Đầu tư máy móc hiện đại cho tàu cá xa bờ
Ngư dân huyện Núi Thành đầu tư công nghệ mới, trang bị máy móc, thiết bị cơ giới để hiện đại hóa nghề cá nhằm mục tiêu phát triển bền vững.
Hầm bảo quản hải sản công nghệ mới
Nhiều người ngạc nhiên khi ngư dân trẻ tuổi Trần Công Ba (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) sở hữu 2 tàu công suất lớn hơn 800CV là QNa-91718 và QNa-90318. Mới đây, anh Ba đã trang bị 2 hầm bảo quản hải sản bằng vật liệu PU cho tàu cá QNa-91718.
Theo ngư dân, với hầm bảo quản truyền thống dùng đá xay, ướp muối, hải sản hao hụt lớn, gây lãng phí và hiệu quả kinh tế mang lại sau chuyến biển không cao. Anh Ba liên hệ với Trung tâm Khuyến nông tỉnh và được hỗ trợ 50% chi phí đầu tư công nghệ đóng hầm bảo quản bằng vật liệu PU để giải quyết bất cập trên. Hầm bảo quản bằng vật liệu PU là nhựa tổng hợp dạng bột cứng, có tác dụng cách nhiệt rất tốt.
Huyện Núi Thành hiện có khoảng 400 tàu cá sản xuất xa bờ, chiếm 2/3 số lượng tàu xa bờ toàn tỉnh. Nhiều ngư dân theo nghề câu mực của địa phương thu được hàng tỷ đồng chỉ sau 1 chuyến biển. Năng lực khai thác hải sản tăng lên cùng hệ thống cảng biển đồng bộ với hệ thống dịch vụ hậu cần giúp Núi Thành phát triển nghề cá bền vững.
Ngư dân Trần Công Ba đặt nhiều kỳ vọng vào nghề khai thác hải sản sau khi đầu tư hầm bảo quản PU. Với hầm bảo quản này, thời gian đánh bắt hải sản trên biển có thể tăng từ 10 ngày lên hơn 20 ngày đến 1 tháng; hải sản đạt chất lượng, giảm hao hụt xuống còn dưới 5%, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
“Hầm bảo quản hải sản PU có thể sử dụng được hơn 15 năm còn hầm cũ chỉ sử dụng được 3 - 4 năm. So với phương pháp bảo quản sản phẩm trước đây, hầm bảo quản dùng PU không làm xây xước cá và ngư dân cũng không tốn nhiều nhiên liệu khi phải cho tàu chạy nhanh vào bờ bán hải sản” - anh Ba nói.
Theo ông Lê Văn Hiệp - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, ứng dụng công nghệ hầm bảo quản hải sản PU là giải pháp thiết thực phù hợp với xu thế phát triển của nghề cá công nghiệp cũng như yêu cầu của nghề khai thác hải sản xa bờ. Với công nghệ mới này, chủ tàu có thể tăng thời gian bám biển, giảm chi phí chuyến biển. Khi chất lượng hải sản tăng lên sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển nghề khai thác hải sản bền vững.
Động lực phát triển
Nhằm giảm sức lao động trên tàu cá, cơ giới hóa trong khai thác hải sản, ngư dân Núi Thành đầu tư các loại máy móc, thiết bị cơ khí như máy tời thủy lực thu lưới rê hỗn hợp, thu lưới vây; máy tời dây giềng trên tàu lưới vây.
Đến nay, ngư dân huyện Núi Thành đều sử dụng 4 tăng gông so với 3 trước đây và sử dụng máy tời thủy lực để thu lưới trên hầu hết tàu lưới rê hỗn hợp. Trên tàu lưới vây, ngư dân cải tiến được vàn lưới cao và dài hơn trước đây để tăng sản lượng khai thác của mỗi mẻ lưới. Các kỹ thuật sử dụng đèn led thay thế đèn halogen giúp thu hút cá tập trung, tăng vùng chiếu sáng, tiết kiệm nhiên liệu và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Về trang bị thiết bị điện tử hàng hải, ngư dân các xã Tam Quang, Tam Hải, Tam Giang (Núi Thành) đã áp dụng máy định vị vệ tinh trên tàu cá, máy dò cá bằng sóng siêu âm bên cạnh máy dò đứng, dò ngang và dò chụp. Đồng thời áp dụng ra đa để quản lý lưới, tránh va trên biển.
Ông Nguyễn Quốc Dũng - cán bộ thủy sản của UBND xã Tam Quang cho biết: “Đến nay máy nhận dạng tự động AIS bước đầu được ngư dân ứng dụng để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động trên biển. Ngư dân sử dụng máy thông tin liên lạc sóng ngắn HF, máy thông tin liên lạc tầm trung, tầm xa và áp dụng máy thông tin liên lạc có tích hợp định vị vệ tinh để tối ưu hóa cho nghề cá”.
Dấu hiệu lạc quan là đến nay hầu hết tàu cá sản xuất xa bờ đều trang bị, vận hành giám sát hành trình và thực hiện các khuyến cáo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không đúng quy định của Ủy ban châu Âu về “thẻ vàng” thủy sản.
Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, để phát triển nghề cá bền vững, huyện giảm số tàu khai thác vùng lộng và vùng ven bờ; hạn chế các nghề cá không thân thiện môi trường, sinh thái biển như giã cào, pha xúc. Đồng thời khuyến khích ngư dân phát triển tổ, đội đoàn kết khai thác trên biển để tương trợ nhau khi không may gặp sự cố; từng bước chuyển đổi nghề; đặc biệt tạo chuỗi hải sản khép kín từ khai thác - bảo quản - chế biến - cung ứng ra thị trường.
“Chúng tôi tập trung nguồn lực, triển khai đồng bộ giải pháp ngăn chặn và xử lý tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành thủy sản tỉnh, cảnh sát biển, biên phòng để sử dụng tối ưu các trang thiết bị hiện đại phát hiện sớm những tàu cá có dấu hiệu vi phạm trong khai thác để chấn chỉnh. Việc kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến, nhập bến được chú trọng” - ông Ngô Đức An nói.