biết, nuôi tôm hơn 20 năm qua, chưa hình dung tôm thẻ chân trắng có thể đạt kích cỡ 20 con/kg. “Trước đây tôi nuôi tôm sú vốn to khỏe, mập mạp hơn tôm thẻ chân trắng, tôm sú khủng nhất chỉ đạt 25 con/kg” - ông Nhị nói.
Thực trạng giá tôm nguyên liệu xuống thấp, chi phí đầu vào tăng từ đầu năm đến nay đã khiến các hộ nuôi tôm sụt giảm lợi nhuận và vẫn loay hoay giải bài toán thu nhập với các cỡ tôm vừa và nhỏ. Bởi vậy, nhiều người nuôi tôm khá bất ngờ và thán phục khi ông Thành nuôi tôm thẻ chân trắng đạt 20 con/kg.
Ông Văn Công Quảng (thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến, Núi Thành) nói: “Tôm lớn có nhu cầu tiêu thụ cao. Ở thị trường khách sang, người tiêu dùng cực kỳ thích và sẵn sàng chi tiền cao hơn để mua. Để nuôi được những con tôm cỡ lớn rất khó bởi tác động tiêu cực của thời tiết và môi trường. Tôi nghĩ mình cần rất nhiều yếu tố mới mong thực hiện theo hướng này”.
Ông Trần Công Thành cho biết, hiện ông có 4 ao nuôi đang có tôm đạt cỡ 20 con/kg và 5 ao nuôi đang có tôm đạt cỡ 25 con/kg (dự tính tiếp tục nuôi để đạt cỡ 20 con/kg), có thể cho lãi hàng tỷ đồng. Theo tìm hiểu, kích cỡ tôm thẻ chân trắng 100 con/kg hiện nay có giá 80 nghìn đồng/kg, tôm cỡ 25 con/kg có giá 220 nghìn đồng/kg, tôm cỡ 20 con/kg có giá 250 nghìn đồng/kg.
Đâu là bí quyết?
Ông Trần Công Thành cho biết, luôn tìm mọi cách để nuôi tôm lớn, kể cả sang Thái Lan học hỏi kinh nghiệm. Để có tôm giống chất lượng tốt, ông Thành lựa chọn C.P là doanh nghiệp hàng đầu hiện nay. Tôm giống sau kiểm dịch đạt, ông Thành bố trí nuôi ương giai đoạn 1 ở các ao lớn được bố trí riêng biệt, cách ly với môi trường bên ngoài.
Sau khoảng 20 ngày ương nuôi giai đoạn 1, ông chuyển qua nuôi giai đoạn 2 với các điều kiện chặt chẽ về nguồn nước lắng, lọc, xử lý chất thải, thức ăn và chế độ chăm sóc tôm 24/7.
Sau 20 ngày nuôi ương giai đoạn 2, ông Thành chuyển sang nuôi tôm thương phẩm ở giai đoạn 3 với mật độ thả tôm 100 con/m2. Các chế độ dinh dưỡng, quản lý nguồn nước, kiểm soát môi trường và thức ăn cũng được thực hiện kín kẽ.
Sau 30 ngày nuôi giai đoạn 3, ông Thành chuyển tôm sang giai đoạn 4, tăng mạnh dinh dưỡng trong thức ăn, tăng canxi để tôm lột vỏ tốt, chóng lớn, các chế độ lọc nước, kiểm soát môi trường chỉn chu.
“Nhìn vào vỏ tôm khi thu hoạch có màu xanh trong và rất dày, người mua biết tôm giàu chất đạm, không có dư lượng kháng sinh, đảm bảo nghiêm ngặt an toàn thực phẩm” - ông Thành nói.
Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam đánh giá cao mô hình nuôi tôm đạt cỡ lớn của ông Thành. Theo ông Long, có 5 tiêu chí để nuôi tôm thắng về kích cỡ gồm tôm giống chất lượng; kiểm soát môi trường tốt; chế độ dinh dưỡng hợp lý; bổ sung men, khoáng chất, vitamin; quản lý tốt các giai đoạn nuôi tôm, nhất là ở giai đoạn cuối cùng không ham thả mật độ cao.
“Quảng Nam phát triển nuôi tôm bền vững nên rất khuyến khích cách làm hay, tổ chức sản xuất khoa học để đạt đến đích là tôm lớn, chất lượng, an toàn thực phẩm. Để có thể đồng bộ các khâu trong nuôi tôm, đòi hỏi người nuôi tôm phải huy động được nguồn lực lớn đầu tư” - ông Long nói.