Thận trọng với vụ nuôi tôm mới

VIỆT NGUYỄN 10/02/2023 08:40

Đã có hiện tượng tôm nuôi chết hàng loạt trên địa bàn tỉnh nên nông hộ cần theo dõi sát quá trình sinh trưởng của tôm thẻ chân trắng, chú trọng phòng chống dịch bệnh.

Nông hộ theo dõi quá trình phát triển của tôm nuôi. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Nông hộ theo dõi quá trình phát triển của tôm nuôi. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Trở tay không kịp

Thời tiết diễn biến phức tạp từ đầu năm đến nay khiến tôm nuôi chết hàng loạt trên địa bàn tỉnh. Ông Trương Khắc Hòa (thôn Phú Quý, xã Tam Phú, Tam Kỳ) cho biết, tôm thẻ chân trắng được nuôi hơn 1 tháng thì bị bệnh đột ngột với biểu hiện lờ đờ, dạt vào bờ rồi chết. Từ lúc phát hiện tôm nuôi có dấu hiệu bệnh đến khi chết rất nhanh, nông hộ không kịp phản ứng.

Ông Hòa cho biết bị thiệt hại hàng chục triệu đồng. “Tôm chết chóng vánh. Tôi nghi ngờ tôm bị bệnh hoại tử gan tụy nhưng không xét nghiệm nên không chắc chắn. Rất mong ngành chức năng lấy mẫu, phân tích, biết bệnh và hướng dẫn người nuôi tôm ứng phó” - ông Hòa nói.

Một vấn đề băn khoăn lâu nay là mật độ thả nuôi tôm. Nhiều nông hộ cho rằng nên thả mật độ cao để trừ hao hụt, kỳ vọng đạt sản lượng khá. Một số ý kiến cho rằng thả nuôi nhiều tôm dễ gây bệnh và lây lan thành dịch bệnh.

Ông Nguyễn Hồng Vân (thôn Phú Quý, xã Tam Phú) - hộ nuôi tôm có thâm niên cho rằng, trong điều kiện hạ tầng vùng nuôi tôm còn sơ sài, công nghệ nuôi tôm tiên tiến khó áp dụng thì nên nuôi tôm với mật độ thấp, cỡ 70 con/m2 . Cùng với đó, nên nuôi tôm giống cỡ lớn, hạn chế nuôi tôm size 12.

Người nuôi tôm ở thôn Kim Đới (xã Tam Thăng, Tam Kỳ) như ngồi trên lửa vì tôm chết hàng loạt trong những ngày qua. Ông Phan Lê Trụ cho biết, sau khi cải tạo 3 ao nuôi kỹ càng, bơm nước, xử lý nước bằng vôi rồi thả nuôi 15 nghìn con giống tôm thẻ chân trắng.

Khi tôm được hơn 1 tháng tuổi thì bất ngờ biếng ăn. Kiểm tra phát hiện đốm trắng xuất hiện ở nơi giáp đầu và ngực, dù ông đã dùng nhiều cách ứng cứu nhưng bất lực vì tôm chết rất nhanh. Ông Trụ ước tính vụ này lỗ hơn 50 triệu đồng.

“Các ao nuôi trong khu vực có nhiều tôm chết quá. Giữa ao nuôi này với ao khác khó ngăn cách do bờ ao nuôi thẩm lậu nước nên bệnh lây lan nhanh” - ông Trụ nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Lê Hoàng Vũ - cán bộ phụ trách nông nghiệp của UBND xã Tam Phú cho biết, chưa thể thống kê cụ thể diện tích tôm nuôi bị chết trong tổng số 80ha ao nuôi tôm vụ 1. Đối với một số bệnh thông thường thì người nuôi tôm có thể phòng bệnh chứ các bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy thì không thể chữa được.

Còn ông Mai Huy Chương - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Thăng thì cho biết, tôm chết từ đầu năm đến nay hơn 20ha. Vào đầu vụ tôm thường chết hàng loạt dù người nuôi tôm áp dụng các kỹ thuật tiến bộ. Để nuôi tôm hiệu quả, rất cần chỉnh trang, đầu tư lại hạ tầng vùng nuôi tôm.

Ứng phó, hạn chế thiệt hại

Bà Hoàng Thị Kim Yến - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y Quảng Nam cho biết, thời điểm đầu năm thường rất khó khăn với nghề nuôi tôm. Bởi thời tiết đang rét lạnh thì đột ngột nắng nóng khiến môi trường nước biến động mạnh. Nhiệt độ chênh lệch lớn giữa các ngày và giữa ngày với đêm gây bất lợi cho sự sinh trưởng của con tôm.

Ngành chăn nuôi & thú y đang cử cán bộ phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh khảo sát, lấy mẫu tôm, mẫu nước, xét nghiệm, chẩn đoán bệnh, tìm nguyên nhân và có các giải pháp để thông tin giúp nông hộ nuôi tôm ứng phó, hạn chế thiệt hại. Ngành chức năng đã chuẩn bị Chlorin để cấp phát cho các địa phương diệt mầm bệnh gây tôm chết.

“Đối với các khu vực nuôi tôm có tôm chết, nông hộ nên khoanh vùng để dập dịch bằng Chlorin. Người nuôi tôm chú ý không xả tôm chết ra môi trường bên ngoài để tránh lây lan thành dịch bệnh” - bà Yến nói.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay tranh thủ thời tiết nắng nóng, nhiều hộ nuôi tôm có tôm chết đang cải tạo lại ao nuôi để tái sản xuất.

Ông Trần Quảng Nam - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nghiệp vụ thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho rằng, nông dân cần chọn tôm giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có kiểm dịch để nuôi. Trước khi thả tôm giống người nuôi tôm cần theo dõi diễn biến thời tiết, nếu không thuận lợi thì tạm dừng thả giống. Cùng với đó, người nuôi tôm nên ương dưỡng 2 - 3 giai đoạn để nuôi thương phẩm.

“Nông hộ cần áp dụng các mô hình nuôi tôm hiệu quả như công nghệ sinh học, Biofloc, tuần hoàn, ít thay nước, thường xuyên túc trực ở ao nuôi tôm để chăm sóc tốt, nhất là nhanh chóng xử lý nếu có tình huống phát sinh” - ông Nam nói.

Theo khuyến cáo của Sở NN&PTNT, trong quá trình nuôi tôm, nông hộ không dùng các loại hóa chất và kháng sinh cấm sử dụng theo quy định. Đặc biệt, nuôi tôm theo quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất của chính quyền địa phương. Nhất là chú ý thực hiện đăng ký kê khai ban đầu và thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với dịch bệnh theo sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

VIỆT NGUYỄN