Quăng chài bắt cá, tôm trên sông Bàn Thạch

PHƯỚC HIẾU 13/06/2022 06:23

Sau khoảng 3 giờ chèo ghe, quăng chài trên sông Bàn Thạch, cha con ông Phạm Phương và Phạm Ty (cùng trú tại thôn Mỹ Cang, xã Tam Thăng, Tam Kỳ) bắt được chừng chục ký cá, tôm thu về khoảng 500 nghìn đến 1 triệu đồng.

Người dân xã Tam Thăng quăng chài trên sông Bàn Thạch. Ảnh: N.Q
Người dân xã Tam Thăng quăng chài trên sông Bàn Thạch. Ảnh: N.Q

Như thường nhật, khoảng 6 giờ sáng, cha con ông Phương cùng với gần chục ngư dân ở thôn Mỹ Cang chuẩn bị ngư lưới cụ, ghe, túi đựng để ra sông Bàn Thạch đánh bắt cá, tôm.

Hơn 20 năm trong nghề quăng chài, ông Phương cho hay phải thường xuyên theo dõi giờ nước xuống, cá, tôm tập trung thành đàn thì quăng chài mới hiệu quả.

Dụng cụ bắt cá, tôm khá đơn giản gồm tấm lưới có đường kính 5m, chiều cao 6m, được đính chì quanh miệng, mỗi tấm lưới nặng khoảng 10kg, được gia đình ông Phương đan thủ công. Tấm lưới chài tính theo giá thị trường gần 10 triệu đồng, sử dụng được 2 - 3 năm.

Khi chèo ghe ra giữa dòng sông, ông Phương đảm nhận việc giữ thăng bằng cho chiếc ghe, còn anh Ty quăng chài. Lưới chài được quăng ra xa cách ghe 2m, ở độ sâu 5m nước, ngâm chài trong vòng 3 phút để cá, tôm nằm gọn trong lưới.

Sau đó, anh Ty cầm sợi dây thừng ở đuôi chài kéo lên ghe, nếu chài mắc đá anh sẽ lặn xuống sông để gỡ, hạn chế cá thoát ra ngoài.

Trong tháng, hầu như ngày nào cha con ông Phương cũng chèo ghe đi quăng chài, tùy theo con nước mà thời gian đánh bắt kéo dài hay rút ngắn. Bình quân mỗi ngày, cha con ông Phương đánh bắt được chừng 10kg cá tôm các loại như trảnh, chép, rô phi, tôm càng xanh, leo..., thu từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng.

“Quăng chài nhìn dễ nhưng rất nguy hiểm, đòi hỏi ngư dân phải biết bơi và có sức khỏe, vì chài nặng, quăng nhiều lần sẽ nhanh mệt, khi đứng trên ghe cũng hết sức cẩn thận, sơ suất là té xuống sông” - ông Phương chia sẻ.

Trên sông Bàn Thạch, vợ chồng ông Phạm Cần (thôn Mỹ Cang) cũng chuyên nghề chài cá. Ông Cần cho biết, nay nước cạn nên việc đánh bắt cá thuận lợi. Vợ chồng ông bắt được gần 5kg cá và tôm càng xanh. Ông Cần nhẩm tính nếu bán hết số tôm cá này có thể thu lại vài trăm ngàn đồng.

“Gia đình tôi làm nghề chài lưới trên sông Bàn Thạch hơn 10 năm, trước đây cha mẹ tôi cũng hành nghề này để mưu sinh. Cũng nhờ nghề này, mà gia đình tôi có thêm thu nhập. Công việc tuy vất vả, nặng nhọc nhưng được cái dễ kiếm tiền, có nguồn thực phẩm ăn hàng ngày” - ông Cần nói.

Theo nhiều ngư dân xã Tam Thăng, mỗi tháng con nước lên theo giờ khác nhau, còn phụ thuộc vào thời tiết. Những khi trời mưa hoặc giông thì không hành nghề. Mỗi nhà tự làm lưới chài, để hoàn thành tấm chài mất khoảng 1 tháng trở lên, nhưng có độ bền rất lâu.

Quan niệm của ngư dân vùng sông nước là không đánh bắt cá nhỏ, để chúng sinh sản và phát triển. Lưới chài không có tính sát thương cá, nên con cá, tôm luôn khỏe mạnh, khai thác theo hình thức này không tận diệt thủy sản, bảo vệ môi trường.

PHƯỚC HIẾU