Phát triển nuôi biển công nghiệp: Cần chính sách hỗ trợ thiết thực

VIỆT NGUYỄN 12/05/2023 08:00

STP Group vừa bàn giao cụm lồng HDPE để hộ bà Nguyễn Thị Nở (thôn Bình Trung, xã Tam Hải, Núi Thành) nuôi hải sản ở vùng biển Tam Hải. Để mô hình nuôi biển được nhân rộng trên địa bàn tỉnh, qua đó cụ thể hóa chủ trương chuyển đổi từ nuôi biển truyền thống sang nuôi biển công nghiệp, Quảng Nam cần triển khai các chính sách hỗ trợ thiết thực.

Lồng nuôi hải sản HDPE có khả năng thích ứng với gió bão, vừa đảm bảo an toàn cho môi trường biển. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Lồng nuôi hải sản HDPE có khả năng thích ứng với gió bão, vừa đảm bảo an toàn cho môi trường biển. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Lồng nuôi công nghệ cao

Cụm lồng HDPE được STP Group chuyển giao cho hộ bà Nguyễn Thị Nở là cụm 4 và 6 ô lồng vuông, kích thước 5x5m; cụm 4 ô lồng chữ nhật kích thước 5x10m và cụm ô lồng tròn đường kính 12m.

Theo bà Nguyễn Thị Hải Bình - Tổng Giám đốc STP Group, bà Nở được hỗ trợ về vốn (chiết khấu, giảm % so với chi phí đầu tư). Ngoài ra, khi thu hoạch thủy hải sản, bà Nở có thể bán lại cho doanh nghiệp với giá ổn định so với thị trường.

Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích nuôi biển đạt hơn 1.000ha, sản lượng hơn 10.000 tấn; tập trung nuôi cá song, cá chẽm, hồng mỹ, cá đối mục, cá giò, ngao và các loài rong biển, nhuyễn thể; phấn đấu tổng giá trị sản xuất nuôi biển đạt 887 tỷ đồng. Sở NN&PTNT đang phối hợp với các ngành, địa phương tuyên truyền, phổ biến các quy định về nuôi biển; định hướng sử dụng không gian nuôi biển; tập huấn kỹ thuật, tiến bộ khoa học kỹ thuật; dự báo thị trường; kiểm tra chất lượng, kiểm dịch giống nuôi biển…

Bà Bình cho biết, STP Group không phải là doanh nghiệp nông nghiệp mà là doanh nghiệp phụ trợ, nhưng nhìn thấy cơ hội của nghề nuôi biển nên đã mạnh dạn xin cấp mặt biển để nuôi hải sản ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

STP Group tiếp tục xây dựng các chuỗi giá trị nuôi biển, sẵn sàng cung cấp công nghệ lồng nuôi HDPE hiện đại và thu mua sản phẩm hải sản của người dân để chế biến xuất khẩu.

“Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp, người dân để chuyển giao công nghệ nuôi biển hiện đại, phát triển theo hướng công nghiệp, bền vững” - bà Bình nói.

Bà Nguyễn Thị Nở chia sẻ, qua tìm hiểu đã biết được những công năng vượt trội của lồng HDPE là có khả năng thích ứng với gió bão mạnh cấp 10 trở lên, vừa đảm bảo an toàn cho môi trường biển.

Hơn nữa, lồng HDPE giúp tăng khả năng quản lý hệ thống nuôi, tự động hóa nhiều khâu, tiết kiệm sức người và tăng năng suất hải sản. Đã nhiều năm nuôi cá bớp bằng lồng truyền thống (bằng tre, nhựa, thanh gỗ) ở vùng biển Tam Hải, bà Nở nhận thấy phương cách này dễ rủi ro, nhất là khi biển động nên đã quyết định đầu tư lồng HDPE.

“Tôi nghĩ các hộ nuôi biển khác cũng rất muốn đầu tư nuôi biển bằng công nghệ mới, hiện đại nhưng rất cần sự trợ giúp, tiếp sức của UBND tỉnh, nhất là hỗ trợ vốn đầu tư” - bà Nở nói.

Cần hỗ trợ để nhân rộng

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, chi phí đầu tư lồng HDPE của bà Nở khá lớn (khoảng 2 tỷ đồng) nhưng là cách để phát triển bền vững, thích ứng với biển đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái biển. Về quy hoạch, ngành nông nghiệp khuyến khích đầu tư nuôi biển ở vùng biển Tam Hải. Đối với hầu hết vùng biển khác của tỉnh, người dân, doanh nghiệp có thể đầu tư nuôi biển do không vướng quy hoạch.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều hộ nuôi biển cho rằng Nhà nước cần tiếp sức, hỗ trợ bằng cách giao quyền sử dụng mặt nước biển lâu dài. Vì đầu tư nuôi biển có kinh phí lớn, nếu chỉ sản xuất ngắn thì khó hiệu quả.

Nhiều ý kiến khác cho rằng với tiềm lực còn hạn chế của người dân thì Nhà nước cần có giải pháp sát sườn để thu hút đầu tư của doanh nghiệp. Người dân sẽ tham gia chuỗi liên kết nuôi biển.

UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch nuôi biển Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời đề ra nhiều giải pháp để chuyển nghề nuôi biển từ truyền thống sang đầu tư công nghiệp, hiện đại, như quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh đi đôi với bảo vệ môi trường… Tuy vậy vẫn chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ đầu tư của người dân hay doanh nghiệp.

Về điều này, ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, thời gian đến sẽ tham mưu Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh có các hình thức hỗ trợ cụ thể, như khi người dân, doanh nghiệp đầu tư cụm lồng HDPE trị giá 2 tỷ đồng thì Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu. Cùng với đó, có giải pháp cụ thể, rõ ràng hơn về xúc tiến thương mại, chế biến thương phẩm hải sản sau khi nuôi...

VIỆT NGUYỄN