Nước thải từ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Núi Thành: Cần giải pháp xử lý căn cơ

VĂN PHIN 07/04/2022 03:57

Huyện Núi Thành có thế mạnh về nghề nuôi trồng thủy sản, nhưng hệ lụy của nghề này là nước thải xả ra môi trường gây tác động không nhỏ đến hệ sinh thái tự nhiên. Địa phương cần có giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng này.

Nhiều hồ tôm xả thải vượt quy chuẩn ra môi trường. Ảnh: VĂN PHIN
Nhiều hồ tôm xả thải vượt quy chuẩn ra môi trường. Ảnh: VĂN PHIN

Vượt quy chuẩn cho phép

Theo Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Núi Thành, trong năm 2021, cơ quan chuyên môn tổ chức 3 đợt quan trắc tại ao nuôi tôm xã Tam Tiến và xã Tam Hòa. Kết quả cho thấy hầu hết chỉ số như nồng độ BOD, NH3, H2S, Nitrit, kiềm, Coliform đều vượt từ 1 đến hàng chục lần mức tiêu chuẩn.

So sánh kết quả quan trắc nước thải nuôi trồng thủy sản năm 2021 tại huyện Núi Thành từ năm 2016 đến 2020 cho thấy: Hàm lượng TSS tăng cao ở cả 2 điểm thu mẫu vào các năm 2018, 2019, vượt 2 đến 6 lần so với quy chuẩn; đến năm 2020 có xu hướng giảm. Hàm lượng BOD có xu hướng tăng đều qua các năm 2017 - 2020.

Hầu hết kết quả các đợt quan trắc của cơ quan chuyên môn tại ao nuôi tôm huyện Núi Thành đều vượt quy chuẩn từ 2 đến 3 lần; tuy nhiên có giảm mạnh vào cuối năm 2021 dưới giới hạn cho phép.

Nồng độ NH3 hầu hết đợt thu mẫu tại 2 vị trí quan trắc qua các năm đều vượt quy chuẩn nhiều lần và ổn định ở mức cao, chưa có xu hướng giảm. Thông số H2S có xu hướng giảm dần qua các năm nhưng vẫn vượt giới hạn cho phép ở một số đợt quan trắc. Các thông số DO, độ trong, độ muối, kim loại Pb trong nước nuôi trồng thủy sản tương đối ít biến động qua các đợt quan trắc.

Cần giải pháp căn cơ

Núi Thành hiện có hơn 1.400ha mặt nước nuôi trồng thủy sản tập trung ở các xã ven sông, ven biển như Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Xuân 2, Tam Hải, Tam Giang, Tam Quang…

Một hồ nuôi tôm ở Núi Thành. Ảnh: Văn Phin
Một hồ nuôi tôm ở Núi Thành. Ảnh: Văn Phin

Hàng năm, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 8.000 tấn, doanh thu gần 800 tỷ đồng, đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân vùng triều. Tuy nhiên, do người dân nuôi tôm theo tập quán và mang nặng tính tự phát, không theo quy hoạch nên việc xử lý nước thải xả ra môi trường không đảm bảo, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên.

Bà Bùi Thị Hồng – Phó Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Núi Thành cho biết, nước thải nuôi trồng thủy sản hầu hết chưa được xử lý trước khi đổ ra môi trường khiến chất lượng nước sông tại vũng An Hòa, sông Trường Giang đoạn từ xã Tam Tiến về phía Cửa Lở, cửa An Hòa là đối tượng bị tác động chính.

Qua kết quả quan trắc năm 2021 cho thấy nước thải từ nuôi trồng thủy sản có nồng độ các chỉ tiêu TSS, BOD5, NH3, H2S cao sẽ làm gia tăng độ đục, nồng độ các chất dinh dưỡng, chất hữu cơ trong nguồn nước tiếp nhận gây nên tình trạng phú dưỡng và tác động đến các loài thủy sinh vật, đặc biệt là cỏ biển, các loài cây ngập mặn và nguồn lợi thủy sản tại khu vực sông Trường Giang, vũng An Hòa.

Theo UBND huyện Núi Thành, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện diễn ra lâu nay, tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư dẫn đến nước thải từ hoạt động này không xử lý đạt quy chuẩn và đổ trực tiếp ra sông. Các sông bị ảnh hưởng bởi nước thải là Trường Giang, sông Tam Kỳ, vũng An Hòa… trên địa bàn các xã Tam Hòa, Tam Tiến, Tam Hải.

“Huyện đang có giải pháp căn cơ để xử lý nước thải từ nuôi trồng thủy sản. Mỗi hộ nuôi trồng thủy sản phải có hệ thống xử lý nước thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong quản lý, bảo vệ môi trường nuôi trồng thủy sản. Kiểm soát, hạn chế nguy cơ tăng ô nhiễm môi trường nước, thích ứng biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi trồng thủy sản bền vững” - bà Bùi Thị Hồng nói.

VĂN PHIN