Ngư dân Núi Thành vượt khó vươn khơi
Vượt qua những khó khăn khi giá nhiên liệu, chi phí đầu vào tăng cao, trữ lượng hải sản giảm, ngư dân huyện Núi Thành hối hả vươn khơi vụ cá chính (từ ngày 1.4 đến 30.9).
Núi Thành là địa phương trọng điểm nghề cá khi sở hữu 413/671 tàu cá sản xuất xa bờ toàn tỉnh. Mỗi năm, ngư dân nơi đây đánh bắt được hơn 50 nghìn tấn hải sản, chiếm hơn 1/2 sản lượng hải sản ngư dân toàn tỉnh đánh bắt được.
Hậu cần trên biển
Khó khăn ngư dân Núi Thành đang phải đối mặt là giá dầu diesel hiện ở mức rất cao, hơn 25 nghìn đồng/lít. Với mỗi chuyến đánh bắt hải sản xa bờ chừng 20 ngày, chi phí nhiên liệu tốn hơn 150 triệu đồng.
Để giảm chi phí đầu vào, ngư dân hình thành các đội tàu mẹ - tàu con. Cả 2 tàu cùng ra khơi sản xuất, tàu con chở hải sản về bờ bán rồi mua nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nước uống, đá cây... ra biển để phục vụ nhu cầu sản xuất chung của cả 2 tàu.
Ngư dân Trần Chinh (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang) - chủ 2 tàu lưới vây QNa-91658 và QNa-91745 cho biết, mô hình tàu mẹ - tàu con vừa tiết giảm được nhiều chi phí vừa tăng sản lượng khai thác ở mỗi chuyến biển. Vào vụ sản xuất chính này, anh Chinh kỳ vọng mỗi chuyến biển đều khai thác đạt sản lượng.
“Khi may mắn gặp luồng cá lớn, cả 2 tàu đều tham gia vây bắt cá nên mẻ lưới đầy. Chỉ 1 tàu vào bờ nên giảm chi phí nhiên liệu lại tăng chuyến biển và thời gian bám biển. Hải sản đánh bắt được đưa vào bờ liên tục nên có chất lượng cao, bán được giá, tăng lợi nhuận” - anh Chinh nói.
Ông Lê Văn Hiệp - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, hình thức tổ chức sản xuất trên biển bằng tàu mẹ - tàu con ngày càng được ngư dân trên địa bàn thực hiện. Bằng nguồn vốn tích lũy được cộng với vốn vay lãi suất 0% của Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam, những ngư dân đã có 1 tàu cá mạnh dạn tiếp cận, đóng thêm tàu mới để sản xuất đạt hiệu quả hơn.
Trên địa bàn huyện Núi Thành cũng đã hình thành các tàu thực hiện hậu cần trên biển. Các tàu này ra biển mua hải sản, đồng thời bán dầu và các nhu yếu phẩm để phục vụ quá trình sản xuất quanh năm của ngư dân.
Mô hình trên cũng giúp ngư dân giảm chi phí đầu vào, tăng thời gian bám biển và tăng giá hải sản đầu ra nhờ tươi, thời gian bảo quản ít. Được ví như “chợ di động trên biển xa”, loại hình dịch vụ hậu cần nghề cá ngày càng được mở rộng trong nghề khai thác hải sản ở Núi Thành. Với tính “lưỡng tiện”, phát triển dịch vụ hậu cần trên biển là yếu tố cần thiết giúp nghề cá của địa phương nâng cao chất lượng hoạt động.
Đầu tư theo chiều sâu
Ngư dân Nguyễn Thanh Thành (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) - chủ tàu lưới vây QNa-91636 cho biết, do trữ lượng hải sản ở ngư trường Hoàng Sa suy giảm nên anh đã đầu tư thêm nhiều máy móc, thiết bị hiện đại để tăng năng lực đánh bắt.
Với máy dò cá ngang, khi chùm tia siêu âm phát ra chạm vào đàn cá thì bị phản xạ trở lại đầu dò, máy sẽ thu lại, hiển thị trên màn hình cho biết rõ vị trí, độ lớn, luồng di chuyển của đàn cá. Lúc đó, ngư dân sẽ vây bắt cá hiệu quả.
Với máy thu lưới thủy lực thay cho kéo lưới truyền thống, anh Thành tiết kiệm công sức, giữ an toàn cho các lao động, tăng thêm độ sâu và chiều rộng của vàn lưới, tăng sản lượng đánh bắt hải sản ở mỗi mẻ lưới.
“Lao động nghề cá ngày càng khan hiếm nên tôi đầu tư máy móc để thay dần sức lao động của bạn biển. Ở vụ chính này, tôi dự kiến sẽ thực hiện nhiều chuyến biển, kỳ vọng thu được giá trị kinh tế khá” - anh Thành nói.
Nhiều ngư dân ở huyện Núi Thành đã mạnh dạn đầu tư hầm bảo quản hải sản bằng vật liệu P.U thay thế cho hầm bảo quản hải sản truyền thống.
Theo bà Huỳnh Thị Mỹ Dung - Chủ tịch UBND xã Tam Quang, đầu tư hầm bảo quản hải sản P.U trên tàu cá giúp ngư dân giảm hao hụt, tăng chất lượng hải sản. Đó là sự vận động nội tại giúp nghề cá địa phương ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.
Các loại máy định vị, định dạng, radar, máy Icom tầm trung, tầm xa, tầm ngắn, thiết bị định vị vệ tinh GPS cũng giúp ngư dân chia sẻ ngư trường, đoàn kết, tương trợ khi thời tiết trên các vùng biển xa biến động.
Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, thông tin ngư trường, nguồn lợi là giải pháp để giúp ngư dân sản xuất đạt trong vụ cá chính này. Bởi vậy, ngành nông nghiệp huyện luôn phối hợp với ngành thủy sản của tỉnh để cung cấp đến ngư dân các bản tin dự báo các vùng biển có nhiều luồng cá hoạt động để đánh bắt đạt sản lượng.
Cùng với đó, giúp ngư dân hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để được nhận hỗ trợ nhiên liệu đi và về của chuyến biển, giảm chi phí nghề khai thác hải sản.