Nuôi tôm nước lợ vụ 1: Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Những năm qua, dịch bệnh thường xuyên xảy ra gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh. Bước vào vụ 1 này, nông dân cần phòng bệnh hiệu quả cho tôm nuôi.
Hạ tầng sơ sài; không có kênh cấp, kênh thoát nước riêng biệt; thủy lợi cho nuôi tôm hạn chế; nông hộ chưa đầu tư ao lắng, ao xử lý nước thải... là những điểm yếu khiến cho môi trường nước trong ao nuôi tôm biến động. Hệ lụy là những năm qua tôm nuôi trên địa bàn tỉnh thường chết hàng loạt, lây lan thành dịch khiến nghề nuôi tôm thất bát, thua lỗ.
Phòng bệnh hoại tử gan tụy
Tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy trên tôm là vi khuẩn Vibrio Parahaemolyticus tiết độc tố làm rối loạn chức năng gan tụy và hoại tử mô gan tụy khiến tôm chết. Biểu hiện của bệnh này là trên thân tôm nuôi có các điểm đen, thời điểm xuất hiện của bệnh là 45 ngày đầu khi thả nuôi tôm giống. Bệnh này chưa có thuốc đặc trị nên người nuôi chỉ có thể hạn chế bệnh bằng cách đề phòng.
Ông Phan Quang Nhật (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa, Núi Thành) cho biết, từng bị thiệt hại nặng nề bởi bệnh hoại tử gan tụy trên tôm nên ông đi tham quan, học hỏi, tìm hiểu để có giải pháp phòng bệnh hữu hiệu.
Ở vụ 1 này, với 4 ao nuôi tôm có diện tích 2.000m2, ông Nhật giữ môi trường nước trong ao nuôi ổn định và thường xuyên bồi bổ cho tôm nuôi để tăng sức đề kháng, tạo miễn dịch với bệnh.
“Nuôi tôm sau khi cải tạo ao nuôi kỹ, lắng lọc nước sạch, tôi dùng chế phẩm sinh học từ gừng, tỏi, riềng tạt thẳng xuống ao nuôi và trộn lẫn trong thức ăn để tôm hấp thụ vào cơ thể” - ông Nhật nói.
Đó là cách để ông Nhật giữ gìn nước ao nuôi tôm luôn sạch sẽ, đồng thời cung cấp hệ vi sinh để diệt khuẩn, loại trừ hoạt động của vi khuẩn Vibrio Parahaemolyticus.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, hoại tử gan tụy là một trong những bệnh thường gặp, gây chết hàng loạt cho tôm nuôi. Bởi vậy, điều kiện cần để loại bỏ bệnh này là nhất thiết phải nuôi tôm bằng con giống sạch.
Nông hộ cần mua tôm giống của các doanh nghiệp uy tín, đã khẳng định thương hiệu, nhất là phải đảm bảo xét nghiệm tôm giống không nhiễm bệnh hoại tử gan tụy. Người nuôi tôm cần chú ý thức ăn cho tôm, tránh cho tôm ăn thức ăn đã bị nấm mốc, nhiễm khuẩn dễ phát tán vi khuẩn Vibrio Parahaemolyticus.
Người nuôi tôm cần tăng thêm miễn dịch cho tôm bằng các chất khoáng, vitamin C,A, E. Cùng với đó, ngăn chặn sự có mặt của các nhân tố gây bệnh hoại tử gan tụy, nhất là các ion kim loại nặng.
Hạn chế nguy cơ dịch bệnh
Nghề nuôi tôm Quảng Nam khó phát triển bền vững là do nông hộ chủ yếu sử dụng kháng sinh khi tôm nhiễm bệnh, bị động, hiệu quả thấp. Nhiều tỉnh, thành đã chuyển nhiều diện tích nuôi tôm sang phương pháp an toàn sinh học, dùng men vi sinh để ổn định chất lượng nước trong ao.
Trong khi đó, khắp các vùng nuôi của tỉnh, do sử dụng hóa chất tức thời nên chỉ sau thời gian ngắn, trong ao nuôi tôm lại chứa nhiều chất thải dư thừa, mùn bã hữu cơ - tác nhân gây các bệnh nguy hiểm như taura, đốm trắng.
Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, để từng bước khống chế dịch bệnh trên tôm nuôi, đơn vị đang phối hợp với các địa phương có nghề nuôi tôm tuyên truyền, vận động để thay đổi ý thức của người nuôi tôm, nhất là nuôi ở vùng triều ven sông về lựa chọn sử dụng men vi sinh thay kháng sinh.
Men vi sinh điều tiết tốt môi trường ao nuôi tôm, khống chế yếu tố gây bệnh. Kháng sinh khiến tôm chậm tăng trưởng. Hiện nay khi mua tôm, thương lái đều test kháng sinh, nếu tồn dư sẽ không mua hoặc mua với giá rẻ. “Công nghệ Biofloc vừa an toàn cho tôm nuôi vừa bảo đảm đầu ra khi thu hoạch nên được khuyến khích nhân rộng” - ông Long nói.
Để giảm thiểu dịch bệnh cho tôm, hằng tháng ngành thủy sản đã tập trung thực hiện quan trắc, giám sát, cảnh báo môi trường ở các vùng nuôi tôm. Bởi vậy, nông hộ cần theo dõi để áp dụng các khuyến cáo.
Hiện vẫn còn tình trạng khi tôm nuôi chết do bệnh, chủ ao nuôi không báo cáo cho ngành chức năng, tự mua hóa chất về xử lý và lén xả thải ra môi trường xung quanh làm lây lan dịch bệnh. Do đó, người nuôi tôm cần báo cho ngành chức năng và được hỗ trợ Chlorine để xử lý, tránh lây bệnh trên tôm nuôi trên diện rộng.
Ông Trần Quang Nam - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nghiệp vụ thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) dự báo thời gian tới sẽ có nhiều đợt không khí lạnh tràn về gây bất lợi cho nuôi tôm. Nông hộ cần thường xuyên kiểm tra chất lượng nước trong ao nuôi tôm, giám sát chặt pH, kiềm, nhiệt độ để ứng phó. Người nuôi tôm cần duy trì mực nước ao nuôi khoảng 1,5m để tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi.