Kiểm soát chặt giám sát hành trình tàu cá
Đáng mừng là từ đầu năm đến nay, chưa có trường hợp tàu cá của ngư dân Quảng Nam bị xử lý do không đáp ứng các quy định về giám sát hành trình. Kiểm soát chặt giám sát hành trình tàu cá là giải pháp hiệu quả để góp phần gỡ “thẻ vàng” thủy sản.
Chuyển biến
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Nam, đến thời điểm này, 663 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt xong thiết bị giám sát hành trình (GSHT), ngoại trừ 9 tàu cá đang trong diện chờ thanh lý hoặc giải bản. Nếu năm 2022, toàn tỉnh có 22 chủ tàu cá bị xử phạt 527 triệu đồng do mất tín hiệu GSHT quá 10 ngày trên biển thì từ đầu năm đến nay không có trường hợp nào.
Bộ NN&PTNT yêu cầu các nhà mạng cung cấp dịch vụ cho ngư dân sử dụng GSHT như Viettel, VNPT phải nhanh chóng xác định nguyên nhân mất kết nối GSHT tàu cá hoạt động trên biển, có trách nhiệm hỗ trợ ngư dân kịp thời khắc phục sự cố.
Các đơn vị cần thực hiện nghiêm quy định về cập nhật dữ liệu GSHT lên hệ thống; tổng hợp số lượng tàu đã lắp GSHT nhưng ngưng sử dụng dịch vụ vệ tinh và thông báo định kỳ vào ngày 20 hằng tháng về Tổng cục Thủy sản và các chi cục thủy sản.
Khi cắt dịch vụ thuê bao GSHT của chủ tàu phải báo cáo Tổng cục Thủy sản và các địa phương để phục vụ quản lý. Đồng thời, cập nhật đầy đủ hạn phí thuê bao và mã kẹp chì lên phần mềm hệ thống giám sát tàu cá.
GSHT là thiết bị cung cấp thông tin về vị trí, đường đi, các hoạt động của tàu cá trên các vùng biển xa, giúp ngành thủy sản kiểm soát qua hệ thống ở trạm bờ. GSHT góp phần số hóa nghề cá với công nghệ mới, giúp ngư dân trong hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, ước tính trữ lượng hải sản, xác định tọa độ ngư trường.
Ngư dân Trần Sành (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) cho biết: “Trên biển lúc nào tôi cũng vận hành GSHT để chủ động trong quá trình khai thác hải sản dài ngày và linh hoạt ứng phó với các diễn biến thời tiết trên biển”.
Theo ông Nguyễn Hữu Trường - Trưởng phòng Thanh tra - kiểm ngư (Chi cục Thủy sản Quảng Nam), thời gian qua, các cơ quan chức năng đã đồng bộ vào cuộc để chấn chỉnh tình trạng “lơ là” lắp đặt và vận hành GSHT trên tàu cá. Ngành thủy sản đã xử phạt mạnh các chủ tàu cá không đưa tàu về bờ trong vòng 10 ngày sau khi mất tín hiệu GSHT để răn đe.
“Nỗ lực, quyết tâm của các cấp, ngành, địa phương và ngư dân về lắp đặt, vận hành GSHT đã tạo cú hích trong chống khai thác hải sản không đúng quy định, từng bước phát triển bền vững” - ông Trường nói.
Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, các lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, ngành thủy sản tỉnh và huyện tập trung tuyên truyền, vận động để ngư dân tự nguyện lắp đặt và vận hành GSHT đúng quy định trên tàu cá của mình.
Máy GSHT còn giúp ngư dân trong thực hiện hỗ trợ nhiên liệu đi và về chuyến biển với mức cao nhất là 400 triệu đồng/4 chuyến biển/năm. Thiết bị cũng giúp ngư dân chia sẻ về ngư trường, nguồn lợi để đánh bắt hải sản đạt sản lượng.
Kiểm soát chặt
Trung tá Nguyễn Bá Tố - Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Kỳ Hà cho biết, tất cả tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên khi đi biển để đánh bắt hải sản đều phải thực hiện các thủ tục xuất bến ở trạm kiểm soát biên phòng.
Lực lượng biên phòng khi kiểm tra nếu phát hiện tàu cá không đảm bảo các quy định về GSHT thì sẽ không cho xuất bến. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, lực lượng biên phòng tiếp tục tuyên truyền cho ngư dân về việc sử dụng thiết bị GSHT.
“Chúng tôi vận động ngư dân lắp đặt, vận hành, không tự ý ngắt kết nối GSHT để khai thác hải sản đúng khu vực, không vi phạm vùng biển nước ngoài. Trong quá trình sản xuất, nếu không may gặp sự cố trên biển, qua GSHT ngư dân liên hệ để được cơ quan chức năng đến ứng cứu kịp thời” - Trung tá Nguyễn Bá Tố nói.
Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, ngành thủy sản sắp xếp, bố trí nhân lực để trực 24/7 tại Văn phòng Kiểm soát nghề cá. Qua theo dõi, nếu phát hiện tàu cá ở sát vùng ranh giới biển với nước khác thì khẩn trương thông báo để chủ tàu, thuyền trưởng di chuyển phương tiện vào trong vùng biển của Việt Nam. Khi nhận thông báo tàu cá Quảng Nam vi phạm về GSHT hay xâm lấn vùng biển nước ngoài từ Tổng cục Thủy sản thì đơn vị nghiêm túc phối hợp trả lời kết quả xử lý vụ việc.