Chỗ dựa của ngư dân

TRÚC VĂN 24/06/2022 06:46

Thành lập từ năm 2012, Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang (Núi Thành) đã trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của ngư dân với những hoạt động thiết thực, hiệu quả.

Tam Quang là địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ phát triển mạnh. Ảnh: H.QUANG
Tam Quang là địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ phát triển mạnh. Ảnh: H.QUANG

Là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, từ 187 đoàn viên ngày mới thành lập, đến nay Nghiệp đoàn nghề cá Tam Quang có 340 đoàn viên.

Ông Bùi Tuấn Hùng - Tổ trưởng Tổ nghiệp đoàn nghề cá thôn Sâm Linh Tây (xã Tam Quang) chia sẻ: “Thôn Sâm Linh Tây có đội tàu đánh bắt xa bờ nhiều nhất xã Tam Quang. Hiện tại, việc đánh bắt hải sản trên Biển Đông gặp nhiều khó khăn như thời tiết bất lợi, giá nhiên liệu tăng cao, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, đầu ra sản phẩm không ổn định.

Trước thực tế đó, Tổ nghiệp đoàn nghề cá thôn tập hợp 200 đoàn viên, trong đó có các chủ tàu để tìm phương pháp tháo gỡ khó khăn như: thành lập 15 tổ đoàn kết đánh bắt trên biển, có một kênh sóng liên lạc và ấn định thời gian để trực máy Icom qua kênh 9126, tạo mọi điều kiện cần thiết để lai dắt tàu cá gặp rủi ro trên biển.

Vận động đoàn viên đoàn kết đánh bắt trên biển, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của ngư dân và kịp thời thăm hỏi, động viên đoàn viên khi gặp khó khăn, hoạn nạn”.

Tam Quang là xã trọng điểm về nghề cá của huyện Núi Thành. Toàn xã có 4.000 ngư dân và lao động phục vụ hậu cần nghề cá. Trong 10 năm qua, Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang bám sát nhiệm vụ trọng tâm, hỗ trợ ngư dân tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với ngành khai thác hải sản.

Ông Huỳnh Thế Điểu – Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Tam Quang cho biết, nghiệp đoàn nghề cá xã luôn thực hiện tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho đoàn viên.

Bằng các nguồn hỗ trợ, nghiệp đoàn đã thăm hỏi, tặng quà đoàn viên, ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo với tổng số tiền 350 triệu đồng. Đến nay, tài chính tích lũy của nghiệp đoàn hơn 190 triệu đồng. Đặc biệt, Nghiệp đoàn nghề cá Tam Quang chủ động tham mưu, đề xuất với chính quyền địa phương và người sử dụng lao động trên biển thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của lao động biển.

Ảnh: H.Quang
Ảnh: H.Quang

Với trách nhiệm của mình, Nghiệp đoàn nghề cá Tam Quang tiếp nhận đơn thư và hòa giải về quyền lợi và ăn chia cổ phần ở các tàu cá. Giám sát việc chi trả tiền nhiên liệu cho tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 48 của Chính phủ. Tuyên truyền cho đoàn viên và ngư dân về Luật Thủy sản và các quy định của nhà nước khi tham gia đánh bắt xa bờ. Hoạt động của Nghiệp đoàn nghề cá Tam Quang góp phần đưa nghề đánh bắt hải sản trên địa bàn xã phát triển mạnh.

Bên cạnh thành quả đạt được, hoạt động của Nghiệp đoàn nghề cá Tam Quang còn một số khó khăn, vướng mắc.

Theo ông Huỳnh Thế Điểu - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Tam Quang, là một tổ chức đặc thù, nghiệp đoàn hiện nay chủ yếu hoạt động theo điều lệ Công đoàn, chưa có cơ chế, quy định riêng nên gặp nhiều trở ngại trong hoạt động. Hầu hết đoàn viên là ngư dân, cuộc sống phụ thuộc vào những chuyến tàu xa bờ nên thu nhập còn bấp bênh.

Kinh phí hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn hỗ trợ của Liên đoàn Lao động tỉnh hàng năm 15 triệu đồng và từ sự đóng góp của đoàn viên. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình Biển Đông diễn biến phức tap, thời tiết trên biển bất lợi, giá nhiên liệu tăng cao làm ảnh hưởng đến nghề đánh bắt hải sản và thu nhập của ngư dân, vì vậy, việc vận động đóng góp từ đoàn viên gặp nhiều khó khăn.

“Mong rằng các cấp, ngành có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nghiệp đoàn nghề cá hoạt động tốt hơn, tiếp tục thể hiện vai trò là chỗ dựa vững chắc, đáng tin cậy để ngư dân bám biển, bám ngư trường khai thác hải sản và bảo vệ chủ quyền biển đảo” - ông Huỳnh Thế Điểu bày tỏ.

TRÚC VĂN