Khẩn trương hành động gỡ "thẻ vàng" thủy sản

NGUYỄN QUANG 06/01/2023 06:36

Quảng Nam đang áp dụng nhiều giải pháp để chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không đúng quy định (IUU), nhanh chóng thực hiện các khuyến nghị của EC.

Giúp ngư dân ổn định sinh kế là giải pháp hữu hiệu để gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Giúp ngư dân ổn định sinh kế là giải pháp hữu hiệu để gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Quản lý chặt tàu cá

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói con số thống kê Quảng Nam hiện có 2.741 tàu thuyền (vùng khơi 672 chiếc, vùng lộng 731 chiếc, vùng bờ 1.338 chiếc) rất khó chính xác, nhất là số lượng phương tiện đánh bắt hải sản ven bờ lâu nay việc quản lý vẫn còn bất cập.

Trước năm 2019, phương tiện khai thác hải sản ở vùng ven bờ thuộc quản lý của cấp huyện, khi Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ năm 2019, nhóm tàu trên được chuyển về cấp tỉnh quản lý. Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, số phương tiện trên biến động như thế nào thì chưa rõ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương xác định rõ nhiệm vụ gỡ “thẻ vàng” thủy sản không phải chỉ để đối phó mà vì mục tiêu phát triển ngành thủy sản Việt Nam bền vững, đảm bảo lợi ích của người dân, của quốc gia, nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế trong bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển bền vững.

Ông Nguyễn Đình Toàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương ven biển gõ cửa từng nhà có nghề cá để rà soát, thống kê lại số lượng từng nhóm tàu cá.

Phân bổ quản lý theo nhóm tàu cũng sẽ được UBND tỉnh điều chỉnh lại. Tàu cá sản xuất tuyến lộng và xa bờ (có chiều dài từ 12m trở lên) sẽ do tỉnh quản lý; phương tiện có chiều dài từ 6 - 12m sẽ do cấp huyện quản lý, còn phương tiện từ 6m trở xuống sẽ do cấp xã quản lý”.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, dù tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp đánh giá, mổ xẻ nhiều về nguyên nhân, bàn giải pháp nhưng tàu cá vi phạm IUU vẫn còn nhiều. Có nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan như nhận thức của ngư dân, lợi ích kinh tế, ranh giới trên biển chưa rõ…

Đáng nói là trong 2 năm 2021 và 2022, Quảng Nam đều có tàu cá bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ. Đó là trường hợp của ngư dân Nguyễn Văn Hùng (xã Tam Quang, Núi Thành) khai thác hải sản ở vịnh Thái Lan bị lực lượng kiểm ngư Thái Lan bắt giữ.

Trường hợp ngư dân Trần Văn Mạnh (xã Bình Minh, Thăng Bình) bị Cảnh sát biển Malaysia bắt giữ khi tàu cá hoạt động ở vị trí mà ngành thủy sản cho rằng thuộc vùng ranh giới biển cho phép.

Giải pháp để ngăn chặn việc này, ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, đang yêu cầu tất cả tàu cá sản xuất xa bờ phải lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình để ngành thủy sản theo dõi, phát tín hiệu yêu cầu chỉ được đánh bắt hải sản ở tọa độ cho phép.

“Chúng tôi đề nghị tất cả chủ tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ đều ký cam kết chỉ được đánh bắt hải sản ở vùng biển Việt Nam, nếu sai sẽ bị xử phạt nghiêm” - ông Long nhấn mạnh.

Có thực trạng nhiều tàu cá khai thác hải sản sai tuyến, nhất là ven bờ làm suy giảm mạnh nguồn lợi. Về tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn vấn nạn trên, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng còn rất nhiều khó khăn, vì không có tàu tuần tra, thiếu cán bộ.

“Ngành thủy sản tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát biển, Biên phòng để phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử phạt các sai phạm để từng bước đưa nghề cá vào nền nếp” - ông Tích nói.

Ổn định sinh kế cho ngư dân

Theo ông Nguyễn Xuân Luận - Chủ tịch UBND xã Tam Tiến (Núi Thành), mấu chốt của vi phạm IUU nằm ở chỗ sinh kế của ngư dân. Trên địa bàn có không ít trường hợp ngư dân khai thác hải sản bằng nghề tận diệt như giã cào.

Giải pháp của địa phương là thành lập Khu bảo tồn biển rạn Bà Đậu để thu hút cộng đồng ngư dân tham gia, vừa bảo vệ nguồn lợi, vừa sản xuất đúng quy định và lan tỏa nghề khai thác hải sản có trách nhiệm, bền vững.

Ngư dân chuẩn bị cho chuyến biển khai thác hải sản xa bờ. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Ngư dân chuẩn bị cho chuyến biển khai thác hải sản xa bờ. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho rằng, giúp ngư dân có sinh kế ổn định là “gốc rễ” để xóa bỏ vi phạm IUU, gỡ “thẻ vàng” thủy sản.

UBND huyện Núi Thành yêu cầu Phòng NN&PTNT, chính quyền các xã ven biển gặp gỡ, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng, thực tế đời sống, sinh kế của ngư dân để từ đó đề ra các giải pháp căn cơ tạo sinh kế, công ăn việc làm ổn định cho ngư dân.

Giải pháp khác là chuyển đổi nghề giảm thiểu phụ thuộc vào nghề khai thác hải sản; tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ pháp luật, không vi phạm khai thác IUU.

Về trách nhiệm phải chấm dứt khai thác hải sản ở nước ngoài từ ngày 31/3 tới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu các lực lượng Cảnh sát biển, Biên phòng, Kiểm ngư thực thi pháp luật phải đồng bộ, thống nhất và phối hợp chặt chẽ với các địa phương ven biển.

Ngành thủy sản phối hợp với các ngành chức năng bên cạnh tuyên truyền, vận động để ngư dân tuân thủ pháp luật trên biển thì cần kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính, nhất là xử lý nghiêm việc đưa tàu cá khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

NGUYỄN QUANG