Ngư dân Núi Thành được mùa mực xà
Hai nghề chủ lực của ngư dân huyện Núi Thành là câu mực khơi và lưới chụp hiện đều được mùa mực xà. Nhờ khơi thông đầu ra, mực xà bán chạy với giá cao đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho ngư dân.
Tín hiệu vui
Hàng loạt tàu câu mực khơi cập cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, Núi Thành) để bán sản phẩm cho tư thương. Ngư dân Lương Văn Tới (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang) - chủ tàu câu mực khơi QNa-90668 cho biết, về bờ sau gần 3 tháng câu mực khơi ở ngư trường Trường Sa, tàu thu được 40 tấn mực xà phơi khô.
“Thu được 5 tỷ đồng sau 1 chuyến biển là thành quả rất lớn. Tôi có tiền tỷ còn 50 bạn biển được chia 40 triệu đồng/người. Sau chuyến thứ 2 này, chúng tôi còn thực hiện 2 chuyến biển nữa trong năm nay” - ông Tới nói.
Ngư dân theo nghề câu mực khơi và lưới chụp trên địa bàn huyện Núi Thành vừa tích lũy kinh nghiệm vừa đầu tư máy dò hải sản nên phát hiện được ngư trường có nhiều mực xà hoạt động tạo ra mùa khai thác mực xà đạt năng suất, sản lượng cao. Từ đầu năm đến nay, thời tiết trên biển ổn định, chưa có tai nạn hay sự cố xảy ra với các ngư dân câu mực khơi và nghề lưới chụp.
Ở cảng cá xã Tam Quang, nhiều tàu lưới chụp của ngư dân Núi Thành cũng cập bờ những ngày qua để bán mực xà. Ngư dân Phạm Thanh Liêm (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, Núi Thành) - chủ tàu lưới chụp QNa-90316 cho biết, chuyến biển 25 ngày ở vùng biển Hoàng Sa với 15 lao động thu được 10 tấn mực khô bán được hơn 1,5 tỷ đồng. Chủ tàu có nguồn thu nhập 600 triệu đồng, mỗi bạn biển được chia hơn 20 triệu đồng/người.
Ông Liêm nói: “Thời điểm này trời nắng, tôi và các bạn biển tranh thủ phơi khô mực xà. Còn sang mùa mưa chúng tôi bảo quản mực tươi trong các hầm lạnh, sản lượng ít hơn nhưng giá bán cao hơn nên thu nhập vẫn ổn định”.
Núi Thành là địa phương trọng điểm nghề cá của tỉnh khi mỗi năm cung cấp sản lượng 30 - 40 nghìn tấn hải sản. Các nghề khai thác hải sản chủ lực của địa phương là lưới vây, câu mực khơi và lưới chụp.
Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành nói, cộng đồng ngư dân trên địa bàn năng động, cần cù bám biển. Các nghiệp đoàn nghề cá, tổ, đội đoàn kết đánh bắt hải sản được ngư dân thành lập hoạt động quy củ, tương trợ nhau bám biển và tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là hỗ trợ nhiên liệu đi và về của chuyến biển.
Thời gian qua, ngư dân ứng dụng thiết bị, máy móc, hàng hải tiên tiến làm trợ lực cho quá trình bám biển quanh năm. Rất mừng khi các chủ tàu và bạn biển duy trì nguồn thu nhập khá thời gian qua.
Khơi thông đầu ra
Theo ông Phạm Văn Châu - Chủ tịch UBND xã Tam Giang, điệp khúc mực xà “được mùa mất giá” kéo dài nhiều năm trước khiến ngư dân rất đau đầu. Chính quyền xã đã hỗ trợ ông Phan Bá Minh - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & tổng hợp Tâm Lộc xây dựng sản phẩm OCOP mực xà tẩm ướp gia vị để giúp ngư dân khơi thông đầu ra và tăng giá trị sản phẩm mực xà qua chế biến.
Đến nay, sản phẩm OCOP mực xà tẩm ướp gia vị có đầu ra ổn định, được thị trường đón nhận. Ông Minh đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, thu mua lượng lớn mực xà ngư dân trên địa bàn khai thác được với mức giá cao hơn mặt bằng thị trường.
Tại cảng cá An Hòa và cảng cá xã Tam Quang hiện nay có nhiều tư thương ở huyện Núi Thành và tỉnh bạn Quảng Ngãi thu mua mực xà để xuất khẩu sang Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan.
Ông Lương Chính - tư thương thu mua mực xà đến từ huyện Bình Chánh (Quảng Ngãi) cho biết: “Tính ra giá mực xà mình bán xuất khẩu đến Thái Lan, Trung Quốc vẫn rẻ hơn so với các nước khác. Đơn hàng nhiều nên chúng tôi vừa thu mua mực xà của ngư dân Quảng Ngãi vừa thu mua của ngư dân Quảng Nam. Chúng tôi ăn nên làm ra, mực xà của ngư dân Quảng Nam cũng được khơi thông thị trường với giá cao” - ông Chính nói.
Ông Nguyễn Văn Lúc - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Giang cho biết, trên địa bàn hiện có 50 tàu câu mực khơi và 20 tàu lưới chụp. Sản lượng đánh bắt mực xà từ đầu năm đến nay đạt gần 8 nghìn tấn, cao hơn 1 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước.
Ông Ngô Văn Định - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá & quản lý cảng cá Quảng Nam cho biết, tàu câu mực khơi, lưới chụp liên tục cập 2 cảng cá An Hòa và Tam Quang bán mực xà là tín hiệu vui. Rất đáng mừng là 2 nghề chủ lực của ngư dân huyện Núi Thành phát triển tốt, ngày càng lớn mạnh thêm, đem lại thu nhập khá cho ngư dân.