Phát triển nghề cá bền vững còn xa
(QNO) - Kết luận buổi làm việc với UBND tỉnh sáng nay (15/9) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không đúng quy định (IUU) để thực hiện các khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC) về gỡ “thẻ vàng” thủy sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, Quảng Nam đã rất nỗ lực đạt được nhiều thành quả nhưng nhìn chung nghề cá còn nhiều “khoảng trống” cần bù đắp để phát triển bền vững.
Phối hợp chặt chẽ chống khai thác IUU
Ông Nguyễn Quang Hùng - Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) đánh giá cao Quảng Nam hiện nay 100% tàu cá đã thực hiện sơn màu cabin tàu để đánh dấu tàu cá theo đúng quy định. Tất cả tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên (1.377 tàu cá) đã được đăng ký (đạt 100%).
Trung tâm Đăng kiểm tàu cá & quản lý cảng cá tỉnh đã xây dựng quy trình kiểm tra tàu thuyền và giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng. Thực hiện các nhiệm vụ giám sát bốc dỡ thủy sản qua cảng; thu, nhận nhật ký khai thác, nhật ký thu mua chuyển tải; xác nhận nội dung tàu cá xuất bến, cập bến tại sổ danh bạ thuyền viên tàu cá đúng với thực tế hành trình tàu cá.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến biểu dương các cơ quan của tỉnh đã đồng bộ vào cuộc, phối hợp chặt chẽ thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác IUU.
Theo đó, Sở NN&PTNT đã ban hành quy chế làm việc của Văn phòng kiểm soát nghề cá tại xã Tam Quang (Núi Thành), nhờ đó tăng cường giám sát tàu cá, ngăn ngừa các hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài. Đã thực hiện phân quyền quản lý khai thác, sử dụng, xử lý dữ liệu giám sát tàu cá cho các đơn vị liên quan để phục vụ theo dõi hoạt động tàu cá, xác nhận thủy sản, phòng chống thiên tai, xử lý tranh chấp trên biển.
Đến nay Chi cục Thủy sản đã phân công phòng chuyên môn tổ chức trực theo dõi, giám sát, phối hợp xử lý thông tin tàu cá mất tín hiệu kết nối trên biển, tàu cá vi phạm vùng khai thác hải sản. Trang thiết bị phục vụ tổ chức trực theo dõi, giám sát tàu cá đầy đủ.
Văn phòng kiểm soát nghề cá có lịch cụ thể, trực 24/7 tất cả ngày trong tuần với sự tham gia đầy đủ của 3 lực lượng Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng và quản lý cảng cá.
Cần phát triển bền vững
Ông Vũ Duyên Hải - Trưởng phòng Khai thác thủy sản Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, Quảng Nam cần tăng cường kiểm soát sản lượng hải sản bởi phần lớn hải sản ngư dân đánh bắt được không bốc dỡ qua cảng mà bốc dỡ qua bến cá.
Nhiều tàu cá mất kết nối trên biển là vi phạm lớn về IUU, cần khắc phục ngay. Ngư dân ghi nhật ký khai thác theo kiểu đối phó, ngành thủy sản cần trích dữ liệu giám sát hành trình tàu cá để cho ngư dân thấy, từ đó chuyển biến ý thức, ghi nhật ký bài bản theo đúng trách nhiệm.
Ông Nguyễn Quang Hùng cho rằng, nghề cá ven bờ Quảng Nam chiếm đến 76% là quá lớn. Tỉnh cần căn cứ vào đề án chuyển đổi nghề cho ngư dân được Bộ NN&PTNT xây dựng để chuyển đổi nghề thành công, giảm thiểu khai thác ven bờ, bảo vệ nguồn lợi hải sản. Quảng Nam có 2 cảng cá chỉ định có thể lên hải sản 16 nghìn tấn nhưng sản lượng ngư dân khai thác được hằng năm lên đến hơn 90 nghìn tấn là bất cập.
Hạ tầng nghề cá cần được đầu tư, nâng cấp, tỉnh tập trung cho các cảng cá loại 3, Trung ương sẽ hỗ trợ đầu tư các cảng cá loại 1, loại 2. Đăng kiểm tàu cá còn hạn trên phần mềm là 256/1.377 tàu cá là quá thấp. Có đến 1.338 tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m nhưng mới chỉ có 178 tàu đã được đăng ký là quá bất cập. Ngành thủy sản, các địa phương ven biển cần khẩn trương thống kê, kiểm tra hiện trạng để thực hiện đăng ký tàu cá.
“Theo quy định tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên bắt buộc phải cập cảng cá chỉ định để bốc dỡ hải sản. Quảng Nam cần xử lý nghiêm bởi có nhiều sai phạm. Đối với 7 tàu chưa có giám sát hành trình thì tuyệt đối không cho phép ra khơi. Đối với các tàu vượt ranh giới cho phép trên biển phải xử lý nghiêm theo quy định để răn đe” - ông Hùng nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, nghề cá có trách nhiệm không thể cho phép ngư dân ghi nhật ký khai thác đối phó, vô tội vạ. Giám sát nghề cá qua cảng và truy xuất nguồn gốc hải sản sau khai thác của Quảng Nam còn yếu kém. Cập nhật số lượng tàu thuyền ở vùng bờ vào cơ sở dữ liệu quốc gia mới chỉ đạt 13,3% là điểm nghẽn quá lớn.
“Nghề cá bền vững không thể chấp nhận những lỗ hổng quá lớn về đăng kiểm, đăng ký và giấy phép tàu cá. Quảng Nam cần phải bù đắp ngay các “khoảng trống” để kiện toàn lại nghề cá” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.