Bức thiết đầu tư nâng cấp cảng cá
Hệ thống cảng cá trên địa bàn tỉnh tồn tại nhiều bất cập nên cần đầu tư nâng cấp để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Cảng cá thiếu đồng bộ
Nhiều người ngạc nhiên khi đặt chân đến cảng cá An Phú (Tam Kỳ) bởi không nước thải, không mùi hôi tanh và không rác thải. Thực tế “3 không” tưởng mừng lại cho thấy rõ rằng cảng cá đã… ngưng hoạt động từ nhiều năm qua. Xung quanh cảng cá, hàng chục cơ sở kinh doanh im ỉm khóa. Thi thoảng mới có xe đông lạnh chở hải sản từ đâu đó đến cảng.
Ông Trần Ngọc Hoàng - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hà Tiên Khôi - đơn vị quản lý Cảng cá An Phú cho biết, tàu cá từ lâu lắm không đến cập cảng. Nguyên do là luồng lạch bị bồi lấp khiến tàu khó ra vào. Các tàu cá trên địa bàn TP.Tam Kỳ chủ yếu cập bán hải sản ở Thọ Quang (Đà Nẵng) và các bến cá bãi ngang của tỉnh.
Ông Nguyễn Cao Trí - Phó Chủ tịch UBND phường An Phú cho rằng, cảng cá Tam Phú hiện nay chỉ là khu vực trung gian tập kết hải sản để phân phối đi các chợ. Điểm yếu lớn nhất của cảng cá này là nằm ở vị trí khá cách biệt nên các chủ tàu không đến.
Bộ NN&PTNT đang dành nguồn vốn đầu tư công trung hạn để đầu tư, nâng cấp, kiện toàn cơ sở hạ tầng thủy sản, nhất là các cảng cá. Một nguồn lực khác là vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB). Bộ NN&PTNT đang cùng với các tỉnh, thành rà soát triển khai Dự án “Phát triển thủy sản bền vững nhằm nâng cấp hạ tầng nói chung, cảng cá nói riêng phục vụ Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Hệ thống cảng cá của tỉnh không chỉ yếu mà còn thiếu. Cảng cá lớn nhất tỉnh là Tam Quang (Núi Thành) được thiết kế là cảng loại 1 nhưng đến nay chỉ mới là cảng loại 2. Nhiều công trình ở đây còn chưa hình thành bởi nhiều năm qua vướng mặt bằng...
Còn tại khu vực phía bắc của tỉnh hiện nay không có cảng cá, chỉ có các bến cá nhỏ chưa đáp ứng yêu cầu bốc dỡ, vận chuyển hải sản lại ô nhiễm môi trường.
Đáng nói hơn, Cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, Núi Thành) không còn phục vụ hậu cần nghề cá mà đang được tỉnh thu hồi để phục vụ mục đích khác nên gây thêm áp lực cho các tàu tìm đến cảng để cập bốc dỡ hải sản.
Quảng Nam chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề cá; tuy vậy, các cảng cá chưa đáp ứng được các tiêu chí về vị trí để thu hút các tàu cá cập cảng; chưa đáp ứng được tiêu chí về diện tích vùng đất, vùng nước trước cảng... Nguyên nhân chính khiến cảng cá chưa đáp ứng được nhu cầu là nguồn lực tài chính đầu tư còn hạn chế.
Cấp thiết đầu tư nâng cấp
Theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu về gỡ “thẻ vàng thủy sản”, các tỉnh, thành có nghề cá của cả nước phải đầu tư xứng tầm cho hệ thống cảng cá. Bởi cảng cá đồng bộ các yếu tố mới có thể đảm bảo truy xuất nguồn gốc hải sản; cập nhật dữ liệu nghề cá về số tàu cập cảng, sản lượng bốc dỡ qua cảng.
Tại buổi làm việc với Quảng Nam về gỡ “thẻ vàng thủy sản”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị tỉnh cần đầu tư lớn hơn cho các cảng cá, không chỉ từ nguồn lực của tỉnh mà còn tiếp cận vốn trung ương.
Trên cơ sở đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công thời gian qua và dự kiến nhu cầu đầu tư 5 năm (2021 - 2025), tỉnh cần báo cáo, đề xuất chủ trương đầu tư các cảng cá đăng ký sử dụng nguồn vốn của Bộ NN&PTNT giai đoạn 2021 - 2025.
“Quảng Nam cần rà soát lại công tác quản lý cảng cá; bố trí vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng cá; bố trí kinh phí duy tu, nạo vét luồng lạch các cảng cá để tàu cá ra vào được an toàn, đáp ứng điều kiện về cảng cá theo quy định của Luật Thủy sản” - ông Phùng Đức Tiến nói.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, Tỉnh sẽ đầu tư nâng cấp cảng cá Tam Quang loại 2 thành cảng cá loại 1 như thiết kế ban đầu. Không chỉ vậy, sẽ gắn cảng cá với khu dịch vụ hậu cần nghề cá; khu cơ khí đóng và sửa chữa tàu cá; khu chế biến thủy sản và khu neo đậu tránh trú bão cho phương tiện khai thác thủy hải sản. Việc gắn kết, kết nối vừa giảm chi phí cho hoạt động nghề cá của ngư dân và tăng giá trị sản xuất, kinh doanh, hướng đến nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tỉnh đang thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia xây dựng, quản lý cơ sở hạ tầng cảng cá; các công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh ở cảng cá như xây dựng nhà máy nước đá, trạm xăng dầu cung cấp cho tàu cá.
Đồng thời thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ mới trong xây dựng, bảo trì các cảng cá; nâng cao tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa trong các hoạt động bốc dỡ hàng hóa, bảo quản, sơ chế hải sản tại các cảng cá.