Triển vọng nghề nuôi biển
Quảng Nam đang nỗ lực khơi thông lợi thế, đánh thức tiềm năng nuôi hải sản ở biển để góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Tự phát, rủi ro cao
Cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng hải sản trên biển (nuôi biển) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, phấn đấu đến năm 2030 diện tích nuôi biển sẽ đạt 30.000ha, sản lượng 1,45 triệu tấn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, cả nước đang từng bước phát triển nghề nuôi biển thành ngành nghề kinh tế theo hướng công nghiệp. Phát triển nuôi biển còn lợi ích khác là giảm áp lực khai thác hải sản quá cường độ; đồng thời, chuyển đổi nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên và nguồn lợi hiện có; phát triển thủy sản bền vững đi đôi với đảm bảo quốc phòng an ninh trên biển.
Đề án nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ xác định nuôi các đối tượng hải sản có lợi thế cạnh trạnh, có thị trường tiêu thụ lớn, nhóm cá biển, nhóm nhuyễn thể và các đối tượng nuôi biển khác có giá trị kinh tế cao, đem lại lợi nhuận cao. Về cách thức đầu tư, nuôi biển công nghiệp, hiện đại, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại Quảng Nam, nghề nuôi biển bước đầu hình thành với các mô hình nhỏ lẻ như nuôi hàu thương phẩm của hộ ông Bùi Ngọc Hoành (thôn Xuân Mỹ, xã đảo Tam Hải, Núi Thành); nuôi cua biển ở các khu vực ven biển Hội An, Duy Xuyên, Núi Thành và nuôi các loại cá bớp, cá sặc, dìa, chẽm, măng ở ven biển Cửa Đại (Hội An), Cửa Lở (Núi Thành).
Ông Bùi Ngọc Hoành cho biết, với hình thức nuôi hàu thả đáy trong khay, trung bình mỗi năm thu được hơn 4 tấn hàu, bán được hơn 100 triệu đồng, lãi khoảng 70 triệu đồng. Nuôi hàu thuận lợi bởi vùng ven biển rộng lớn nhưng rủi ro là hàu dễ bị chết đột ngột do môi trường nước biến động bởi ô nhiễm.
“Mong các ngành chức năng có giải pháp thiết thực bảo vệ môi trường nước khu vực ven biển Tam Hải để giúp người dân nuôi hải sản thuận lợi” - ông Hoành nói.
Ông Phạm Xuân Sang (khối Phước Thịnh, phường Cửa Đại, TP.Hội An) - chủ mô hình nuôi các loại cá bớp, cá măng, các sặc ở ven biển Cửa Đại cho biết, mỗi năm thu lãi gần 500 triệu đồng do đầu ra ổn định nhờ các loại cá chất lượng tốt, chế biến xuất khẩu.
“Mong UBND TP.Hội An có quy hoạch cụ thể để phát triển nghề nuôi biển. Hiện nay, chúng tôi nuôi hải sản được chăng hay chớ, chịu ảnh hưởng lớn bởi các dự án du lịch và giao thông” - ông Sang nói.
Với chiều dài bờ biển 125km2, 2 cửa biển lớn Cửa Đại (Hội An) và An Hòa (Núi Thành) cùng 2 khu vực xã đảo rộng lớn Tân Hiệp (Hội An), Tam Hải (Núi Thành), Quảng Nam có lợi thế để phát triển nuôi biển. Tuy vậy, các mô hình nuôi biển trong thời gian qua diễn ra tự phát, mạnh ai nấy làm, giá trị kinh tế thu được chưa cao. Bởi vậy, bắt tay khơi thông lợi thế, phát triển nghề nuôi biển là cấp thiết với ngành thủy sản Quảng Nam.
Thu hút doanh nghiệp đầu tư lớn
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, dự kiến tháng 3 năm nay, Quảng Nam sẽ tổ chức hội thảo để tìm giải pháp hiệu quả phát triển nghề nuôi biển bền vững của tỉnh và Trung ương. Theo đó, đã mời 10 doanh nghiệp có kinh nghiệm tham gia. “Hội thảo sẽ bàn bạc, ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp, ngành sẽ tổng hợp, phân tích, tham mưu UBND tỉnh có cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ, tạo động lực cho phát triển nghề nuôi biển đúng với tiềm năng, lợi thế đang có” - ông Ngô Tấn nói.
Các vùng biển Quảng Nam thường chịu tác động mạnh của bão, nước biển dâng là những thách thức cần vượt qua để nuôi biển thành công. Theo Sở NN&PTNT, khi triển khai các dự án nuôi biển, cùng với con giống nuôi biển tốt, chất lượng, doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ cao để nuôi theo hướng công nghiệp, hiện đại.
Trước hết, không thể dùng các lồng bè nuôi bằng thép, gỗ như các mô hình nuôi ở sông, hồ thủy lợi, thủy điện mà phải dùng lồng nuôi HDPE kiên cố, chống chọi tốt với bão. Loại hình lồng nuôi HDPE hiện đại đã được các công ty trong nước sản xuất, cung ứng với giá giảm 50 - 60% so với loại ngoại nhập.
Cùng với lồng nuôi, thức ăn cho nuôi biển cũng phải thay đổi phù hợp. Các loại thức ăn truyền thống như cá tạp, hải sản tươi sẽ được thay thế bằng thức ăn công nghiệp, nhằm giảm chi phí, hạn chế tác động xấu đến môi trường biển.
Cần có cơ chế, chính sách về tín dụng, bảo hiểm, đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, sơ chế, chế biến hải sản khi thu hoạch nuôi biển, nhất là phục vụ thị trường xuất khẩu. Những cơ chế, chính sách này sẽ được thực hiện đồng bộ. Đó là cú hích thu hút doanh nghiệp, từ đó từng bước nhân rộng nghề nuôi biển trên địa bàn tỉnh.