Nghề cá ứng phó với bão lũ
Ngư dân, các địa phương ven biển, ngành thủy sản đang nỗ lực ứng phó để hạn chế thiệt hại trong mùa bão lũ. Các khu neo đậu tàu cá còn bất cập nên công tác kiện toàn đặt ra cấp thiết.
An toàn kỹ thuật cho tàu cá
Mùa bão lũ sắp đến nên công tác đăng kiểm diễn ra sôi động, khẩn trương. Ngư dân Trần Đống Đa (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu cá QNa90304 công suất 409CV sau khi được cán bộ của Chi cục Thủy sản kiểm tra kỹ vỏ tàu, máy thủy lực, các loại máy móc, thiết bị khác đã được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho tàu cá.
“Tôi yên tâm hơn trong đánh bắt hải sản xa bờ mùa bão lũ này nhờ hoàn thành đăng kiểm, đảm bảo an toàn kỹ thuật cho tàu cá” - ông Đa nói.
Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, đã tổ chức cho các chủ tàu cam kết khi có bão trên biển phải đưa tàu đến nơi tránh trú an toàn và thông tin về ngành chức năng. Ngành thủy sản đã rà soát các cửa sông, vùng biển kín, vùng bãi ngang để giúp ngư dân neo đậu cho tàu cá theo từng cụm (3 tàu/cụm) và yêu cầu tuyệt đối không để người ở lại trên tàu khi bão đổ bộ vào bờ. Các ngư dân neo đậu tàu cá phải ngắt nguồn điện trên tàu tránh hiện tượng chập, cháy; không nấu ăn, thắp hương trên tàu cá...
Ông Nguyễn Đình Toàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, do ngư dân chủ quan nên ở mùa bão lũ trước có không ít tàu cá bị hỏng chân vịt, vênh trục lắp, gãy trục lắp phải lai dắt trong điều kiện sóng to, gió lớn nguy hiểm. Nhận được bài học nên năm nay hầu hết ngư dân chủ động đăng kiểm cho tàu cá để hạn chế rủi ro.
Theo ông Lê Văn Sinh - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, thống kê trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn có 11 tàu cá bị chìm, 7 tàu hỏng máy, 2 tàu bị bể be, 1 tàu bị gãy chân vịt. Mùa bão lũ đang đến nên đảm bảo an toàn cho người và tàu cá đặt ra cấp thiết.
UBND huyện giao Phòng NN&PTNT phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà và Đồn Biên phòng Tam Thanh (Tam Kỳ) quản lý chặt tàu cá, kiên quyết không cho ra khơi đối với các phương tiện không đảm bảo an toàn theo quy định. Khi tàu cá về bờ, ngành nông nghiệp, các địa phương ven biển phối hợp hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu cá an toàn, tránh va đập gây hư hỏng hoặc chìm.
Kiện toàn nơi neo đậu tàu cá
Ông Hồ Nguyễn Tùng - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Tiến (Núi Thành) cho biết, trên địa bàn có 250 tàu cá nhưng chỉ có 1 âu thuyền (thôn Hà Lộc) sức chứa 50 tàu nên các tàu cá còn lại được ngư dân neo đậu ở các khu vực ven sông Trường Giang khó đảm bảo an toàn.
Nhiều năm nay nên xã đề xuất huyện, tỉnh quan tâm huy động vốn để đầu tư nâng cấp, mở rộng âu thuyền, đảm bảo các điều kiện an toàn cho neo đậu tàu cá trong mùa bão lũ.
Âu thuyền Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, Hội An) không chỉ cần thiết cho neo đậu của tàu thuyền trên địa bàn mà còn là chỗ trú ẩn cấp thiết cho các tàu cá khi bị ảnh hưởng của bão.
Âu thuyền này đã được UBND TP.Hội An đầu tư sửa chữa với nguồn vốn 59 tỷ đồng của chương trình Biển Đông - hải đảo từ năm 2015 nhưng đến nay không đảm bảo. Luồng dẫn vào âu thuyền bị bồi lấp, lại bị ảnh hưởng mạnh của sóng gió nên tàu thuyền ở đây dễ va đập mạnh.
Bà Phạm Thị Mỹ Hương - Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết: “Chúng tôi đã kiến nghị UBND TP.Hội An đầu tư sửa chữa, giải quyết các vướng mắc liên quan đến âu thuyền. Công tác khảo sát, đánh giá đang triển khai để dự toán nguồn vốn thực hiện”.
Tại huyện Núi Thành, ngư dân cũng đang lo lắng về chỗ neo đậu tàu cá công suất lớn vào mùa bão lũ khi Khu neo đậu tàu cá An Hòa (xã Tam Quang và Tam Giang) dù đang triển khai sửa chữa, nâng cấp nhưng chưa hoàn thiện.
“Dọc sông Trường Giang chỉ là chỗ neo đậu tạm bợ cho tàu cá nhỏ, không đảm bảo an toàn cho neo đậu của các tàu vỏ thép và tàu công suất lớn. Mong ngành chức năng khẩn trương thi công hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng Khu neo đậu tàu cá An Hòa” - ngư dân Huỳnh Văn Diệp (thôn Sâm Linh Đông, Tam Quang) - chủ tàu cá QNa- 90745 nói.
Dự án nâng cấp Khu neo đậu tàu cá An Hòa có tổng mức đầu tư 98,5 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, dù đã được UBND tỉnh đã gia hạn hoàn thành đến ngày 31.12.2022 nhưng khó đảm bảo tiến độ.
Ông Võ Văn Điềm - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh nói: “Vướng lớn nhất là mặt bằng. Các cơ quan của huyện Núi Thành đang áp giá bồi thường, thu hồi đất, bàn giao để có thể triển khai nhanh dự án”.
Đến nay, ngành chức năng đã nạo vét luồng khu neo đậu tàu cá được 900m/2.900m; tuyến kè chắn sóng còn 150m nữa hoàn thành; khi xong đê chắn sóng sẽ trồng cây để giảm sức gió tác động.