Tái cơ cấu nghề cá: Những nhiệm vụ cấp thiết
Phân cấp, quản lý chặt tàu cá; chung tay bảo tồn biển; số hóa nghề cá... là những nội dung mà Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu ngành thủy sản và các địa phương ven biển phối hợp nhanh chóng thực hiện vì nhiệm vụ tái cơ cấu nghề cá.
Giải quyết vướng mắc
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.338 tàu thuyền có chiều dài từ 6m đến dưới 12m. Trước đây, nhiệm vụ quản lý số tàu thuyền này thuộc cấp huyện, kể từ năm 2019, khi Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực, nhóm tàu thuyền này được chuyển về cấp tỉnh quản lý.
Trong số này, chỉ có 95 chiếc được cấp Giấy phép khai thác hải sản; số khác không thực hiện đăng kiểm, không có số hiệu, không bảo đảm các yêu cầu về thân vỏ, máy móc...
Từ đầu năm đến nay, số tàu cá cập cảng Tam Quang (Núi Thành) là 1.042 lượt, xuất cảng 1.818 lượt; số nhật ký khai thác hải sản ngư dân xuất trình là 1.042 quyển; sản lượng hải sản bốc dỡ qua cảng hơn 13,7 nghìn tấn. Tại cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, Núi Thành), từ đầu năm đến nay có 199 lượt tàu cá cập cảng và 224 lượt tàu cá xuất cảng, 199 quyển nhật ký khai thác hải sản được ngư dân nộp; sản lượng hải sản qua cảng gần 9.000 tấn.
Ông Lê Văn Hiệp - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho rằng, để tránh tình trạng lúng túng trong quản lý số tàu thuyền có chiều dài 6m đến dưới 12m, UBND tỉnh cần phân cấp trở lại, chuyển quản lý về cấp huyện.
“Số lượng tàu thuyền 6m đến dưới 12m tăng nhanh liên tục, phá hoại nguồn lợi ven bờ, cần chuyển giao quản lý về cấp huyện để khắc phục tình trạng mất kiểm soát” - ông Hiệp nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu thống nhất với đề xuất đưa quản lý tàu cá từ 6m đến dưới 12m về cấp huyện để giám sát, kiểm soát chắt chẽ hơn.
Đối với tàu thuyền có chiều dài từ 12m đến dưới 15m, đến thời điểm này chỉ mới có 344/731 chiếc được cấp Giấy phép khai thác hải sản. Theo quy định, nhóm tàu này bắt buộc phải được Chi cục Thủy sản cập nhật vào Hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (Vnfishbase) do Tổng cục Thủy sản quản lý để kịp thời tra cứu thông tin, quản lý chặt, tránh khai thác hải sản bất hợp pháp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu Chi cục Thủy sản khẩn trương phối hợp với nghề cá cấp huyện rà soát hiện trạng tàu cá có chiều từ 12m đến dưới 15m, khắc phục tình trạng tàu cá không có Giấy phép khai thác hải sản; cập nhật số liệu về trung ương để chuyển nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, từng bước phát triển bền vững.
Quy định chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không đúng quy định (IUU) không còn là yêu cầu của riêng thị trường châu Âu mà trở thành quy định chung của các thị trường lớn, chuyên nghiệp như Nhật, Mỹ.
Điều này đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp khi buộc phải sử dụng nguồn nguyên liệu đánh bắt được truy xuất nguồn gốc. Từ thực tế trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu Sở NN&PTNT cần số hóa hệ thống nghề cá để lưu trữ hồ sơ, số liệu phục vụ xuất khẩu hải sản, trước mắt là hỗ trợ ngư dân ghi chép nhật ký điện tử.
Khẳng định vai trò của cộng đồng
Là địa bàn trọng điểm nghề cá của tỉnh, bên cạnh các mặt tích cực như đóng góp sản lượng hải sản lớn, sở hữu đội tàu công suất lớn nhất tỉnh để sản xuất xa bờ, làm giàu từ biển đi đôi với bảo vệ chủ quyền lãnh hải Tổ quốc, nghề cá huyện Núi Thành tồn tại điểm yếu bấy lâu nay là khai thác kiểu tận diệt, gây suy thoái nguồn lợi.
Ông Nguyễn Xuân Uy - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến (Núi Thành) nói, để góp phần bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi hải sản, địa phương đang phối hợp với các tổ chức nghề cá trong và ngoài nước huy động trợ giúp pháp lý và nguồn lực để thiết lập mô hình đồng quản lý nghề cá.
Theo đó, cộng đồng ngư dân ven biển phối hợp với nhau để tuần tra, kiểm tra trên biển, bắt giữ các tàu cá khai thác hải sản tận diệt bằng nghề giã cào, pha xúc, thuốc nổ… hoặc phối hợp các ngành cảnh sát biển, biên phòng, thanh tra nghề cá xử lý các hành vi khai thác hải sản trái phép.
Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho rằng, rạn san hô, cỏ biển, đa dạng sinh học là môi trường rất tốt để các loài hải sản phát triển ở các vùng biển Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Hải của huyện.
Điều cấp thiết hiện nay là xây dựng các khu bảo tồn biển để bảo vệ, tái tạo nguồn lợi, vừa phục vụ khai thác hải sản vừa phục vụ du lịch. Cái khó là địa phương chưa có cơ sở pháp lý để xây dựng các khu bảo tồn biển, trước mắt là Bàn Than (Tam Hải), cần UBND tỉnh cho chủ trương và hỗ trợ bước đầu.
Về điều này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, tỉnh rất khuyến khích và hỗ trợ thành lập các khu bảo tồn biển vì mục tiêu phát triển chuyên nghiệp, bền vững nghề cá.
Điển hình là hoạt động của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Hội An) rất hiệu quả, cộng động ngư dân chung tay với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khai thác hải sản có trách nhiệm và thực hiện nhiều loại hình du lịch.
“Tùy điều kiện biển đảo của Núi Thành, địa phương nên khảo sát, lựa chọn, xây dựng mô hình bảo tồn biển hiệu quả để vừa khơi thông thế mạnh vừa khắc phục suy thoái đa dạng sinh thái ở các vùng biển trong thời gian qua” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói.