Ngăn chặn tình trạng tàu cá mất kết nối hành trình

NGUYỄN QUANG 21/09/2023 10:16

Tháng 10 tới, dự kiến đoàn công tác của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra thực hiện các khuyến nghị về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không đúng quy định (IUU) để gỡ “thẻ vàng” thủy sản từ năm 2017. Để khắc phục vi phạm IUU, Quảng Nam triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng tàu cá mất kết nối hành trình trên biển.

Kiểm tra các hồ sơ, sổ sách nghề cá Quảng Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng còn bất cập, yêu cầu các ngành chức năng khắc phục. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Kiểm tra các hồ sơ, sổ sách nghề cá Quảng Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng còn bất cập, yêu cầu các ngành chức năng khắc phục. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Hơn 1,1 tỷ đồng xử phạt

Chúng tôi có mặt tại Trung tâm Điều hành giám sát hành trình (GSHT) tàu cá đặt tại Chi cục Thủy sản Quảng Nam. Tại đây, qua các máy tính kết nối, nhận thấy rõ hải trình của các tàu cá cách đất liền cả nghìn hải lý giáp vùng biển nước ngoài.

Muốn kiểm tra bất cứ tàu cá nào, cán bộ phụ trách nhấp chuột, mọi thông số về ký hiệu, tải trọng, tên thuyền trưởng, chủ phương tiện, địa chỉ, số điện thoại, tàu đang ở kinh độ, vĩ độ nào đều hiện rõ trên màn hình.

Khi nhận biết một tàu cá sắp sửa đi ra ngoài phạm vi vùng biển Việt Nam, cán bộ thủy sản liên lạc yêu cầu chủ phương tiện quay trở lại. Nhiều tàu cá nhận tín hiệu và nhanh chóng trở về sản xuất ở vùng biển nước ta.

“Qua trung tâm điều hành GSHT tàu cá, chúng tôi có toàn bộ tín hiệu về các tàu cá, cả số tàu đang chạy ngoài biển và neo đậu trong bờ. Khi yêu cầu quay trở lại vùng biển Việt Nam mà chủ tàu hay thuyền trưởng không thực hiện thì chúng tôi sẽ xử phạt theo quy định thông qua căn cứ vào dữ liệu máy tính” - ông Nguyễn Hữu Trường, Trưởng phòng Thanh tra - kiểm ngư (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) nói.

Quảng Nam hiện có 3 trung tâm điều hành GSHT tàu cá đặt tại Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng tỉnh và Văn phòng Kiểm soát nghề cá (xã Tam Quang, Núi Thành).

Theo quy định, trường hợp thiết bị GSHT không may bị hỏng, thuyền trưởng phải sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc báo cáo vị trí tàu cá về Trung tâm Điều hành GSHT và phải đưa tàu về cảng sửa chữa trong 10 ngày kể từ khi thiết bị hỏng. Đáng nói, có rất nhiều trường hợp thuyền trưởng, chủ tàu cố tình tắt hoặc vô hiệu hóa GSHT để vượt ranh giới khai thác ngoài vùng biển Việt Nam.

Căn cứ vào dữ liệu của Trung tâm Điều hành GSHT tàu cá, từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản đã xử phạt 34 trường hợp với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng, trong đó có nhiều trường hợp lặp lại sai phạm trên.

Quảng Nam có 648 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên (sản xuất ở vùng biển xa bờ) bắt buộc phải lắp đặt, vận hành thiết bị GSHT. Đến nay đã có 641 tàu đã lắp đặt GSHT nhưng trong số đó có không ít tàu mất kết nối hành trình do yếu tố khách quan.

Ngư dân Phan Trinh (thôn Đông An, xã Tam Giang, Núi Thành) - chủ tàu câu mực khơi QNa-91892 cho biết, thỉnh thoảng GSHT bị lỗi kỹ thuật, mất kết nối. Bám biển quanh năm, ít thời gian nhưng khi liên hệ với đại lý cung cấp thì việc bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa GSHT rất chậm, không đảm bảo chất lượng.

“Mong các cơ quan can thiệp để đơn vị cung cấp GSHT tăng trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng sau khi bán thiết bị chứ không thể thả nổi ngư dân tự lo” - ông Trinh nói.

Kiểm soát chặt tàu cá

Do EC sắp sửa sang nước ta để kiểm tra gỡ “thẻ vàng” thủy sản nên việc kiểm soát chặt nghề cá đặt ra cấp thiết. Tại buổi làm việc của đoàn công tác Bộ NN&PTNT với UBND tỉnh mới đây, ông Nguyễn Quang Hùng - Cục trưởng Cục Kiểm ngư yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương có nghề cá giám sát chặt vị trí 7 tàu cá chưa lắp đặt GSHT, nhất quyết không cho ra khơi, chỉ cho ra khơi khi lắp đặt xong và vận hành GSHT.

Ông Hùng yêu cầu các lực lượng chức năng của tỉnh tăng cường xử lý, xử phạt thật nghiêm trường hợp ngư dân tháo thiết bị GSHT đưa sang tàu cá khác, mua bán thiết bị dây niêm phong kẹp chì để nhằm che giấu hành vi vi phạm.

Yêu cầu ngành thủy sản phối hợp với các đơn vị cung cấp GSHT nhanh chóng xác minh mất kết nối để sửa chữa kịp thời. Đối với tàu cá cố tình ngắt kết nối GSHT thì tiếp tục tuyên truyền đi đôi với xử phạt nghiêm minh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu giao Công an tỉnh triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các chủ tàu, thuyền trưởng, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái pháp luật và môi giới chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước trái phép.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến ghi nhận những nỗ lực của Quảng Nam để cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Tuy nhiên với những bất cập còn tồn tại, ông Tiến yêu cầu cần cố gắng hơn nữa khắc phục, để khi đợt thanh tra lần thứ 4 của EC vào tháng 10 tới sẽ không lúng túng, bị động.

Đặc biệt là công tác quản lý tàu cá phải chặt chẽ. Ngành thủy sản cần sâu sát chỉ đạo, hướng dẫn ngư dân ghi nhật ký khai thác đầy đủ, chính xác; kiểm tra, rà soát lại việc đăng kiểm tàu cá; xử phạt hành chính đúng hành vi, đúng mức phạt. Quảng Nam cần quan tâm và có cơ chế đầu tư cho hệ thống hạ tầng thủy sản để thuận lợi trong quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc hải sản vì mục tiêu phát triển bền vững.

NGUYỄN QUANG