Mở hướng nuôi cá chim vây vàng
Với những hiệu quả bước đầu, mô hình nuôi cá chim vây vàng trong lồng bè mở hướng phát triển kinh tế cho các hộ dân vùng ven biển Quảng Nam.
Hiệu quả bước đầu
Trung tâm Khuyến nông tỉnh vừa phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện Núi Thành tổng kết mô hình nuôi cá chim vây vàng trong lồng bè ở khu vực ven biển gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Năm 2022, mô hình được triển khai ở hộ ông Trần Văn Thảo (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa) và Phan Văn Chính (thôn Xuân Mỹ, xã Tam Hải) với quy mô 1 lồng bè/hộ, mức hỗ trợ 70% chi phí cá giống và thức ăn. Trước đó, năm 2021, mô hình được triển khai ở hộ ông Trần Văn Đức (thôn Xuân Mỹ, xã Tam Hải).
Các hộ nuôi cá cho biết, sau gần 10 tháng thả nuôi, cá đạt trọng lượng 0,5 - 0,7kg/con, sản lượng 1.350kg/lồng, năng suất đạt 18kg/m3. Với giá bán hiện nay 160 nghìn đồng/kg, có hộ thu lãi gần 40 triệu đồng/lồng bè (tăng 20% so với nuôi các loại thủy sản khác như cá chẽm, cá dìa...).
Cá chim vây vàng có chất lượng thịt thơm ngon nên phù hợp với nhiều thị trường, nhất là xuất khẩu. Hiện nay, nhiều nhà hàng, khách sạn, siêu thị trên địa bàn tỉnh rất ưa chuộng sử dụng cá chim vây vàng.
Theo nhiều phân tích, trong 100g thịt cá chim vây vàng, thành phần dinh dưỡng có protein 43%, lipid 10%, đặc biệt, rất giàu hàm lượng Omega3 giúp phát triển trí não con người.
Ông Hứa Viết Thịnh - cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, chăm sóc cá chim vây vàng đòi hỏi công phu.
Cá mới thả phải nuôi hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp, khi lớn lên có thể trộn thức ăn công nghiệp với cá tươi hoặc cho ăn hoàn toàn bằng cá tươi và phải thái nhỏ. Cá chim vây vàng tạp ăn, ít bệnh, chóng lớn.
Để tránh tác hại của bão lũ, người nuôi nên thả cá từ tháng 12 năm trước đến khoảng tháng 9 năm sau thì thu hoạch.
Theo ông Thịnh, cá chim vây vàng tăng trưởng nhanh, chống chọi với biến đổi của môi trường tốt hơn khi nuôi ở biển. Bởi vậy, dự kiến năm 2023, sẽ hỗ trợ nông dân nuôi cá chim vây vàng ở biển thay cho khu vực ven biển hiện nay.
Nhân rộng mô hình
Theo ông Trần Văn Đức, để nuôi cá chim vây vàng, người dân cần mua cá giống ở các cơ sở đã khẳng định thương hiệu, cá giống phải được kiểm dịch, loại trừ các yếu tố mang mầm bệnh.
Trước khi thả cá nuôi đại trà cần thuần hóa độ mặn cho phù hợp với điều kiện ở khu vực thả nuôi. Mật độ cá giống thả nuôi ở mức chừng 40 con/m3. Người nuôi phải thường xuyên kiểm tra chất lượng nước, quản lý dịch bệnh. Đặc biệt, cần chú ý khâu vệ sinh lồng bè để bảo đảm môi trường nuôi cá sạch sẽ, thông thoáng cho cá phát triển nhanh, tỷ lệ sống cao, đạt năng suất tốt.
“Nuôi cá chim vây vàng cần cho cá ăn đầy đủ về lượng và chất, định kỳ trộn vitamin, khoáng chất vào thức ăn để cá hấp thụ tăng sức đề kháng, khống chế dịch bệnh” - ông Đức nói.
Ông Lê Hữu Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho rằng, nuôi thử nghiệm thành công cá chim vây vàng thương phẩm tại các địa phương ven biển của huyện Núi Thành có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thay đổi tập quán sản xuất, góp phần đa dạng, phong phú thêm đối tượng nuôi thủy sản có giá trị kinh tế cao.
Quảng Nam hiện có 3.000ha diện tích mặt nước nuôi các đối tượng thủy sản nước mặn, lợ. Để tận dụng mặt nước hiện có, cần nhân rộng mô hình nuôi cá chim vây vàng trong lồng bè để tăng thu nhập cho người nông dân.
Bà Lương Thị Thủy - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho rằng, hướng mở cho nghề nuôi cá trong lồng bè ở các vùng biển Quảng Nam là phát triển bền vững theo hướng thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học về giống, kỹ thuật nuôi, cách quản lý, phòng trừ dịch bệnh để tạo sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chí an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của thị trường, nhất là xuất khẩu để đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Theo đó, nhân rộng nuôi cá chim vây vàng rất thiết thực.
“Mong Sở NN&PTNT quan tâm hỗ trợ kinh phí để ngành khuyến nông nhân rộng nuôi cá chim vây vàng trong lồng bè kiên cố HPDE trong thời gian đến. Đề nghị các địa phương ven biển tạo thuận lợi cho người nông dân tham quan, tiếp cận, vận dụng nuôi cá chim vây vàng bài bản để tăng hiệu quả” - bà Thủy nói.