Tạo sinh kế cho người dân ở lòng hồ
Cụ thể hóa chương trình sinh kế cho người dân lưu vực hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, huyện Bắc Trà My đã giúp người dân nuôi cá trong lồng bè và đánh bắt thủy sản hiệu quả ở lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2.
Đánh bắt thủy sản hiệu quả
Ông Lê Giang Lập (thôn 2, xã Trà Đốc, Bắc Trà My) cho biết, lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 hiện có đa dạng nguồn lợi thủy sản, nhất là cá mè, trắm cỏ. Sản xuất của người dân thường diễn ra vào buổi tối. Lao động vất vả nhưng đổi lại người dân có nguồn thu nhập khá ổn định.
“Chúng tôi chủ yếu thuộc diện tái định cư nên rất chật vật với kế mưu sinh. Cùng với trồng rừng, buôn bán nhỏ, thì việc đánh bắt cá, tôm ở lòng hồ là sinh kế chủ yếu để ổn định cuộc sống” - ông Lập nói.
Với chương trình sinh kế cho người dân lưu vực hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu các địa phương, ngành chức năng cụ thể hóa, thực hiện đầy đủ, kịp thời, toàn diện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội gắn với sinh kế người dân khu vực miền núi, lưu vực các hồ chứa thủy điện.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My, trong những năm qua, khai thác cá ở lòng hồ đã đem lại nguồn thu đáng kể cho nhiều hộ dân ở các xã Trà Đốc, Trà Sơn, Trà Tân.
Để tránh suy giảm nguồn lợi thủy sản ở khu vực lòng hồ, chính quyền huyện, xã phối hợp với các hội, đoàn thể tuyên truyền người dân khai thác hợp lý, không đánh bắt tận diệt bằng thuốc nổ, châm điện, bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái và kiểm tra, kiểm soát khai thác thủy sản của người dân.
Hằng năm, UBND huyện Bắc Trà My phối hợp với Công ty Thủy điện Sông Tranh thả cá, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Mới đây, đã thả 100 nghìn con cá giống xuống lòng hồ gồm cá trắm cỏ và cá mè.
Ông Trần Nam Trung - quyền Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh cho biết, tính chung đến nay, qua 8 đợt, số lượng cá đã thả xuống lòng hồ là 650 nghìn con. Đây là hoạt động thường niên nhằm góp phần tạo sinh kế cho người dân huyện Bắc Trà My, Nam Trà My nói chung, người dân trong vùng dự án nói riêng, đặc biệt là các hộ dân thuộc diện di dời, tái định cư công trình thủy điện Sông Tranh 2.
Sinh kế bền vững
Mô hình nuôi cá trong lồng bè với các loại cá điêu hồng, thác lác cườm, cá chình, cá rô phi, cá trê… đã đem lại thu nhập cao cho người dân. Tiêu biểu cho nuôi cá trong lồng bè ở lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 là ông Trần Văn Mạo (thôn Mậu Long, xã Trà Sơn) với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Ông Mạo còn vận động các hộ nuôi cá trong lồng bè để thành lập HTX Nuôi trồng thủy sản Bắc Trà My. Qua HTX, các hộ nuôi cá được ký kết với nhiều đối tác trong và ngoài tỉnh để rộng đường buôn bán, qua đó tăng quy mô sản xuất, tăng giá trị kinh tế.
HTX quy tụ các hộ nuôi cá trong lồng bè ứng dụng các quy chuẩn nuôi thủy sản VietGAP, đảm bảo các tiêu chí an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường. Mỗi năm HTX thu hoạch được vài chục tấn cá, giúp các thành viên có nguồn thu nhập khá.
Ông Trần Toại - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho rằng, nuôi cá trong lồng bè ở lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 với hình thức tổ chức HTX là hướng đi rất triển vọng, giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số có sinh kế bền vững.
Chính quyền địa phương khuyến khích HTX liên kết với các doanh nghiệp để chế biến sâu các loại cá nuôi, tạo chuỗi liên kết, khơi thông thế mạnh, tiềm năng nâng cao vị thế cho hàng hóa địa phương. Đến nay chả các thác lác cườm đã được HTX chế biến và trở thành sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) có vị thế được người tiêu dùng đón nhận.
Từ thực tiễn ở huyện Bắc Trà My, ngành nông nghiệp của tỉnh quan tâm hơn đến nguồn nước, quy hoạch các vùng nuôi cá lồng bè tập trung ở hầu khắp các lòng hồ thủy điện trên địa bàn Quảng Nam.
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đề xuất UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ vay vốn giúp các nông hộ đầu tư lớn, nuôi đa dạng các loại thủy sản.
“Sở giao Trung tâm Khuyến nông tỉnh kết nối, tranh thủ nguồn lực từ Trung tâm Khuyến nông quốc gia để hỗ trợ các địa phương có lòng hồ thủy điện xây dựng các mô hình nuôi cá lồng bè mới gắn với đào tạo kỹ thuật, giúp người dân đầu tư theo hướng nuôi an toàn, sạch bệnh, đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm cũng như hỗ trợ liên kết sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm” - ông Vũ nói.