Tàu cá nằm bờ chờ... bạn biển

VIỆT NGUYỄN 24/02/2023 08:53

Thiếu lao động, cộng với yêu cầu ngư dân phải có đầy đủ chứng chỉ mới được ra khơi khai thác hải sản, khiến cho nghề cá trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, thậm chí một số tàu nằm bờ chờ… bạn biển.

Nhiều tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh nằm bờ vì thiếu bạn biển. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Nhiều tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh nằm bờ vì thiếu bạn biển. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Thiếu lao động

Ngư dân Lê Mười (thôn Vạn Lăng, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) - chủ tàu cá QNa-92482 có chiều dài 17m hành nghề câu cá hố cho biết, mỗi chuyến biển trong vòng hơn 10 ngày cần 10 lao động mới kỳ vọng đạt sản lượng.

Do thiếu hụt lao động, chuyến biển vừa qua xuất bến với 4 lao động, câu cá hố không đạt nên lỗ tổn. Ở Hội An nhiều lao động nghề cá chuyển sang làm các nghề du lịch, dịch vụ, thương mại nên thiếu bạn biển.

“Lo là các lao động vốn gắn bó lâu nay không muốn đi biển với tôi nữa vì sợ không có thu nhập. Nếu họ đi biển với các tàu cá ở các địa phương khác thì nguy cơ rất cao là tàu cá của tôi nằm bờ” - ông Mười nói.

Một mục đích khác của các quy định về chứng chỉ nghề cá là để ngư dân có thể ứng phó với các sự cố đột xuất về máy móc, thiết bị hàng hải cũng như các công đoạn khai thác hải sản trên biển, đảm bảo khi ra khơi người và phương tiện được an toàn, hạn chế tai nạn đáng tiếc. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong chiến lược gỡ “thẻ vàng” thủy sản của nước ta, góp phần từng bước phát triển nghề cá bền vững của tỉnh.

Có thực trạng là nghề câu cá hố vốn ăn nên làm ra ở Hội An, Duy Xuyên trong nhiều năm qua đã không còn giữ được “phong độ”.

Ngư dân Phan Xuân Tiến (khối phố Phước Trạch, phường Cửa Đại, TP.Hội An) cho biết, cá hố ngày càng ít hoạt động ở cả tuyến xa bờ lẫn tuyến lộng. Dù đã trang bị đầy đủ các thiết bị dò cá đứng, dò cá ngang, máy định vị, định dạng nhưng hiếm khi tìm được đàn cá hố lớn.

Ngoài thiếu lao động do nghề không còn hiệu quả, thời gian gần đây có xu thế lao động đánh bắt hải sản bỏ nghề lên bờ đổi sinh kế. Số lượng tàu cá nằm bờ theo đó ngày càng nhiều.

Tại Núi Thành, ngư dân Trần Văn Nhung (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang) - chủ tàu cá QNa-91683 hành nghề lưới vây cho biết, tàu ông khai thác hải sản ở vùng biển Hoàng Sa, mỗi chuyến thường kéo dài 20 ngày và cần 15 lao động.

Từ năm 2022 đến nay, số lượng chuyến biển giảm dần vì thiếu lao động. Để thu hút lao động, trước chuyến vươn khơi, ông Nhung cho mỗi bạn biển ứng trước khoảng 10 triệu đồng. Tỷ lệ ăn chia chủ tàu - bạn biển sau chuyến biển cũng được nâng lên 4 - 6 thay vì 5 - 5 như trước đây.

“Đãi ngộ tăng thêm nhưng lao động nghề biển không còn mặn mà như trước. Người trẻ quay lưng nghề cá, lao động lớn tuổi không kham nổi công việc lại đau ốm liên miên nên rất khó khăn. Tàu cá nằm bờ luôn là nỗi canh cánh lo âu của ngư dân có tàu đánh bắt xa bờ” - ông Nhung nói.

Thiếu lao động lại phải đáp ứng các quy định về chứng chỉ nghề cá, ngư dân gặp nhiều khó khăn trong vươn khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Thiếu lao động lại phải đáp ứng các quy định về chứng chỉ nghề cá, ngư dân gặp nhiều khó khăn trong vươn khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nhiều khó khăn

Thông tư 01 ngày 18/1/2022, Bộ NN&PTNT quy định tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m phải có thuyền trưởng tàu cá hạng III, máy trưởng tàu cá hạng III mới được ra khơi.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, rất nhiều tàu cá không đáp ứng điều kiện bắt buộc trên vẫn ra khơi khai thác hải sản. Nhóm tàu trên hoạt động ở tuyến lộng, xuất bến và cập bến ở vùng bãi ngang, không trình trạm kiểm soát biên phòng, vượt qua kiểm tra của ngành chức năng.

Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho rằng, phần lớn tàu cá hoạt động ở tuyến lộng theo kiểu rày đây mai đó, thiếu chuyên nghiệp nên không tuân thủ quy định. Hầu như cả chủ tàu và lao động ở các tàu có chiều dài từ 12m đến dưới 15m “ngại” chứng chỉ nghề cá.

Đối với các tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m, khi ra khơi bắt buộc phải có thuyền trưởng hạng II, máy trưởng hạng II. Riêng tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên, ngoài thuyền trưởng hạng I, máy trưởng hạng I phải có thêm thuyền phó, thợ máy.

Nhiều chủ tàu cho biết, khi đã có đầy đủ chứng chỉ, chuẩn bị xong dầu, nhu yếu phẩm, đến khi xuất bến thì đột ngột một trong các thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, thợ máy bị bệnh là không thể ra khơi.

Ngư dân Trần Huy (thôn An Hải Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu cá QNa-92369 nói: “Tàu cá của tôi dài 25m, xoay xở đủ kiểu tôi mới đáp ứng được yêu cầu bắt buộc đủ 4 người có chứng chỉ theo quy định. Đột ngột thiếu 1 người, không thể tìm được người có chứng chỉ để thay thế, tàu cá không đi biển được, ôm nợ”.

Có thực tế là để đi biển được, chủ các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải ứng phí cho bạn biển đi học để được cấp các chứng chỉ nghề cá. Thế nhưng do không có ràng buộc pháp lý, các bạn biển “nhảy” liên tục, khi thì đi biển với tàu này lúc khác đi biển với tàu cá khác nên nhiều chủ tàu không quản lý được lao động. Đã thiếu lao động lại thêm bắt buộc phải có đầy đủ chứng chỉ khiến mỗi chuyến ra khơi của ngư dân chồng chất khó khăn.

Ông Võ Văn Long cho biết sẽ áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp để giải quyết vướng mắc về lao động nghề cá.

“Trước mắt ngành thủy sản phối hợp với các địa phương có nghề cá vận động ngư dân ở nhóm tàu từ 12m đến dưới 15m phải học các chứng chỉ để ra khơi đúng theo quy định của pháp luật.

Học chứng chỉ không quá khó, mất chừng hơn 10 ngày, chi phí khoảng 3 triệu đồng, ngư dân cần học liên hệ với địa phương để thống kê, ngành thủy sản sẽ liên kết với Trường Đại học Nha Trang cử giảng viên về mở lớp đào tạo. Chúng tôi sẽ phối hợp với các lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư để tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử phạt nếu phát hiện sai phạm để đưa nghề cá vào nền nếp” - ông Long nói.

VIỆT NGUYỄN