Ngư dân Tam Hải săn tôm hùm nhí ở biển Bàn Than
(QNO) - Hiện nay ở vùng biển Bàn Than (xã đảo Tam Hải, Núi Thành) xuất hiện tôm hùm nhí khá nhiều, ngư dân kiếm thu nhập hàng triệu đồng sau một ngày khai thác.
Những ngày này, khoảng 7-8 giờ sáng hàng chục ngư dân thôn Thuận An (xã Tam Hải) dùng các ghe thuyền gắn máy ra các rạn, ghềnh đá ở biển Bàn Than để săn tôm hùm nhí bán cho thương lái và các hộ nuôi tôm thương phẩm.
Mỗi ghe thuyền có khoảng 2-3 ngư dân lặn biển, họ mang theo các dụng cụ như bộ đồ lặn, bình oxy, mắt kinh, dây chì, que tăm sắt để chọc tôm nhí ẩn nấp trong các rạn đá, san hô, chai nhựa, thùng xốp có gắn máy trục khí để giữ tôm hùm được sống lâu hơn trước khi đưa vào đất liền.
Tôm hùm nhí ở đây có kích thước bằng đầu đũa, với nhiều màu sắc như xanh, đỏ, đà, khi nhỏ chúng sinh sống nhiều ở các bãi Bấc, Nồm, lớn lên sẽ bơi ra vùng biển nước sâu. Ngư dân thường săn các loại tôm nhí và tôm xanh. Vì hai loại này thường được chủ hồ nuôi ưa chuộng vì có giá trị kinh tế cao, tôm nhí, tôm xanh có giá dao động từ 55 - 80 nghìn đồng/con.
Sáng 11/2, ngư dân Ngô Văn Xu (62 tuổi, thôn Thuận An) cùng với con trai Ngô Thanh Đấu (SN 1992) điều khiển phương tiện đánh bắt ra vùng biển Bàn Than để săn tôm hùm nhí.
Đến khu vực có tôm nhí sinh sống, anh Đấu đảm nhận công việc lặn xuống các rạn san hô, rạn đá để săn tôm, còn ông Xu canh trực trên thuyền để đảm bảo an toàn cho con trai trong quá trình lặn và chờ thành quả. Ngày hôm đó, cha con ông Xu bắt được 22 con tôm hùm nhí, thu về hơn 1,3 triệu đồng.
Ông Xu cho biết, mùa đánh bắt tôm hùm nhí diễn ra từ tháng 11 Âm lịch năm trước đến tháng 3 Âm lịch năm sau. Để lặn biển an toàn, săn tôm hiệu quả, ông sắm đồ nghề hơn 10 triệu đồng.
Trước đây, trung bình mỗi ngày hai cha con ông Xu bắt được hơn 100 con tôm nhí và xanh, bán với giá dao động từ 200 - 250 nghìn đồng/con, bỏ túi hàng chục triệu đồng.
"So với mọi năm thì năm nay tôm hùm nhí xuất hiện ít hơn, do môi trường nước bị ô nhiễm nên tôm hùm bố mẹ ít vào rạn sinh sản, vì vậy số lượng tôm giống săn được cũng giảm đáng kể" - ông Xu chia sẻ.
Cách đó khoảng 40m, ông Phạm Xuân Công (thôn Thuận An) cũng đang hành nghề săn tôm hùm nhí. Ông Công cho hay, nghề săn tôm hùm nhí phụ thuộc nhiều vào thời tiết, trời nắng ráo, biển êm, ngư dân mới ra khơi lặn biển.
Nếu tôm nhí xuất hiện nhiều, ông Công sẽ săn bắt từ sáng sớm đến hơn 21 giờ đêm mới về nhà, còn lại đi về trong ngày. Hôm nay, ông chỉ bắt được 17 con tôm hùm xanh, nhí, cách đó vài ngày ông bắt được hơn 40 con bán được gần 3 triệu đồng.
Ngư dân Phạm Xuân Công nói: “Muốn bắt được tôm hùm nhí, tôi phải lặn sâu hơn 20m nước dùng que sắt chọc vào rạn đá, san hô cho tôm hum con chui ra, trước khi lặn đeo dây chì quanh bụng, cổ, mắt kính và dây thở được gắn trực tiếp với bình oxy và động cơ máy nổ trên thuyền cho khỏi ngạt khí"
"Nghề săn tôm hùm nhí rất nguy hiểm vì thường xuyên lặn dưới nước liên tục từ 2-3 giờ đồng hồ, dễ bị ù tai, thủng màng nhĩ, tổn thương phổi. Để đảm bảo an toàn dưới nước, cứ lặn sâu xuống 5m, tôi bịt mũi để khí thoát ra tai. Cạnh đó, để việc săn bắt hiệu quả, đòi hỏi ngư dân phải tinh mắt mới phát hiện được tôm nhí sống trong các rạn đá, san hô"
(Ngư dân Phạm Xuân Công)
Theo nhiều ngư dân xã Tam Hải, mỗi hộ gia đình ngư dân đều có ghe thuyền gắn máy để mưu sinh với nghề đánh bắt thủy sản. Mùa săn tôm hùm diễn ra trong vài tháng trong năm, còn lại làm nghề hái rong, đi lưới cá chuồng, ghẹ… Giá bán tôm hùm nhí giảm hơn 2/3 so với mọi năm, vì nguồn tôm giống nhập từ các nước Philippin, Indonesia về Việt Nam ngày càng phổ biến.
Bà Ngô Thị Liên (trú xã Tam Hải) - một thương lái chuyên thu mua tôm hùm nhí cho biết: “Từ sáng tới giờ tôi đã thu mua hàng trăm con tôm của các ngư dân ở xã đảo Tam Hải đánh bắt được, tùy mỗi loại tôm mà có giá tiền khác nhau.
Sau khi thu mua xong, tôi bán lại cho các chủ nuôi tôm ở các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên. Việc thu mua tôm nhí này còn phụ thuộc vào thời tiết nữa, hôm nào trời mưa lớn, sóng lớn rất ít tôm nhí. Mùa tôm hùm nhí kéo dài khoảng 1 đến 2 tháng, mỗi mùa tôi thu mua khoảng vài nghìn con”.
Thời gian qua Chi cục Thủy sản Quảng Nam đã gửi thông báo về việc cấm khai thác tôm hùm tự nhiên trên địa bàn tỉnh đến các địa phương ven biển của tỉnh. Theo quy định, từ ngày 1.4 đến 31.7 hằng năm cấm bắt và khai thác tôm hùm, vì đây là mùa sinh sản của tôm.
[VIDEO] - Mùa săn tôm hùm nhí ở xã đảo Tam Hải: