Đa dạng đối tượng nuôi thủy sản
Trước thực trạng nhiều hộ chuyển đổi vật nuôi thủy sản ở các diện tích nuôi tôm bấp bênh, thua lỗ, ngành thủy sản tỉnh cho biết sẽ rà soát, đánh giá lại và có hình thức hỗ trợ nông dân.
Sẽ rà soát nuôi ốc hương
Nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát thua lỗ, từ đầu năm 2021 đến nay, ông Trần Văn Tuân (thôn An Trân, xã Bình Hải, Thăng Bình) đầu tư nuôi ốc hương ở 3 ao nuôi có tổng diện tích 5.000m2. Mỗi vụ nuôi trong vòng 8 tháng, ông Tuân đã 2 lần thu hoạch ốc hương, bán cho tư thương.
“Bấp bênh vẫn hoàn bấp bênh, nuôi ốc hương cũng đối diện với nhiều khó khăn, rủi ro chứ không suôn sẻ, thành công như kỳ vọng. Tôi được 1 vụ nhưng cũng thua 1 vụ, kể ra cũng chỉ hòa vốn” - ông Tuân nói.
Ông Nguyễn Văn Tiên - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Bình Hải cho biết, trên địa bàn có khoảng 10 hộ nuôi ốc hương thay thế tôm thẻ chân trắng ở các ao lót bạt trên cát. Quá trình này diễn ra tự phát trong vòng 2 năm nay, thành công xen kẽ với thua lỗ.
Nghề này gặp khó bởi nuôi ốc hương phải cho ăn bằng hải sản tươi sống nên chi phí rất cao. Giá giống ốc hương cao nhưng không chắc chắn về chất lượng, bởi không có kiểm dịch, nông hộ đặt mua ở các tỉnh Phú Yên, Bình Thuận và cơ sở bán giống chuyển về giao lại mà không có giấy tờ của ngành chức năng.
Nuôi ốc hương có lượng chất thải lớn, người nuôi phải thay nước liên tục. Không ít hộ không kịp thay nước lại gặp nắng nóng kéo dài nên tảo sinh sôi phát triển nhanh là yếu tố gây bệnh khiến ốc hương bị chết.
Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, nuôi ốc hương còn khá mới mẻ trên địa bàn tỉnh, hầu như chỉ mới có ở Thăng Bình, chưa lan rộng ra các địa bàn khác. Trước đây, ngành khuyến ngư có triển khai mô hình nuôi ốc hương ở xã đảo Tân Hiệp (Hội An) nhưng chỉ mới dừng lại ở thử nghiệm.
Trong thời gian đến, ngành thủy sản sẽ rà soát lại tất cả diện tích nuôi ốc hương, nhận diện các mặt được và điểm yếu, sau khi đánh giá cụ thể sẽ khuyến khích hay có chỉ đạo khác về nuôi ốc hương.
Nuôi ốc hương rất nguy hại đến môi trường nếu nông hộ không xử lý nước thải bài bản trước khi đổ ra bên ngoài ao nuôi. Ngành thủy sản khuyến cáo người nuôi ốc hương trước mắt cần nỗ lực quản lý ao nuôi, vùng nuôi bằng cách xử lý nước sạch trước khi cho vào ao nuôi và kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn, làm sạch thức ăn trước khi đưa xuống ao nuôi, hạn chế dư thừa thức ăn để tránh gây ô nhiễm.
Nuôi ghép các loại thủy sản
Những năm trở lại đây, tôm nuôi ở vùng triều ven sông bị chết hàng loạt do bị ô nhiễm nguồn nước, xảy ra dịch bệnh. Nhiều hộ được tiếp sức của ngành thủy sản đã đầu tư nuôi ghép các loại cá, cua, tôm sú bằng hình thức xen canh, luân canh.
Ông Phạm Hùng (thôn Bình An, xã Tam Hòa, Núi Thành) được nhà nước hỗ trợ 50% chi phí mua cua giống, 50% chi phí thức ăn, chế phẩm sinh học đã đầu tư nuôi ghép cua với cá dìa và tôm sú trên diện tích 3.000m2.
Sau 7 tháng thả nuôi, ông Hùng thu hoạch được 300 con cá dìa đạt trọng lượng 3 con/kg, 300 con cua đạt trọng lượng 3 con/kg và 4.000 con tôm sú đạt trọng lượng 40 con/kg. Tổng giá trị thủy sản nuôi ông Hùng bán được là hơn 80 triệu đồng, lãi gần 50 triệu đồng.
“Cái khó lớn nhất là đầu ra không ổn định. Nhiều khi chúng tôi bị tư thương ép giá bán” - ông Hùng nói.
Ông Đặng Văn Quang - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành chia sẻ, nuôi ghép cua xanh với tôm sú, cá dìa, tôm càng xanh, cá đối, cá chẽm... là mô hình mới theo hướng an toàn dịch bệnh và môi trường, góp phần đa dạng hóa các đối tượng nuôi thủy sản, tạo ra nhiều sản phẩm cho người tiêu dùng lựa chọn.
Việc tiêu thụ cá, cua, tôm thương phẩm chưa thuận lợi bởi các mô hình còn nhỏ lẻ. Giải quyết bài toán này, ngành nông nghiệp sẽ hỗ trợ người nông dân liên kết với các doanh nghiệp chế biến thủy sản, mở rộng quy mô, đầu tư lớn hơn, cung ứng đủ nguyên liệu sạch, chế biến sâu, nâng cao giá trị thủy sản nuôi.
Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thực trạng nhiều diện tích nuôi tôm phải bỏ hoang do dịch bệnh đặt ra vấn đề lựa chọn, bổ sung các vật nuôi thủy sản mặn, lợ có giá trị kinh tế đưa vào nuôi luân canh, xen canh thay thế con tôm, vừa thay đổi môi trường vừa đa dạng hóa vật nuôi.
Để chuyển đổi hiệu quả con vật nuôi mới thay thế con tôm, người nuôi cần thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật; nên có ao lắng trữ nước trước khi cấp vào ao nuôi; con giống phải được mua ở những cơ sở có uy tín, có giấy kiểm định chất lượng; thả nuôi với mật độ hợp lý; quản lý chặt chẽ môi trường ao nuôi.