Nghề lưới vây khơi gặp khó

VIỆT NGUYỄN 02/12/2022 07:57

Lưới vây sản xuất xa bờ là một trong những nghề chủ lực của ngư dân Quảng Nam. Nghề này đang gặp khó do chi phí đầu vào tăng cao, thiếu bạn biển.

Ngư dân Trần Nhân bên vàng lưới vây khơi sản xuất xa bờ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ngư dân Trần Nhân bên vàng lưới vây khơi sản xuất xa bờ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Ngư dân gặp khó

Không nhiều tàu cá hành nghề lưới vây trên địa bàn tỉnh đi khai thác hải sản xa bờ vào thời điểm này. Ngư dân Trần Sơn (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) neo đậu cả 3 tàu lưới vây QNa-91658, QNa-91745, QNa-91289 nhiều tháng qua.

Ông Sơn cho biết, mỗi chuyến biển ở ngư trường Hoàng Sa kéo dài hơn 20 ngày, với giá dầu diesel hiện nay, chi phí nhiên liệu hơn 100 triệu đồng/tàu. Không biết đánh bắt hải sản có đạt sản lượng không nên không dám vươn khơi. “Thực tế trong năm nay sản xuất rất khó khăn, đã có nhiều chuyến biển thua lỗ” - ông Sơn nói.

Sâm Linh Tây là địa bàn trọng điểm của nghề lưới vây khơi. Những ngày này, các tàu lưới vây neo đậu ken dày ở khu neo đậu tàu cá An Hòa (thuộc 2 xã Tam Quang và Tam Giang, Núi Thành).

Ngư dân Trần Nhân (thôn Sâm Linh Tây) - chủ 2 tàu lưới vây QNa-90216 và QNa-91216 cho biết, mỗi chuyến biển ở ngư trường Hoàng Sa cần 30 lao động, không đủ bạn biển nên tàu nằm bờ.

“Mọi khi lao động nghề lưới vây rất nhiều, do làm ăn ngày càng khó khăn, thu nhập bấp bênh nên nhiều người chuyển đổi nghề lên bờ làm ăn. Tôi ứng trước tiền cho bạn nhưng họ không mặn mà. Chỉ khi nào nghề lưới vây có nguồn thu khá thì lao động sẽ lại dồi dào như trước” - ông Nhân nói.

Ông Nguyễn Quốc Dũng - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Quang cho biết, qua thu thập số liệu được biết nguồn lợi cá ngừ, cá nục giảm mạnh. Nhiều tàu lưới vây có liên tục những chuyến biển chỉ thu được vài tấn hải sản, thu không đủ bù chi. Nhiều tàu lưới vây nằm bờ là do lỗ tổn.

Không dễ chuyển nghề

Thay đổi ngư lưới cụ để chuyển nghề lưới vây sang nghề khác ngư dân cần nguồn vốn hàng tỷ đồng. Bởi vậy trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua chỉ có vài ngư dân đủ nguồn lực để chuyển đổi nghề lưới vây. Hầu hết tàu lưới vây khác cầm cự sản xuất và trông chờ vào hỗ trợ dầu với mức cao nhất là 400 triệu đồng/4 chuyến biển/năm.

Tàu lưới vây nằm bờ ở khu neo đậu tàu cá An Hòa. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Tàu lưới vây nằm bờ ở khu neo đậu tàu cá An Hòa. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Ngư dân Trần Hảo - chủ tàu lưới vây khơi ở thôn Sâm Linh Đông (xã Tam Quang) nói: “Ngư dân theo nghề lưới vây khơi đã cạn vốn. Ứng trước từ đầu nậu thì quá phụ thuộc, bị ép giá bán khi về bờ. Hỗ trợ tiền dầu quá chậm, mong cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ để giúp ngư dân bám biển vươn khơi”.

Ông Nguyễn Đình Toàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản nói, nghề lưới vây gặp khó và đây là thực trạng chung ở khắp các tỉnh thành có ngư dân sản xuất cùng nghề lưới vây khơi ở ngư trường Hoàng Sa.

Để đánh giá được suy giảm nguồn lợi cá ngừ, cá nục ở mức nào cần sự khảo sát, đánh giá của Bộ NN&PTNT. Ngành thủy sản khuyến khích ngư dân Quảng Nam sản xuất đa nghề, kiêm nghề, nghề lưới vây gặp khó thì có thể tạm thời chuyển qua nghề khác, lưới chụp hay lưới rê 3 lớp hỗn hợp...

Trước khó khăn của nghề lưới vây, Chi cục Thủy sản đề xuất Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) chú trọng hơn về đánh giá ngư trường, nguồn lợi ở ngư trường Hoàng sa, kịp thời cung cấp các bản tin dự báo ngư trường để tiếp sức ngư dân.

“Một khi ngư dân được dự báo ngư trường chính xác sẽ ít phải vận chuyển tàu đi tìm luồng cá, chi phí chuyến biển giảm lại. Thu được sản lượng khá ngư dân nghề lưới vây sẽ có nguồn thu nhập ổn định, bám biển quanh năm” - ông Nguyễn Đình Toàn nói.

Quảng Nam hiện có 334 tàu cá hành nghề lưới vây khơi ở ngư trường Hoàng Sa. Bà Lương Thị Thủy - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh khuyến khích chủ các tàu lưới vây khơi trang bị hầm bảo quản hải sản bằng vật liệu P.U thay thế cho hầm bảo quản hải sản truyền thống để nâng cao chất lượng bảo quản hải sản sau khai thác, qua đó bán được giá, tăng giá trị kinh tế thu được sau mỗi chuyến biển.

VIỆT NGUYỄN