Cần hỗ trợ ngư dân chuyển nghề giã cào
Thời gian gần đây, cộng đồng cư dân ven biển Quảng Nam phản ánh tàu giã cào hoành hành gây nhiều hệ lụy. Kiểm soát, hỗ trợ chuyển nghề giã cào đang là bài toán không dễ.
“Hung thần” trên biển
Cư dân xã đảo Tam Hải (Núi Thành) chủ yếu sinh sống bằng các nghề khai thác hải sản ven bờ. Nhiều ngư dân cho biết, sinh kế gặp vô vàn khó khăn do ngư lưới cụ bị các tàu giã cào tàn phá. Đáng nói, các tàu giã cào hầu hết công suất lớn, theo quy định phải đánh bắt hải sản ở tuyến xa bờ và tuyến lộng thì lại ngang nhiên trái tuyến ở vùng ven bờ.
“Tàu giã cào là hung thần trên biển, hủy hoại môi trường trường biển, tận diệt nguồn lợi hải sản, lại còn phá hỏng ngư lưới cụ của những thuyền công suất nhỏ. Chúng tôi đã báo cáo với ngành thủy sản huyện, tỉnh và lực lượng biên phòng tuyến biển nhưng chưa chuyển biến được” - ông Phan Công Tuấn (thôn Đông Tuần, xã Tam Hải) nói.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh có 186 phương tiện hành nghề giã cào, trong đó có 42 thuyền nhỏ giã cào được phép hoạt động ở ven bờ; còn 144 tàu lớn phải đánh bắt ở tuyến lộng và xa bờ nhưng lại thường xuyên hoạt động trái tuyến.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, một mặt Quảng Nam phải tăng cường phát hiện, xử lý mạnh, răn đe các tàu giã cào đánh bắt hải sản trái phép; mặt khác đẩy nhanh thành lập, đưa các khu bảo tồn biển đi vào hoạt động; cùng với đó là giảm thiểu nghề đánh bắt hải sản, chuyển dần sang xu thế nuôi biển.
Ông Trần Minh Tập - Trưởng thôn Thuận An (xã Tam Hải) cho biết, trên địa bàn có hàng trăm hộ dân đánh bắt cá nhỏ. Những ngày qua, tàu giã cào hoành hành trái phép đã khiến cho lưới của người dân bị rách không vá được, trong khi nhiều hộ không có vốn để đầu tư mới lưới và ngư cụ. Ngư dân địa phương mong ngành chức năng kiểm soát, xử lý tàu giã cào khai thác trái phép.
Nghề giã cào, nhất là giã cào đôi hành nghề bằng cách thả ngư lưới cụ xuống đáy biển rồi nổ máy cho tàu kéo lưới đi. Do phạm vi của lưới bao gồm cả tầng đáy, tầng mặt nên hải sản to nhỏ đều bị thâu tóm, san hô bị phá vỡ, hệ sinh thái ven biển bị bức hại.
Ngư dân H.V.T - một chủ tàu giã cào ở xã Tam Quang, Núi Thành, cho hay, ông biết rất rõ nguy hại tàn phá của nghề nhưng chưa thể chuyển sang nghề khai thác hải sản khác thân thiện hơn vì không đủ vốn.
“Chỉ riêng mua ngư lưới cụ cho nghề lưới vây, lưới chụp, lưới rê đều phải tốn hàng trăm triệu đồng. Mong Nhà nước hỗ trợ chứ tự thân chúng tôi không đủ lực để chuyển nghề giã cào được” - ông T. nói.
Kiểm soát chặt và hỗ trợ chuyển nghề
Xã ven biển Tam Tiến (Núi Thành) là địa phương có tàu hành nghề giã cào nhiều nhất tỉnh, với hơn 70 chiếc. Ông Nguyễn Xuân Uy - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết, từ khi Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi hải sản rạn Bà Đậu đi vào hoạt động hồi tháng 11/2022, nhờ vận động nên một số chủ tàu giã cào đã chuyển sang đầu tư đánh bắt hải sản bằng các nghề lưới vây cá cơm, lưới vây ánh sáng, lưới chụp.
“Chúng tôi mong ngành thủy sản tham mưu Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh cơ chế hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các chủ tàu giã cào. Tôi thấy ở nhiều tỉnh thành trên cả nước hỗ trợ với các mức 50 triệu đồng, 100 triệu đồng… cho các tàu giã cào công suất khác nhau đầu tư lại nghề khai thác hải sản thân thiện” - ông Uy nói.
Tương tự, bà Trần Thị Hồng Thúy - Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm - Hội An cho rằng, không có cơ chế, chính sách hỗ trợ đi vào đời sống của ngư dân theo nghề giã cào thì khó có chuyển biến về tận diệt nguồn lợi, sinh thái, môi trường biển.
“Trước đây ở Cù Lao Chàm có nhiều ngư dân sở hữu tàu giã cào. Nhờ chính sách hỗ trợ thiết thực, các ngư dân đó chuyển nghề sang làm du lịch, làm homestay, các dịch vụ lặn biển, ngắm san hô, tham gia trong tổ cộng đồng bảo vệ biển và đánh bắt hải sản với nghề cá khác theo đúng quy định” - bà Thúy nói.
Theo kế hoạch phát triển ngành thủy sản Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, chủ trương của tỉnh là giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ nghề giã cào. Các giải pháp về chuyển đổi nghề giã cào đã được nêu ra, tuy nhiên ngư dân cần là hỗ trợ vốn thì không có.
Đáng nói hơn, ngành thủy sản không cấp giấy phép để hạn chế nghề giã cào nhưng không hiệu quả, trái lại nhiều ngư dân mua tàu cá ở tỉnh khác về rồi đăng ký đánh bắt hải sản bằng các nghề khác nhưng thực chất là giã cào trá hình.
Ông Phạm Văn Khải - ngư dân thâm niên nghề lưới Bạc Liêu ở thôn Trà Đông (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) nêu ý kiến: “Hoạt động tuần tra, kiểm soát của ngành thủy sản cần đi vào thực chất hơn. Chúng tôi báo cáo nhiều nhưng nghề giã cào vẫn là hung thần trên biển, nhất là khu vực ven bờ, gây hiểm họa cho nghề cá. Rất khó để phát triển nghề cá bền vững”.
Ông Võ Văn Long - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản nói: “Biên chế thiếu, không có tàu kiểm ngư, phụ thuộc vào tuần tra của ngành biên phòng nên gặp khó trong tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý các hành vi khai thác hải sản trái phép. Thời gian đến chúng tôi sẽ tham mưu Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh có hỗ trợ thiết thực cho chuyển nghề giã cào của ngư dân”.
Vậy nên, đến bao giờ mới khống chế được tàn phá của tàu giã cào là chuyện... còn xa.