Làm giàu từ mô hình nuôi cá diêu hồng

TRẦN TRÍ – NGUYỄN QUỲNH 07/03/2022 16:58

(QNO) - Tận dụng nguồn nước trên sông Trường Giang cùng với đó là điều kiện khí hậu thuận lợi. Ông Nguyễn Tấn Báu (SN 1964, thôn Lạc Câu, xã Bình Dương, Thăng Bình) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển mô hình nuôi cá diêu hồng, hiện đang đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Làm giàu nhờ mô hình nuôi cá diêu hồng. (Ảnh: NGUYỄN QUỲNH – TRẦN TRÍ)
Mô hình nuôi cá diêu hồng trên sông Trường Giang của ông Báu. Ảnh: NGUYỄN QUỲNH – TRẦN TRÍ

Ông Nguyễn Tấn Báu trước kia làm nghề cào hến trên sông Trường Giang, nghề cực khổ mà thu nhập lại bấp bênh nên ông quyết tâm tìm hướng khác để phát triển kinh tế. Năm 2020, với khoảng 500 triệu đồng đã dành dụm bấy lâu, ông mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình gần 120m2 để nuôi cá diêu hồng. 

Do chưa nắm vững đặc tính sinh trưởng, cách thức chăm sóc, những ngày đầu lập nghiệp của ông Báu không mấy suôn sẻ khi gần 4 tấn cá chết mà không rõ nguyên nhân. Nhờ tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, tình trạng cá chết được khắc phục. Mọi cố gắng của ông được đền đáp với mẻ cá đầu tiên lãi gần 100 triệu đồng.

Bảo quản lưới khỏi chuột phá hoại bằng cách trên lưới lên cao – ông Báu chia sẻ thêm. (Ảnh: NGUYỄN QUỲNH – TRẦN TRÍ)
Bảo quản lưới khỏi chuột phá hoại bằng cách treo lưới lên cao. Ảnh: NGUYỄN QUỲNH – TRẦN TRÍ

Nhận thấy mô hình có tiềm năng phát triển, tháng 11.2020 ông Báu vay 500 triệu đồng của ngân hàng Agribank để mở rộng diện tích lồng bè. “Cá diêu hồng dễ nuôi, ít bệnh tật, đem lại hiệu quả kinh tế cao, cùng với đó là điều kiện tự nhiên thuận lợi nên tôi quyết tâm mở rộng mô hình” – ông Nguyễn Tấn Báu chia sẻ. 

Theo ông Báu, để chăm sóc cá diêu hồng theo cách nuôi lồng bè hiệu quả, thì nên xây dựng bè với mật độ thưa để cá nhanh phát triển, cho cá ăn bột 2 lần/ngày khi con nước đứng để tránh hao bột. Khoảng 15 ngày thì vệ sinh lồng bè để hạn chế các bệnh gây hại. Mới thả cá vào nếu xảy ra tình trạng cá chết thì ngừng cho cá ăn, vì càng cho ăn vừa tốn kém mà cá càng chết.

Ông Nguyễn Tấn Báu vỗ tay khi cho cá ăn giống ăn. Ảnh: NGUYỄN QUỲNH – TRẦN TRÍ
Ông Nguyễn Tấn Báu vỗ tay ra hiệu khi cho cá ăn giống ăn. Ảnh: NGUYỄN QUỲNH – TRẦN TRÍ

Nguồn giống được ông Báu lấy từ Sài Gòn, nhưng kích cỡ nhỏ nên cần phải nuôi thêm khoảng 1 tháng rưỡi nữa thì đem thả vào lồng. Với mật độ 3.000 con/1 lồng 24m2, sau 5 đến 6 tháng chăm sóc thì cá có thể đạt trọng lượng từ 700-800g/con là xuất bán được, ông Báu chia sẻ.

Sau 5-6 tháng chăm sóc thì cá có thể xuất bán. Ảnh: NGUYỄN QUỲNH – TRẦN TRÍ
Sau 5-6 tháng chăm sóc thì cá có thể xuất bán. Ảnh: NGUYỄN QUỲNH – TRẦN TRÍ

Thị trường tiêu thụ cá của ông Báu chủ yếu là Quảng Nam và Đà Nẵng. Tùy kích cỡ to, nhỏ mà giá cả có thể chênh lệch. Với giá bán cho thương lái khoảng 50.000 đồng/kg thì theo ước tính của ông, ngoài trừ các chi phí liên quan, mỗi năm ông lãi gần 500 triệu đồng.

Thương lái đang mua cá nhà ông Báu. Ảnh: NGUYỄN QUỲNH – TRẦN TRÍ
Thương lái đang mua cá của lồng nuôi ông Báu. Ảnh: NGUYỄN QUỲNH – TRẦN TRÍ

Ông Trần Quang Nam - một thương lái mua cá đến từ Đà Nẵng cho biết, rất tin tưởng về chất lượng cá diêu hồng của ông Báu. Bên cạnh đó con cá rất khỏe mạnh nên vận chuyển đi xa cũng không sao. Ông Báu cho biết thêm, thương lái lẫn người dân địa phương rất thích mua cá của ông vì cá được nuôi trên dòng nước sạch, không dùng các loại thuốc tăng trưởng nên thịt cá vừa ngon vừa an toàn sức khỏe. 

Hiện tại mô hình nuôi cá diêu hồng của ông có hơn 1.000m2 với gần 65 lồng, tổng giá trị mô hình chăn nuôi này xấp xỉ 2 tỷ đồng. Trong tương lai, ông dự định mở rộng mô hình này để nâng cao nguồn thu nhập.

Là một người tham gia sôi nổi vào các phong trào của địa phương, ông Nguyễn Tấn Báu còn luôn sẵn lòng chia sẻ con giống, thức ăn cá cho những người cùng nuôi. Ông Báu cũng không ngần ngại truyền đạt kinh nghiệm mình có được đến mọi người có thể cùng nhau làm giàu từ mô hình nuôi cá diêu hồng này.

TRẦN TRÍ – NGUYỄN QUỲNH