Gấp rút lắp đặt giám sát trên tàu cá
Quảng Nam đang vận động các chủ phương tiện có chiều dài từ 15m trở lên hoàn thiện lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá.
Đây là một trong những giải pháp quan trọng để cùng với cả nước khẩn trương gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC) phạt từ năm 2017 đến nay. Máy giám sát hành trình (GSHT) khi đưa vào sử dụng trên các tàu cá giúp ngư dân có kênh thông tin liên lạc hữu hiệu để chủ động phòng tránh bão trên biển, hạn chế rủi ro cho người và phương tiện.
Chuyển biến
Quảng Nam hiện có đến 671 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên khai thác hải sản xa bờ với nhiều ngành nghề khác nhau như câu mực, lưới chụp, lưới vây. Đến nay đã có 653 tàu cá hoàn thiện lắp đặt, vận hành GSHT.
Ông Nguyễn Đình Toàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, hoàn thành lắp đặt, vận hành GSHT trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên là một trong những yêu cầu gấp rút nhằm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của EC.
Nghị định 26 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thủy sản 2017, trong đó, quy định rõ lắp đặt thiết bị GSHT trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải hoàn thành trước ngày 1.4.2020. “Tuy chưa hoàn thành nhưng số tàu cá đã lắp đặt GSHT của Quảng Nam khá cao, hơn 95%” - ông Toàn nói.
Một số chủ tàu cá cho biết, hoạt động của GSHT chưa ổn định dẫn tới việc tàu cá bị mất kết nối khi khai thác trên biển. Hệ lụy là không được hỗ trợ dầu để giảm phí chuyến biển và không được cấp giấy phép để khai thác hải sản hợp lệ. Còn có tình trạng chủ tàu cá chưa đóng cước phí thuê bao hằng tháng nên đơn vị cung cấp dịch vụ ngắt kết nối GSHT, gây khó khăn trong quản lý tàu cá sản xuất trên biển.
GSHT được lắp đặt, vận hành trên tàu cá sản xuất xa bờ đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Thứ nhất, giúp lực lượng chức năng quản lý tốt các tàu cá, cảnh báo, ngăn chặn nhiều trường hợp ngư dân đưa tàu cá sang vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép. Ngoài ra qua GSHT, ngành chức năng cung cấp các bản tin dự báo ngư trường giúp ngư dân đánh bắt hải sản hiệu quả hơn.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, cán bộ ở các trạm biên phòng luôn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng cảnh sát biển, thanh tra thủy sản và địa phương có nghề cá để tuyên truyền, vận động các chủ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên nắm chắc tác dụng của thiết bị GSHT, lắp đặt, vận hành đúng quy định. Trong quá trình đánh bắt hải sản, nếu không may gặp sự cố, GSHT giúp ngành chức năng xác định được vị trí tàu để kịp thời hỗ trợ.
Thường xuyên khai thác hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, ngư dân Nguyễn Văn Nghị (thôn Sâm Linh Đông, Tam Quang, Núi Thành) cho biết, với GSHT trên tàu cá, có kênh để liên tục tiếp nhận thông tin tin cậy về thời tiết để tổ chức đánh bắt hải sản trên biển, bảo vệ người và phương tiện.
Giải quyết vướng mắc
Nhiều chủ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên cho biết gặp khó về kinh phí trong lắp đặt GSHT. Cụ thể, nguồn lợi hải sản suy giảm, lực lượng lao động thiếu hụt, chi phí mỗi chuyến biển tăng cao khiến ngư dân khó thu được lợi nhuận. Trong khi đó, chi phí lắp đặt GSHT lên đến hơn 20 triệu đồng. Rồi chủ tàu phải trả phí gần 1 triệu đồng/tháng để vận hành GSHT.
“Để lắp đặt, vận hành GSHT theo quy định, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí lắp đặt GSHT, hỗ trợ cước phí duy trì kết nối GSHT” - ngư dân Phan Văn Phước (chủ tàu cá hành nghề lưới vây ở thôn Bình Tân, Bình Minh, Thăng Bình) nói.
Bất cập trong lắp đặt, vận hành GSHT trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên trên địa bàn tỉnh là không ít ngư dân biết quy định nhưng không thực hiện. Số này chủ yếu là các tàu theo nghề lưới kéo, lưới vây trũ, lưới chụp.
Nhiều chủ tàu hoạt động nghề lưới kéo nhưng lại đăng ký phương tiện hành nghề khác. Họ không lắp đặt, vận hành GSHT để “qua mắt” sự quản lý, kiểm soát của các cơ quan chức năng. Ở các tàu theo nghề lưới vây trũ và lưới chụp, có chiều dài hơn15m bắt buộc phải sản xuất xa bờ nhưng đánh bắt hải sản chủ yếu lại ở tuyến lộng.
Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, đề xuất của các ngư dân là thiết thực nên sẽ xem xét để tham mưu cấp trên kiến nghị đến Trung ương hỗ trợ kinh phí giúp ngư dân hoàn thiện lắp đặt, vận hành GSHT trên tàu cá.
Đối với các tàu lưới kéo, lưới chụp, lưới vây trũ như nói ở trên sẽ đẩy mạnh tuyên truyền vận động, tạo bước chuyển thay đổi nhận thức ngư dân đi đôi với tăng tần suất kiểm tra, kiểm soát trên biển, phát hiện, xử phạt nặng để đủ sức răn đe. Giải pháp khác là ngành thủy sản khuyến cáo các chủ tàu sản xuất ở tuyến lộng khẩn trương cải hoán để tàu cá có chiều dài dưới 15m theo đúng quy định.