Hướng đến nghề cá có trách nhiệm

VIỆT NGUYỄN 18/03/2022 06:34

Bộ NN&PTNT và các địa phương có nghề cá đang đẩy nhanh thực hiện các khuyến cáo của Ủy ban châu Âu về gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Theo đó, sau khi Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ năm 2019, Bộ NN&PTNT đã bắt tay sửa đổi các thông tư quy định về khai thác hải sản, không chỉ vì mục đích gỡ “thẻ vàng” mà còn hướng đến nghề cá có trách nhiệm.

Đội tàu khai thác xa bờ của Quảng Nam phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Đội tàu khai thác xa bờ của Quảng Nam phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Quy định chặt chẽ

Điểm mới của Thông tư 01 vừa được Bộ NN&PTNT ban hành về sửa đổi, bổ sung các thông tư trong lĩnh vực thủy sản là quy định tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên khi cập cảng, chủ tàu hay thuyền trưởng bắt buộc phải xuất trình sổ ghi nhật ký khai thác hải sản cho ngành chức năng rồi mới được bán hải sản.

Ông Ngô Văn Định - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá & quản lý cảng cá Quảng Nam cho biết, công tác tuyên truyền đã được triển khai, các chủ tàu, thuyền trưởng bắt đầu thực hiện quy định mới.

“Trước đây, ngư dân có thể cập cảng, bán hải sản xong rồi nộp nhật ký khai thác hải sản trong vòng 24 giờ. Nay quy định chặt chẽ hơn vì mục tiêu ngành thủy sản truy xuất nguồn gốc hải sản và đáp ứng các quy định quốc tế về an toàn thực phẩm để chế biến xuất khẩu, tăng giá trị hải sản sau khai thác” - ông Định nói.

Xử lý 94 trường hợp tàu cá sai phạm

Thời gian qua, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá & quản lý cảng cá Quảng Nam phối hợp với Văn phòng Kiểm soát nghề cá lập biên bản, xử lý nhiều trường hợp tàu cá của ngư dân Quảng Nam sai phạm khi sản xuất trên biển, nhiều nhất là tàu cá hành nghề câu mực khơi. Trong năm 2020, xử lý 37 trường hợp, gồm 11 tàu cá vượt ranh giới vùng biển Việt Nam để khai thác hải sản, 26 trường hợp tắt giám sát hành trình. Năm 2021 xử lý 57 trường hợp khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài và tắt giám sát hành trình, gồm 32 trường hợp tàu cá cập cảng ở Quảng Nam và 25 tàu cá cập cảng ngoài tỉnh.

Trước đây, trong Thông tư 13 của Bộ NN&PTNT quy định khi tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp cập cảng, cơ quan quản lý cảng cá không cho bốc dỡ hải sản và thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.

Các hành vi đánh bắt hải sản không giấy phép; đánh bắt các loài hải sản thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm; đánh bắt trong vùng cấm; đánh bắt sai ngư trường tuyến lộng, ven bờ, xa bờ đều là khai thác hải sản bất hợp pháp.

Nay Thông tư 01 bổ sung thêm hành vi tàu cá không duy trì tín hiệu giám sát hành trình khi hoạt động trên biển từ 6 giờ trở lên nhưng không báo cáo vị trí theo quy định và các tàu cá khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài vào nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm quy định khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Các tàu cá loại này khi cập cảng, ban quản lý cảng cá không cho bốc dỡ hải sản mà giữ lại, báo Văn phòng Kiểm soát nghề cá để xử lý theo quy định.

Đây là giải pháp tăng ý thức trách nhiệm của ngư dân, tuân thủ quy định của pháp luật khi khai thác hải sản trên biển, khắc phục tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp lâu nay.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hằng tuần sở đều cập nhật danh sách tàu cá trên địa bàn tỉnh có nguy cơ cao vi phạm quy định khai thác thủy sản bất hợp pháp gửi về các cơ quan của tỉnh, ngành thủy sản các địa phương và Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) để cập nhật, căn cứ xử lý.

Ngoài ra, đối với các tàu cá không sai phạm nhưng khi cập cảng, sản lượng hải sản bốc dỡ sai lệch hơn 20% so với sản lượng khai báo thì ban quản lý cảng cá lập biên bản, xử lý theo thẩm quyền hoặc bàn giao cho cơ quan khác xử lý theo quy định.

Đội tàu khai thác xa bờ của Quảng Nam phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Đội tàu khai thác xa bờ của Quảng Nam phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Giải quyết vướng mắc

Ngư dân Phạm Thanh Trung (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) hành nghề lưới chụp vừa cập cảng cá An Hòa cho biết, đã nắm bắt được các điểm mới trong Thông tư 01.

“Tôi luôn tuân thủ các quy định của pháp luật về khai thác hải sản để phát triển nghề cá bền vững. Trong điều kiện xăng dầu tăng giá quá cao như hiện nay, việc tuân thủy các quy định còn giúp chủ tàu có thể nhận được tối đa 4 lần hỗ trợ xăng dầu mỗi năm của Nhà nước” - ông Trung nói.

Tuy nhiên, do các bất cập tồn tại dai dẳng nên việc triển khai Thông tư 01 gặp trở ngại. Ông Ngô Văn Định thừa nhận, trong số các tàu cập cảng, bốc dỡ hải sản có thể có các tàu cá khai thác hải sản sai ngư trường.

Cụ thể, các tàu giã cào của ngư dân trên địa bàn tỉnh và địa phương khác có chiều dài từ 12m đến dưới 15m phải sản xuất ở tuyến lộng nhưng có thể khai thác hải sản ở tuyến ven bờ. Do tàu cá có chiều dài dưới 15m không bắt buộc phải trang bị giám sát hành trình nên khi cập cảng không có cơ sở để xác định họ đánh bắt sai ngư trường.

“Ngành thủy sản, các địa phương có nghề cá cần thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử phạt tàu cá sai phạm quy định, cập nhật giúp ban quản lý cảng cá để xử lý khi tàu cập cảng. Có vậy thì quy định của Thông tư 01 mới nghiêm ngặt, vì nghề cá có trách nhiệm” - ông Định nói.

Tại buổi làm việc mới đây với Chi cục Thủy sản Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu thống nhất với kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư tàu kiểm ngư thay thế tàu kiểm ngư đã hỏng và trang bị thêm ca nô để thường xuyên tuần tra, giám sát, xử lý nghiêm tàu cá sai phạm quy định khi sản xuất trên biển.

VIỆT NGUYỄN