Nghề câu cá hố thất thu
Những chuyến biển thất thu liên tiếp thời gian qua khiến nhiều chủ tàu câu cá hố bỏ nghề.
Nguy cơ “xóa sổ”
Trên địa bàn xã Duy Hải (Duy Xuyên) chỉ còn 1 tàu câu cá hố nhưng hoạt động cầm chừng. Đó là tàu QNa-92463 công suất 420CV của ngư dân Lê Chi (thôn An Lương, xã Duy Hải). Ông Chi cho biết, đang vụ chính nhưng đi 2 chuyến thua lỗ nên cho tàu nằm bờ.
Theo ông Trần Văn Siêm - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải, trước đây trên địa bàn có khoảng 20 tàu câu cá hố. Cá hố được giá nên trước đây với những chuyến biển đạt sản lượng, ngư dân có thu nhập cao.
Vài năm trở lại đây, cá hố hiếm gặp ở cả tuyến lộng và xa bờ nên nhiều chủ tàu bỏ nghề. Nếu ngư dân câu cá hố và kiêm thêm nghề khác thì có thể thay phiên nghề này nghề kia bám biển. Do tích lũy vốn ít mà đầu tư ngư lưới cụ cho nghề khác quá tốn kém nên có thể sang năm nghề câu cá hố không còn trên địa bàn xã.
Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh đạt 56 nghìn tấn (đạt 58,95% kế hoạch). Trong 2 quý cuối năm 2022, ngành thủy sản đã xét duyệt hồ sơ, phối hợp với ngành tài chính giải ngân hơn 23 tỷ đồng hỗ trợ nhiên liệu đi và về của chuyến biển giúp ngư dân kiên tâm bám biển. Ngành thủy sản đang xét duyệt hồ sơ để hỗ trợ nhiên liệu trong 2 quý đầu năm 2023.
Không chỉ sụt giảm về sản lượng, giá cá hố hiện nay giảm mạnh so với trước đây. Ngư dân Phạm Lào (khối phố Phước Hải, Cửa Đại, Hội An) - chủ tàu QNa-92468 cho biết, giá cá hố câu khơi hiện nay chỉ còn ở mức hơn 100 nghìn đồng/kg, trong khi đó 2 - 3 năm trước ở mức xấp xỉ 200 nghìn đồng/kg.
Sản xuất thua lỗ, ông Lào cầm cự bám biển bằng cách chuyển sang câu cá mú, cá hồng nhưng nhiều chuyến biển cũng thất thu. “Nghề câu đã đuối rồi. Tôi tính lên bờ lao động bằng nghề khác để kiếm sống” - ông Lào nói.
Ông Lê Công Sỹ - Chủ tịch UBND phường Cửa Đại cho biết, trước đây cá hố là mặt hàng xuất khẩu rất có giá trị, ngư dân ăn nên làm ra với nhiều chuyến biển đạt sản lượng. Những năm trước, Cửa Đại có đến cả trăm tàu câu cá hố nhưng nay chỉ còn vài ba ngư dân câu cá hố theo kiểu được chăng hay chớ.
Trăn trở giữ nghề
Câu cá hố là nghề truyền thống. Các ngư dân có thâm niên của xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên) cho biết, cá hố sống ở tầng đáy, cách mặt nước biển đến vài trăm mét. Để đánh bắt cá hố, ngư dân chủ yếu dùng nghề câu khơi. Cá hố khi trưởng thành thông thường có chiều dài hơn 1m, nặng khoảng 1kg. Cá hố được thị trường ưa chuộng vì thịt đạt chất lượng.
Ngư dân Nguyễn Bằng (thôn Hội Sơn, xã Duy Nghĩa) cho biết, hơn 20 năm trước ông đi câu cá hố trên những con tàu nhỏ. Hồi đó củ yếu nhờ kinh nghiệm “đọc thời tiết” để nhìn con nước, đoán hướng gió mà tìm luồng cá hố giữa biển cả mênh mông. Khi đến khu vực biển có luồng cá hố hoạt động, giăng câu bủa hàng chục lưỡi trong 1 vàn. Thức ăn cá hố chủ yếu là mực, khi hết mực, ngư dân có thể dùng cá nục để câu.
“Giờ có máy dò cá, máy định vị, định dạng hỗ trợ nghề câu cá hố. Vậy nhưng ngư dân thu được sản lượng ít ỏi. Nếu nghề này tàn lụi thì rất tiếc” - ông Bằng nói.
Hầu hết địa phương mong muốn ngành thủy sản trợ giúp ngư dân giữ nghề truyền thống câu cá hố. Ngư dân rất khó chuyển nghề câu cá hố sang nghề khác vì thiếu nguồn lực đầu tư ngư lưới cụ khác.
Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, ngư dân câu cá hố tùy theo công suất máy thủy được hỗ trợ nhiên liệu đi và về của chuyến biển với mức tối đa là 400 triệu đồng/tàu/năm.
Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) luôn có các bản tin dự báo ngư trường có nhiều hải sản hoạt động, trong đó có nguồn lợi cá hố nên các chủ tàu câu cá hố cần truy cập để tiếp cận phục vụ đánh bắt hải sản hiệu quả.
Trong bối cảnh chung hàng hóa tăng giá, nhất là xăng dầu kéo chi phí đầu vào tăng cao khiến ngư dân theo nghề câu cá hố gặp khó. Ngư dân cần đảm bảo các điều kiện để được hỗ trợ dầu, tiếp thu hỗ trợ về ngư trường khai thác cá hố đồng thời phát huy kinh nghiệm, tính cần cù, năng động để câu cá hố hiệu quả.