Giải pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi hải sản

VIỆT NGUYỄN 15/09/2022 06:26

Bảo tồn biển, bảo vệ nguồn lợi hải sản còn nhiều hạn chế nên ngành thủy sản, các địa phương ven biển tìm các giải pháp để chấn chỉnh vì mục đích gỡ “thẻ vàng” thủy sản và phát triển nghề cá bền vững.

Toàn tỉnh còn nhiều phương tiện chưa được cấp phép, đánh bắt hải sản ven bờ khiến nguồn lợi suy giảm. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Toàn tỉnh còn nhiều phương tiện chưa được cấp phép, đánh bắt hải sản ven bờ khiến nguồn lợi suy giảm. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nhiều hạn chế

Với 125km đường bờ biển và nhiều đảo lớn, nhỏ, Quảng Nam sở hữu đa dạng hệ sinh thái với phong phú chủng, loài hải sản quý hiếm. Tuy vậy, nhiều ngư dân ở xã đảo Tam Hải (Núi Thành) cho rằng, nhiều loài cá quý hiếm như cá hồng, cá mú đã hiếm gặp. Rạn san hô ở biển Tam Hải đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng kéo theo suy giảm các loài da gai, giáp xác, thân mềm như cua, ốc, tôm, trai…

Ông Lê Văn Hiệp - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành nói, nghiên cứu của Viện Hải dương học Nha Trang (Khánh Hòa) cho thấy các loài san hô ở vùng biển Tam Hải có chủng loại đa dạng hơn ở vùng biển Cù Lao Chàm (Hội An) nhưng đã có dấu hiệu suy thoái, kiệt quệ.

Cần số hóa, cập nhật dữ liệu nguồn lợi hải sản

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu Quảng Nam chú trọng bảo tồn biển, bảo vệ nguồn lợi hải sản. Những yêu cầu đặt ra là điều tra, đánh giá nguồn lợi hải sản, môi trường sống của các loài phải được thực hiện đầy đủ, liên tục; thông tin, dữ liệu về nguồn lợi hải sản được số hóa, cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

“Từ nay đến năm 2030, Quảng Nam cần góp sức cùng cả nước nâng tổng diện tích bảo tồn từ hơn 0,1% lên hơn 0,5% diện tích vùng biển Việt Nam; phục hồi 70% diện tích hệ sinh thái biển bị suy thoái, 10% số lượng loài hải sản nguy cấp, quý, hiếm được sinh sản nhân tạo, ương nuôi thành công hoặc thả tái tạo vào các vùng biển” - ông Tiến nói.

Khu vực ven biển - bãi đẻ của các loài hải sản đã bị khai thác quá mức, nhất là tận diệt nên nguồn lợi ngày càng suy giảm.

Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, dù đã không cấp thêm giấy phép nhưng số lượng tàu cá hành nghề giã cào có nguy cơ tăng trở lại. Sở dĩ có việc này là do ngư dân mua các tàu cá ở tỉnh bạn về, đăng ký, đăng kiểm với các nghề câu, lưới vây, lưới chụp… nhưng thực chất lại đánh bắt hải sản trá hình bằng nghề giã cào.

“Có 2 cái khó rất lớn trong quản lý khai thác trái phép là tàu kiểm ngư đã hư hỏng, chưa có phương tiện thay thế để tuần tra, kiểm soát, xử lý. Mô hình đồng quản lý nghề cá của cộng đồng cư dân ven biển do không có quy chế nên hoạt động lỏng lẻo rồi tan rã” - ông Long nói.

Theo quy định của Luật Thủy sản 2017, tàu thuyền khai thác hải sản bắt buộc phải có giấy phép của cơ quan chức năng. Tuy vậy, ngành thủy sản mới chỉ cấp 340 giấy phép cho các tàu cá hoạt động ở tuyến lộng (46,7%). Các địa phương ven biển chỉ mới cấp 96 giấy phép cho các thuyền ở tuyến ven bờ (7,1%). Quản lý lỏng lẻo nên các tàu thuyền nói trên đi khai thác hải sản thời điểm nào, đánh bắt trái phép ra sao không được kiểm soát.

Ông Nguyễn Đình Toàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản nói, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản vẫn còn diễn ra, chưa thể ngăn chặn dứt điểm. Điều tra nguồn lợi, môi trường sống của các loài hải sản còn thiếu đồng bộ, đặc biệt là ở những vùng biển ven bờ có nhiều hệ sinh thái.

Giải pháp chấn chỉnh

Ông Lê Văn Hiệp - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, địa phương đang phối hợp với Trường Đại học Nha Trang thực hiện đề tài khoa học về nghiên cứu, đề xuất thành lập Khu bảo tồn biển Bàn Than. Theo đó, thiết lập các vùng bảo vệ nghiêm ngặt trong khu bảo tồn biển để duy trì, bảo vệ các loài hải sản quý hiếm cũng như đa dạng sinh học biển đảo.

“Chúng tôi cũng đề cao giải pháp xây dựng các bãi đẻ, ương giống các loài hải sản và kêu gọi doanh nghiệp, người dân đồng quản lý, sử dụng và bảo vệ đa dạng sinh học biển bài bản, nền nếp” - ông Hiệp nói.

Bảo vệ, phát triển nguồn lợi hải sản đặt ra cấp thiết trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh, ngành thủy sản thả cá ở khu vực ven biển Cửa Đại để phát triển nguồn lợi. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Bảo vệ, phát triển nguồn lợi hải sản đặt ra cấp thiết trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh, ngành thủy sản thả cá ở khu vực ven biển Cửa Đại để phát triển nguồn lợi. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) nói, bảo vệ, phát triển nguồn lợi hải sản vì lợi ích kép là phát triển nghề cá bền vững và chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không đúng quy định (IUU) để cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu.

Ngành thủy sản cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng biên phòng, cảnh sát biển để sử dụng các phương tiện kiểm soát trên biển ra quân tuần tra, xử lý mạnh tay các hành vi khai thác hải sản trái phép để đủ sức răn đe.

Về lâu dài, Quảng Nam cần đóng mới tàu kiểm ngư công suất lớn để thực hiện các nhiệm vụ trên biển ở cả tuyến ven bờ và tuyến lộng. Đó là căn bản để chuyển nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chỉ đạo các địa phương ven biển khẩn trương tuyên truyền, vận động ngư dân tuân thủ các quy định chống khai thác IUU, Luật Thủy sản 2017, các quy định về khai thác hải sản của nước ta. Đặc biệt, nhanh chóng rà soát, cấp phép cho các phương tiện đánh bắt hải sản ven bờ; vận động bộ phận ngư dân chuyển nghề, giảm cường lực quá mức khai thác.

VIỆT NGUYỄN